Mua vé đi đường “ổ gà”

19/08/2009 23:20 GMT+7

Việc trả phí cầu đường để được đi trên những con đường quốc lộ, cao tốc bằng phẳng, an toàn là tất nhiên. Thế nhưng thực tế, nhiều quốc lộ xuống cấp nặng nề hoặc đang thi công, xe lưu thông vẫn bị thu phí! Mời nghe đọc bài

Bị bao vây bởi “những con đường đau khổ”

Trước tình trạng xuống cấp của các tuyến đường cửa ngõ ra, vào thủ đô, nhiều người nhận xét: Hà Nội đang bị bao vây bởi “những con đường đau khổ”. Chuyên nghiệp như các tài xế xe khách liên tỉnh nhưng mỗi lần đi qua đoạn đường Pháp Vân vào Bến xe phía Nam (Hà Nội) cũng phải sởn da gà. Trên một đoạn đường ngắn, chưa đầy 1 km nhưng có quá nhiều ổ voi, ổ gà, khiến việc di chuyển cực kỳ khó khăn. Từ phía tây đi vào thủ đô còn khủng khiếp hơn, QL 32 vừa nhỏ lại vừa gập ghềnh...

 
Cảnh kẹt xe nối dài trên đèo Bảo Lộc là chuyện thường ngày

Tuy khổ vì đường ổ voi, ổ gà nhưng giới lái xe vẫn cố gắng vượt qua được. Trường hợp khổ nhưng vẫn phải nộp tiền cho trạm thu phí mới ức. Anh Trần Danh Vĩnh, lái xe tải của Công ty Hà Đô dẫn chứng, đường Láng - Hòa Lạc là một ví dụ. “Sau khi trạm thu phí thu tiền, lái xe phải đối mặt ngay với con đường khốn khổ, đi ở Hà Nội mà cứ như đi trên đường đồi núi. Đường vừa xấu lại vừa bụi. Thu phí mà để đường như thế thì không thể chấp nhận được”, lái xe Vĩnh bức xúc.

Chịu không nổi sự phi lý này, người dân đã phản ánh tới đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra từ 11.8 - 15.8), nỗi niềm của người dân đã được ĐBQH Chu Sơn Hà chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng: “Đường Láng - Hòa Lạc có quá nhiều ổ voi, ổ gà nhưng tại sao vẫn thu phí?”. Bộ trưởng Dũng thừa nhận, việc thu phí trên đường Láng - Hòa Lạc như hiện nay là không hợp lý. “Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên ngừng hoạt động của trạm này", Bộ trưởng Dũng nói.

Sau khi trạm thu phí thu tiền, lái xe phải đối mặt ngay với con đường khốn khổ, đi ở Hà Nội mà cứ như đi trên đường đồi núi. Đường vừa xấu lại vừa bụi.
Trần Danh Vĩnh, lái xe tải của Công ty Hà Đô

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ, bất cứ tuyến đường nào có nhiều ổ voi, ổ gà cũng phải khắc phục, chứ không nhất thiết phải là những tuyến có thu phí. Ông Quyền cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân về “những con đường đau khổ”, Cục Đường bộ sẽ phân loại, nếu tuyến đó đầu tư theo hình thức BOT thì Cục gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, còn nếu tuyến đó là do Nhà nước đầu tư thì Cục sẽ đưa vào danh sách để sửa chữa.

Mua phí giao thông cho sản phẩm không hoàn chỉnh

Tại TP.HCM, rất nhiều doanh nghiệp vận tải cũng bức xúc vì phải trả phí cho những cây cầu, con đường hư hỏng, xuống cấp. Tiêu biểu như trạm thu phí xa lộ Hà Nội, đặt ở cửa ngõ phía đông TP.HCM, nhằm thu hồi vốn cho dự án mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh và Điện Biên Phủ. Thế nhưng, từ khi thông xe vào năm 2001 đến nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đặc biệt là cầu Văn Thánh 2, liên tục xuống cấp, lún sụt, ngập nước, gây khó khăn cho việc lưu thông.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận xét đây là cửa ngõ hết sức quan trọng của TP.HCM, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt xe tải, xe container ra vào TP và các cảng. Tuy nhiên trong suốt gần chục năm qua, người dân và doanh nghiệp vận tải đã bị mua phí giao thông cho sản phẩm không hoàn chỉnh. Điều đáng nói là dù đơn vị thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội là Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nhưng chi phí các đợt sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thời gian qua đều lấy từ ngân sách TP.

Cầu Bình Triệu 2 (Q.Bình Thạnh - Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng được thông xe và bắt đầu thu phí từ năm 2003 nhưng chỉ một thời gian ngắn đã liên tục hư hỏng tại các khe co giãn nối giữa các nhịp dầm cầu, gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông. Thậm chí đường dẫn vào cầu còn có hiện tượng bị lún và xuất hiện nhiều ổ gà. Trong khi doanh nghiệp và người dân khốn khổ vì cảnh "cầu hỏng cứ hỏng, phí thu cứ thu" thì việc sửa chữa cây cầu này đang được các cơ quan chức năng đùn qua đẩy lại.

