Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) - Kỳ 3: Doanh nhân và “cái gốc của doanh nghiệp”

13/10/2012 03:05 GMT+7

Nhiều doanh nhân đã lặn lội về nông thôn bắt tay với nông dân và đến thời điểm này đã hình thành được những mô hình liên kết mang lại hiệu quả, tạo công việc ổn định cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10): Doanh nhân và “cái gốc của doanh nghiệp”
Bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung bên vườn dược liệu - Ảnh: Q.Thuần

“Người chăn bò là cái gốc của doanh nghiệp”. Đó là khẳng định của ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu.

Tìm hiểu về mô hình bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa của công ty này mới thấy đây hoàn toàn không phải là lời nói suông. Năm 2000, trong một lần xuống thăm trang trại của người dân, thấy một phụ nữ than khóc bên con bò sữa mới bị chết vì xót của, ông Chiến chợt nghĩ, tại sao không để những người chăn bò đóng góp một mức phí nhất định. Khi bò bị chết, bò hết khả năng cho sữa… họ sẽ được nhận lại một số tiền, đủ để có thể tiếp tục mua được con bò, con bê mới? Nghĩ là làm, quỹ bảo hiểm bò sữa của Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu ra đời từ đó.

 

Nối nông dân với thị trường

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN - PTNT) cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 30%, còn lại 70% đầu tư vào ngành khác. Mấu chốt của việc phát triển sản xuất, giảm nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay là gắn kết được nông dân, nông sản với DN. Nông dân không thể trụ vững nếu không có DN, nhưng DN không thể đứng vững nếu không có chính sách trợ giúp từ nhà nước. Do đó, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực đối với DN trong lĩnh vực nông nghiệp, phải mở ra con đường nối nông dân với thị trường”.

Ông Chiến cho biết, hiện tổng quỹ bảo hiểm giá sữa và vật nuôi của công ty đã lên tới trên 15 tỉ đồng. Đã thực hiện chi trả cho nhiều hộ nuôi bò với số tiền lên tới hàng tỉ đồng. Các hộ dân sẽ đóng phí bảo hiểm với mức 600.000 đồng/năm/con bò sinh sản, 400.000 đồng/năm/con bò tơ và 200.000 đồng/năm/con bê. Nếu rủi ro, bò sinh sản bị chết sẽ được quỹ chi trả 12 triệu đồng/con bò sữa, 7 triệu đồng/con bò tơ và 3 triệu đồng/con bê bị chết. Ngoài ra còn chi trả cho người dân có bò sữa, bò tơ và bê bị thải loại. Với mức đền bù này, khi gặp rủi ro, người dân có điều kiện để mua lại con bò khác, tiếp tục chăn bò để ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Văn Tế, hiện đang nuôi 60 con bò trong trang trại rộng 4 ha ở Mộc Châu, chia sẻ: “Mỗi ngày đàn bò cho tôi 6 tạ sữa, bình quân mỗi năm, chúng cho tôi trên 1 tỉ đồng lãi ròng. Giờ thì kinh tế gia đình đã khá, mỗi khi bò chết hoặc bị bệnh cũng chẳng phải lo lắng nhiều. Nhiều người đã nhờ quỹ này mà thoát khỏi nguy cơ phá sản đấy”.

Tại Mộc Châu bây giờ có 532 hộ nuôi tổng cộng trên 10.000 con bò sữa, trong đó có rất nhiều “tỉ phú chăn bò” với thu nhập mỗi ngày lên tới cả chục triệu đồng.

Tại vựa lúa ĐBSCL cũng có nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao mang lại hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình liên kết của Công ty CP lương thực Thốt Nốt, Cần Thơ (Gentraco). Vụ đông xuân 2008, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Gentraco cử người về “bàn chuyện làm ăn” với nông dân. Hợp đồng đầu tiên được ký kết là cánh đồng diện tích 200 ha tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). Phía Gentraco cam kết cung cấp giống lúa chất lượng cao Jasmine cho nông dân, liên kết với các đơn vị sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán sản phẩm với giá ưu đãi, cử kỹ sư cùng làm lúa với nông dân và đặc biệt sẽ mua lúa với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 250 đồng/kg.

“Thời điểm ban đầu khi xây dựng chương trình rất khó khăn, nhất là khi liên hệ hợp tác với các đơn vị sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi Gentraco đưa ra các điều khoản hợp tác làm sao có lợi nhất cho nông dân thì nhiều nơi đã từ chối khéo vì ngại đụng đến quyền lợi của nhà phân phối tại địa phương. Cuối cùng, cũng có 2 đơn vị chấp nhận với cách làm này", bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Gentraco nhớ lại.

Sau vụ lúa đầu tiên nông dân trúng mùa, được giá, lại càng phấn khởi hơn khi trồng lúa trong vùng hợp tác bán lúa với giá cao hơn bên ngoài. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân hoặc trực tiếp, hoặc qua cán bộ địa phương đến liên lạc với Gentraco xin gia nhập liên minh, diện tích trong vùng hợp tác vì thế tăng lên nhanh chóng. Nói chuyện với chúng tôi khi đang cân lúa bán, nông dân Nguyễn Văn Thái ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) hồ hởi: “Nhờ tham gia liên minh sản xuất nên vụ hè thu này ruộng nhà tôi đạt 8 tấn/ha. Được mùa, mà cũng bán được giá cao”.

Từ 200 ha ban đầu, đến vụ mùa 2011 đã tăng gấp 10 lần, và sang năm 2012, diện tích đăng ký trồng lúa bán cho Gentraco đã là 3.000 ha, thuộc các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai của Cần Thơ.

Tại Phú Yên, năm 2007 Công ty dược liệu T.Ư 2 thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của nhà nước, những trung tâm nghiên cứu dược liệu không có khả năng đáp ứng được mức cổ tức yêu cầu đều phải giải thể, trong đó có cả Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung tại Phú Yên. Vốn gắn bó lâu năm với ngành dược, lại không nỡ nhìn thấy tâm huyết bao lâu nay bị xóa bỏ, bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm dược liệu miền Trung đã lập công ty TNHH mua lại trung tâm này để tiếp tục gắn bó với nông dân. Hiện nay trung tâm đang sản xuất 16 loại cây dược liệu giá trị, trong đó phải kể đến cây diệp hạ châu, dùng để bảo vệ và tăng cường chức năng gan, cây hồng đài chống bức xạ màn hình, lão hóa mắt, sỏi thận, cây lục tiên tây chống hồi hộp mất ngủ…

“Chúng tôi phát giống miễn phí cho nông dân, ký kết hợp đồng bao tiêu và tổ chức tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Gắn kết nhiều năm nay nên nông dân tuân thủ hợp đồng rất tốt, họ trồng đúng quy trình và đúng sản lượng yêu cầu, chúng tôi cũng thanh toán tiền mặt ngay cho họ nên mối liên kết ngày càng được thắt chặt”, bà Tuyết Anh chia sẻ.

Q.Thuần - Q.Duẩn - T.Trình

>> Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 -Kỳ 2: Bí quyết tăng tốc
>> Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 - Kỳ 1: Tinh thần doanh nhân Việt
>> Ghi nhận một “tuyên bố” nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.