Nên trao đổi học giả Việt Trung về chiến tranh biên giới

17/02/2017 14:21 GMT+7

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho đến hôm nay, sau 38 năm, chưa có cuộc hội thảo nào giữa học giả 2 nước lý giải về cuộc chiến tranh biên giới .

Sau chiến tranh biên giới có bao giờ các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc tổ chức chung một hội thảo hay nghiên cứu chung về đề tài này không thưa ông?
Cho đến hôm nay, tức là đã 38 năm rồi, chưa có cuộc hội thảo nào giữa học giả 2 nước về cuộc chiến tranh này. Đây là một điều rất đáng tiếc.
Sự kiện đã xảy ra trong quá khứ như một vết xám trong quan hệ hai nước mà chúng ra đáng lẽ rất cần tập trung nghiên cứu mổ xẻ để tìm ra lý do tại sao lại có cuộc chiến này. Cũng cần tìm hiểu cuộc chiến đã ảnh hưởng quan hệ hai nước ra sao ở thời hiện đại. Cho tới giờ, còn rất nhiều người chưa hiểu vì sao lại có cuộc chiến tranh này, vì sao Trung Quốc lại đưa quân sang đánh Việt Nam với số lượng lớn như thế. Trong khi đó, mới chỉ 4 năm trước Trung Quốc vẫn là nước đã giúp đỡ rất nhiều Việt Nam trong chiến tranh giải phóng chống Mỹ xâm lược năm 1975. Vậy mà chỉ 4 năm sau chính Trung Quốc lại mang lực lượng sang đánh những người đồng chí của mình.
Đáng lý ra học giả hai nước phải gặp gỡ, khi mà đến nay chúng ta đã có 26 năm bình thường hóa quan hệ rồi. Nhưng chúng ta chưa làm được điều đó. Sự thực lịch sử không thay đổi, quan trọng là bây giờ chúng ta nhìn nhận nó như thế nào để thấy và rút ra được bài học gì để làm cho mối quan hệ hiện nay tốt hơn. Cần phải nhìn nhận xem có phải chỉ dùng biện pháp quân sự, dùng sức mạnh để giải quyết các mối quan hệ hay không hay còn các biện pháp khác. Cả hai nước ở bên cạnh nhau thì phải giữ mối quan hệ tốt cho nhau. Trung Quốc mạnh thì Việt Nam cũng mạnh và ngược lại Việt Nam mạnh thì Trung Quốc cũng mạnh. Kinh tế hai nước cũng thế. Nhưng đã gần 4 thập kỷ trôi qua chưa có một cuộc gặp gỡ hội thảo nào liên quan đến vấn đề này cả. Đó là một điều đáng tiếc.
Tôi nghĩ thời gian tới, hai nước nên có cuộc trao đổi dưới góc độ khoa học nghiên cứu cuộc chiến tranh trong quá khứ để có thể rút ra những bài học hữu ích cho hiện tại. Chúng ta không giấu diếm được nó vì có những con người còn sống, vẫn có những con người từng trải qua cuộc chiến tranh này, vẫn có những người mà gia đình họ mất mát người thân và vẫn có những con người chúng ta tôn vinh là anh hùng trong cuộc chiến này nhưng lại ít đề cập đến họ. Không chỉ có anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ hoặc anh hùng trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới, những chiến sĩ của chúng ta họ cũng hy sinh bảo vệ đất nước.
Theo quan điểm của tôi, tôi muốn thúc đẩy quan hệ hai nước, nên có các cuộc trao đổi giữa các học giả để nghiên cứu vấn đề này, chỉ ra lý do cuộc chiến, để hiểu suy nghĩ, quan điểm của nhau. Mỗi bên đều có sự lý giải của mình thì bây giờ phải có sự gặp nhau để trao đổi.
Không có hội thảo chính thức, nhưng các nhà nghiên cứu hai bên rất có thể đã có các nghiên cứu thống nhất bài bản rồi. Ông có thể chia sẻ thông tin về những nghiên cứu này được không?