“Rất mong được sự thông cảm”    

Nhiều bạn đọc phản ánh, khi đi qua quốc lộ (QL) 20 từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) lên đến Đà Lạt (Lâm Đồng), chỉ 230 km nhưng có tới 3 trạm thu phí. Một trạm ở Định Quán (Đồng Nai), và 2 trạm ở Bảo Lộc, Đức Trọng (Lâm Đồng). Người đi đường chấp nhận bỏ tiền để qua trạm (bởi vì chẳng còn con đường nào khác), nhưng cũng mong ước (đúng hơn là đòi hỏi) quãng đường đó phải được đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn giao thông cho tương xứng. Thế nhưng đáng buồn thay, phần thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện là một đại công trường, khi có tới 6 dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng nhưng tiến độ thi công rất chậm chạp, thường xuyên gây ách tắc giao thông.

Hiện tượng xe tải, xe du lịch nằm dài hàng cây số dọc đèo Bảo Lộc vài ba giờ là chuyện thường ngày. Hành trình từ Đà Lạt - TP.HCM có ngày lên đến hơn 10 giờ đã làm nản lòng nhiều đoàn du khách. Việc vận chuyển rau, hoa Đà Lạt về TP.HCM và các tỉnh miền Tây bị chậm trễ gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Không chỉ kẹt đường, du khách cũng không khỏi bực dọc khi lên hết đèo Bảo Lộc vừa lách ổ gà lại đụng ổ voi, nhưng lại xuất hiện mấy “chuồng cu” nhếch nhác giữa đường làm trạm thu phí. Có người gọi điện đến Báo Thanh Niên bức xúc: “Chúng tôi phải trả phí để đi vào đường ổ gà, ổ voi thật vô lý!”. Hoặc: “Đường sá tệ hại như thế mà lập trạm thu phí chẳng khác nào “trấn lột” người đi đường!”.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Giám đốc Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 78 (quản lý QL 20 địa bàn Lâm Đồng), đơn vị trực tiếp thu phí trạm Bảo Lộc, khi tiếp xúc PV Thanh Niên đã phân trần: “Chúng tôi biết dân kêu, nhưng Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất đặt trạm thu phí tại Bảo Lộc, tiền thu được đều nộp vào ngân sách tỉnh (khoảng 18 tỉ đồng/năm). Chúng tôi đề xuất kinh phí để đầu tư sửa chữa đoạn đường gần trạm thu phí cho bớt “phản cảm” nhưng ngành không có kế hoạch đầu tư nữa”.

Ông Huỳnh Văn Tài, Giám đốc Công ty 7/5 thì cho biết: “Chúng tôi có 2 năm để thực hiện 6 dự án trên QL 20, nhưng đến nay mới qua hơn 7 tháng. Khi thi công gặp một số khó khăn khách quan nên không thể đẩy nhanh được tiến độ... Riêng đèo Bảo Lộc, muốn mở rộng phải nổ mìn phá đá, mỗi lần như thế chúng tôi được phép dừng xe 90 phút, nhưng có những tình huống bất ngờ, bất khả kháng buộc lòng chúng tôi phải dừng xe lâu hơn, đã làm phiền toái người tham gia giao thông, rất mong được sự thông cảm”.

Đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay trạm thu phí tỉnh lộ 941 (ngã ba Lộ Tẻ, Châu Thành, An Giang) do Công ty phà An Giang quản lý vẫn tiếp tục thu phí. Các cán bộ xã Cần Đăng (Châu Thành) cho biết năm nào họp HĐND các cấp, cử tri cũng bức xúc sao cứ thu phí xe gắn máy hoài. Người dân còn thắc mắc tại sao ban đầu công ty thông báo chỉ thu phí 5 năm, nhưng đã hơn 5 năm trôi qua mà vẫn cứ thu? Một cán bộ xã Cần Đăng bức xúc: nếu thu phí để sửa chữa tuyến đường này còn chấp nhận, đằng này công ty thu phí nhưng mấy năm qua cầu đường xuống cấp liên tục. Đơn cử, đoạn đường từ xã Vĩnh Thành (Châu Thành) đến huyện Tri Tôn chưa đầy 10km nhưng nhiều đoạn bị "gồ" sống trâu khiến xe máy chạy qua lại vô cùng khó khăn. Nhiều cây cầu nhỏ xuống cấp, xe lớn chạy qua là muốn "sụm", vậy mà không thấy công ty sửa chữa. Vị cán bộ này thắc mắc các trạm thu phí trên quốc lộ không thu phí xe hai bánh nhưng không hiểu sao trạm thu phí tỉnh lộ vẫn cứ thu!

Thanh Dũng

Xuân Toàn - Phương Thanh - Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.