Nạn nhân của bọn buôn người: Bị người thân đem bán

26/09/2016 13:30 GMT+7

Những cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc, bị bóc lột sức lao động, trở thành công cụ kiếm tiền của các tay ma cô, chủ nhà chứa, bị bán về nhà “chồng”...

Khổ cực, nhục nhã, họ tìm mọi cách chạy trốn khỏi “địa ngục trần gian”...
Chúng tôi lên Tây Bắc vào một ngày thu tháng chín. Trên cánh đồng bậc thang rực vàng sắc lúa, bao bọc xung quanh là núi rừng xanh ngắt, những tưởng không có gì bình yên hơn thế, vậy mà mấy ai ngờ nơi đây tình trạng buôn người như ngọn lửa vẫn luôn âm ỉ và chưa bao giờ hết nóng. Bọn tội phạm hoạt động hết sức tinh vi, phức tạp. Đa số các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, sau đó bị ép lấy chồng hoặc bán lại cho các chủ chứa làm gái mại dâm. Lợi dụng địa hình rộng lớn, đường biên giới kéo dài, cách trở trong đi lại, điều kiện kinh tế khó khăn cũng như những mối quan hệ thân tộc, chúng tìm vào vào tận từng thôn bản để tiếp cận nạn nhân.
Mở mắt ra thấy mình… bị trói
Tâm sự với chúng tôi tại một ngôi làng người Dao, câu chuyện của T.T.Đ (24 tuổi, quê Yên Bái) làm người nghe không khỏi đau xót. Là con thứ 6 trong gia đình 9 anh chị em, cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nên dù thương con, cha mẹ cũng chỉ cho Đ. học đến lớp 9. Ban ngày Đ. lên nương cùng cả nhà, tối đến vui chơi trong làng cùng chúng bạn. Cuộc đời Đ. rơi vào bi kịch khi một ngày cuối tháng 8.2013, cô ruột đến rủ sang nhà bạn. Đ. kể: “Chiều hôm ấy, cô bảo đi cùng cô đến nhà bạn chơi. Vì đi cùng cô ruột nên lòng mình không một chút nghi ngại. Khi đến nơi có nhiều người vui lắm… Sau đó, khi uống ly nước, tôi thiếp đi lúc nào không hay, đến lúc mở mắt ra thấy mình nằm trong căn phòng kín mít, tay bị trói, bên cạnh có 7 cô gái nữa nhưng họ chưa tỉnh”.
Khi Đ. la hét, kêu cứu, một người phụ nữ Việt bước vào quát: “Cô mày bán mày cho bọn tao rồi, lo mà làm trả lại tiền cho tao. Ngoan ngoãn thì nằm yên, đến giờ được ăn, không thì đá sỏi bay vào mồm, mày biết chưa?”. Lúc này Đ. biết mình đã rơi vào tay bọn buôn người. “Biết mình bị bán với giá 80 triệu đồng, chỉ biết khóc và nghĩ về ba mẹ, anh chị ở nhà có lẽ đang lùng sục khắp làng để tìm mình. Trong phòng kín, không biết trời sáng hay tối nhưng mình hình dung ra cuộc đời mình từ đây là u ám”, Đ. rơi nước mắt nhớ lại.
Bi kịch của T.M.A (17 tuổi, quê Bắc Giang) cũng từ sự tin tưởng lời dụ ngọt của người chị họ. Tháng 2.2016, chị họ rủ A. sang Trung Quốc “làm cho công ty giày da với mức lương 40 triệu đồng/tháng”. Chúng cho xe đón A. từ nhà đến Lạng Sơn, rồi đi bộ qua cửa khẩu sang Trung Quốc. A. bị đưa vào H.Nam Ninh và bị nhốt 3 ngày. “Khi bị nhốt, có một người đàn ông Việt mang thức ăn đến và nói em bị chị họ bán, nếu nghe lời sẽ cho lấy chồng, còn không cho vào động quỷ tiếp khách”, T.M.A kể lại và cho biết mỗi ngày đều có người đến nhà mối xem mặt em.