Tôi có tiếp xúc một số lần với các học giả Trung Quốc. Tôi thấy Trung Quốc đã nói về cuộc chiến tranh này rất nhiều sau sự kiện tháng 2.1979. Họ nói bằng sách báo, bằng tài liệu tuyên tuyền, phim ảnh, văn thơ, tiểu thuyết, kịch. Họ còn mở các tour du lịch tới khu điểm cao Lão Sơn, bên này là Vị Xuyên thì bên kia là Lão Sơn. Nơi đó từng diễn ra xung đột, tranh chấp rất ác liệt, bây giờ do Trung Quốc quản lý. Họ mở cả một con đường lên đó. Cách đây mấy tháng tôi có lên tận nơi xảy ra các trận chiến đấu cách nay trên dưới 30 năm và được các đòng chí ở Hà Giang chỉ cho khu vực đó. Bên Trung Quốc họ tuyên truyền rất nhiều. Người dân Trung Quốc hiểu rằng vì Việt Nam đánh sang đất Trung Quốc, muốn làm tiểu bá nên Trung Quốc phải phản kích tự vệ, dạy cho Việt Nam một bài học. Dân Trung Quốc họ hiểu như vậy.
Phía chúng ta, chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ. Quân đội cũng đã tổng kết, nguyên nhân tại sao lại nổ ra cuộc chiến tranh này, diễn biến ra sao và bài học rút ra là gì. Như tôi đã nói, quá khứ là quá khứ, sự thật lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng chúng ta phải từng bước nghiên cứu. Đến lúc nào đó, tôi hy vọng học giả hai nước ngồi lại với nhau để trình bày quan điểm của mình. Phía chúng tôi nhận định chiến tranh này như thế, phía các anh nhận định như thế, hai bên gặp được nhau ở những vấn đề gì, những nội dung gì cần trao đổi thêm. Tôi nghĩ rất cần. Đó chính là bài học của quá khứ cho mối quan hệ hiện nay. Hiện nay chúng ta có nghiên cứu và Trung Quốc cũng nghiên cứu rất nhiều.
Chiến tranh biên giới đã mở rộng ảnh hưởng của nó ra khỏi biên giới thế nào. Nó đã lan vào sâu trong nước ra sao, ảnh hưởng tới các vùng khác như thế nào, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao?
Trước tiên phải nói đây là một cuộc chiến tranh không mong muốn. Việt Nam chúng ta đã trải qua 30 năm chiến tranh. Hết chống Pháp lại chống Mỹ là 30 năm. Mới hòa bình được 2 năm (tháng 4.1977 Pol Pot đánh chúng ta ở phía Nam), thì chúng ta lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam rồi đến chiến tranh biên giới phía Bắc. Khi ấy (1979), cuộc chiến tranh 30 năm vừa kết thúc, vẫn đang để lại hậu quả cực kỳ nặng nề về kinh tế, xã hội cho cả 2 miền, chết chóc, thương vong, di chứng chất độc da cam cho con người, cơ sở vật chất bị tàn phá. Không ai mong muốn lại có cuộc chiến tranh nữa. Và càng không mong muốn cuộc chiến tranh với người láng giềng mà mình từng gọi là đồng chí, đã từng giúp mình.
Cho nên nó tác động đến tâm lý, tư tưởng tình cảm rất lớn. Hồi đó, tôi đã đi làm rồi nên tôi hiểu chuyện đó. Về mặt xã hội có sự xáo trộn lớn. Chúng ta đang ở thời bình rồi lại chuyển sang thời kỳ có chiến tranh. Chúng ta phải chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến đấu. Từ chỗ không có sự chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này, giờ đây chúng ta lại phải chuẩn bị. Chiến tranh kết thúc trong vòng 1 tháng, Trung Quốc đánh sang 17.2 thì đến 18.3 họ rút hết, nhưng hậu quả để lại rất nhiều.
Chúng ta có 6 tỉnh biên giới phía Bắc thì hầu hết thị xã, tỉnh lị đều bị tàn phá, có nơi bị san bằng. Hàng chục nghìn người chết, bị thương. Đường đi lối lại trên đó tan hoang. Chúng ta phải khắc phục trong bối cảnh đang cực kỳ khó khăn như thế. Rất nhiều vấn đề chính trị, xã hội, đối ngoại phải giải quyết. Cuộc chiến tranh, xung đột biên giới này còn kéo dài 10 năm sau nữa, nên tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Nó là một trong những nguyên nhân góp vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội lúc đó rất trầm trọng. Suốt 10 năm, chúng ta phải đương đầu giải quyết cả cuộc chiến ở Campuchia lẫn xung đột biên giới phía Bắc, rồi năm 1988 có xung đột trên Biển Đông, thêm việc Mỹ bao vây cấm vận, Việt Nam bị cô lập về ngoại giao... Rất nhiều vấn đề. Đời sống người dân ngày càng khó khăn, lạm phát tăng như thế lại tác động vào lòng tin của người dân với đường lối chủ trương của Đảng. Lúc đó nhiều người hoang mang. Vì thế, cuộc chiến tranh này là một nhân tố thúc đẩy khủng hoảng. Phải nói hậu quả chiến tranh biên giới rất nặng nề, một cuộc chiến tranh không mong muốn một chút nào. Và máu của chiến sĩ, của dân lại tiếp tục phải đổ để giữ gìn toàn vẹn của đất nước.
Vào thời điểm bây giờ, sau 40 năm thì ứng xử nên làm nhất với cuộc chiến tranh là gì ?
Cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, hoặc là nói từ năm 1989 thì cũng gần 30 năm rồi. Hai nước đã có một mối quan hệ hòa bình ổn định hợp tác, nhất là hợp tác kinh tế thương mại, rồi kể cả hợp tác chính trị sau bình thường hóa quan hệ 1991. Quan hệ hai nước dần dần trở lại mối quan hệ bình thường, nhưng không được như trước đây. Điều đó là rõ ràng vì nó để lại một dấu ấn, một vết xám không mong muốn trong lịch sử quan hệ hai nước. Tôi thấy vẫn còn sự dè chừng, chưa cởi mở. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế thương mại phát triển mạnh. Đây là điều đáng mừng. Cuộc chiến tranh đó giúp hai nước nhận thức trong mối quan hệ hai nước hiện nay cần phải ứng xử như thế nào cho có lợi nhất. Nên giải quyết mọi chuyện trên cơ sở đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, tính đến lợi ích của nước mình nhưng cũng phải tính đến lợi ích của nước khác chứ không phải chỉ có mình. Quan hệ ngày nay là quan hệ dựa trên lợi ích của dân tộc, nhưng nếu chỉ tính lợi ích dân tộc mà không đếm xỉa đến lợi ích của dân tộc khác thì chủ trương sẽ sai lầm. Thực tế cho thấy đã có sai lầm.
Một bài học rất lớn là không để chiến tranh vũ trang xảy ra trong thời đại này ngay khi chúng ta có các kênh khác để giải quyết, chứ không chỉ là dùng sức mạnh quân sự. Muốn thế thì phải trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau và hiểu cái giá phải trả khi tiến hành cuộc chiến tranh đó, chứ không thể nóng đầu lên là quyết định, để chiến tranh xảy ra rồi đi khắc phục hậu quả thì sẽ rất khó. Muốn thế cần tăng cường trao đổi quan điểm, chủ trương đường lối, trao đổi học giả giữa hai nước, bởi vì kênh học giả có thể nói thẳng với nhau. Lãnh đạo hai nước có thể thông qua kênh học giả để hiểu rõ hơn quan điểm của nhau. Hiện nay hai nước đã có đối thoại theo kênh học giả như thế thì nên tăng cường thường xuyên thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.