Đánh vào sự cả tin trong chuyện tình cảm và tâm lý thích đi chơi, mua sắm… của các cô gái trẻ, những kẻ buôn người thường tiếp cận, tán tỉnh rồi lừa bán nạn nhân. Đó là câu chuyện của P.T.T (21 tuổi, ở Vĩnh Phúc). T. kể, năm 19 tuổi đã có tình yêu đầu với bạn trai cùng huyện và thường đi chơi cùng nhóm bạn của người yêu. Tháng 5.2015, được bạn trai rủ lên Lào Cai chơi, T. đi cùng mà không hề nghi ngờ. “Hôm đó em xin bố mẹ đi chơi. Trên đường bạn trai em chiều ý và cư xử ngọt ngào khác hẳn ngày thường nhưng em nào có nhận ra. Đến lúc biết bị bỏ thuốc mê và bán sang Trung Quốc, em mới vỡ lẽ mọi chuyện chỉ là một màn kịch do tên khốn nạn ấy dựng lên”, T. kể và nhớ lại khi bị thuốc mê, đầu óc lâng lâng, tay chân bị trói và nằm chỏng queo trên chiếc thuyền nhỏ cùng 3 cô gái nữa.
Sang biên giới rồi không có cơ hội trở về
Trường hợp của H.T.H.N (24 tuổi, ở Lào Cai) lại xuất phát từ bi kịch gia đình, muốn tìm cách thoát ra nhưng lại rơi vào cạm bẫy bọn buôn người. Sinh ra trong gia đình có hai anh em, N. sớm thiếu đi tình yêu thương của bố khi cô chỉ mới lên năm. Một mình mẹ không đủ sức lo cho con cái đèn sách đến trường, nên anh trai học xong lớp 9 thì ở nhà đi phụ hồ, N. được ưu ái hơn học đến hết lớp 11. Năm 18 tuổi, N. lấy người chồng bằng tuổi. Những trận cãi vã, đánh đập thường xuyên xảy ra xoay quanh chuyện cơm - áo - gạo - tiền, cuộc sống vợ chồng chưa kịp bén hơi thì họ đã ly thân. Đúng lúc tâm lý bất ổn, N. được một chị cùng làng rủ đi chơi. Để tạo lòng tin, năm 2010 chị ta 2 lần đưa N. sang Trung Quốc chơi. Đến lần thứ 3, chị ta bảo: “Mày đi sang Trung Quốc lấy quần áo về bán với chị kiếm tiền, một vốn bốn lời, chẳng mấy chốc mà giàu. Chị sẽ cho mượn vốn, bán có lãi rồi trả chị sau”. N. gật đầu đồng ý, nhưng lên xe sang biên giới thì… không có cơ hội trở về.
Cùng mắc mưu tương tự, cô gái L.T.H (20 tuổi, quê Yên Bái, dân tộc Thái) đã phải lưu lạc nơi xứ người. H. kể khi bọn môi giới tìm về quê “tuyển lao động cho công ty sản xuất bao điện thoại của Trung Quốc với mức lương cao”, H. đã cùng mẹ khăn gói quyết định ra “nước ngoài”. Vừa qua đến nơi, hai mẹ con bị tách mỗi người một nơi. “Mẹ và em không đồng ý, khóc lóc van xin đòi quay về VN nhưng trông vẻ dữ dằn của bọn chúng, em đã hiểu nếu không chịu nghe lời chúng đồng nghĩa với chịu chết”, H. kể.
Khi H. và các công nhân khác đề cập đến vấn đề lương bổng thì người quản lý bảo tiền lương được gửi về cho gia đình ở quê. Thế nhưng, một lần được người bảo vệ tốt bụng cho gọi nhờ điện thoại về nhà, vọng lại là tiếng người cha mắng nhiếc mẹ con cô: “Hai tháng sao không gửi về một xu?”. Lúc bấy giờ H. mới ngộ ra mình bị lừa và nung nấu ý định bỏ trốn.
Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an, tội phạm mua bán người ở VN chủ yếu bán sang nước ngoài (chiếm 85%), nhiều nhất là Trung Quốc (chiếm 70%). Theo số liệu của C45, chỉ 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện 95 vụ, với 165 đối tượng, lừa bán 243 nạn nhân; đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trao trả 458 nạn nhân, trong đó hơn 80% được tư vấn tâm lý, hỗ trợ sức khỏe, trợ giúp pháp lý.
Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.