Nghiêm trị thông thầu

Thảo luận luật Đấu giá tài sản sáng 19.11, các ĐBQH đề nghị luật cần phải ngăn chặn, nghiêm trị được tình trạng quân xanh quân đỏ, thông thầu, móc ngoặc gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá.

Thảo luận luật Đấu giá tài sản sáng 19.11, các ĐBQH đề nghị luật cần phải ngăn chặn, nghiêm trị được tình trạng quân xanh quân đỏ, thông thầu, móc ngoặc gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia đấu giá.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc  ThắngĐại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Không được xâm phạm an toàn thông tin mạng
Trong phiên họp sáng 19.11, QH đã thông qua luật An toàn thông tin mạng. Sau khi chỉnh lý, luật còn lại 8 chương 54 điều (trước đây là 8 chương 62 điều). Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Đồng ý việc cần thiết phải ban hành luật, tuy nhiên ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) mong muốn luật phải khắc phục được các tồn tại, bất cập hiện nay. Vừa qua, theo ĐB Nam do khung pháp luật thiếu chặt chẽ, đạo đức đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, quân xanh quân đỏ làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá. Đặc biệt việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Với kinh nghiệm thời còn làm Chủ tịch HĐQT Cienco 5, ĐB Thân Đức Nam dẫn chứng minh họa: Có một địa phương giao cho trung tâm đấu giá 3 ha đất. Tiêu chí đưa ra là quy hoạch thành trung tâm thương mại với giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Tất cả các nhà đầu tư đến nghiên cứu tham khảo thấy không khả thi, không mua hồ sơ đấu giá. Sau đó một nhà đầu tư khác được chỉ định, 6 tháng sau nhà đầu tư này xin chuyển đổi mục đích từ trung tâm thương mại bị chia thành 6 lô, mỗi lô 5.000 m2. Dự án được xây dựng chung cư, khách sạn giá từ 30 triệu thành 60 triệu đồng/m2.
“Đây là kẽ hở trong luật đấu giá, nếu đưa quy hoạch, tiêu chí ban đầu phải làm đúng. Còn nếu làm sai, điều chuyển quy hoạch do lý do khách quan buộc nhà đầu tư phải nộp tiền vào ngân sách. Nếu không nộp thì ai đưa ra đấu giá, đưa ra chủ trương phải chịu trách nhiệm vì làm thất thoát ngân sách”, ĐB Nam kiến nghị.
Chia sẻ ý kiến của ĐB Thân Đức Nam, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đánh giá tình trạng thông đồng ép giá hiện nay tiêu cực vô cùng ghê gớm.
Liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức đấu giá, theo ĐB Trần Du Lịch, nỗi khổ lớn nhất của người đi đấu giá là đấu xong, mua xong, nhưng quyền sở hữu tài sản không chuyển giao được. Các tổ chức đấu giá cũng không chịu trách nhiệm gì, cứ lấy tiền xong là xong. “Tôi đồng tình với quy định phải mua bảo hiểm. Điều này là để xử lý trách nhiệm tổ chức đấu giá, phải làm kỹ vấn đề này hơn một chút”, ĐB Lịch đề nghị.
Nhiều khoảng tối trong thị trường dược VN
Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án luật Dược (sửa đổi) chiều 19.11, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã gần như “độc chiếm” diễn đàn với bài phát biểu kéo dài gần 40 phút. Hàng loạt phân tích về những “khoảng tối”, bất cập trong lĩnh vực này đã được ĐB TP.HCM thẳng thắn mổ xẻ.
Theo ĐB Phong Lan, chính sách phát triển công nghiệp dược VN hiện đang có nhiều tồn tại như thiếu định hướng, thiếu đầu tư, quan tâm của nhà nước dẫn đến tình trạng thị trường phát triển tự phát. Tình trạng có quá nhiều tầng nấc trung gian phân phối thuốc là câu chuyện “trong ngành ai cũng biết” nhưng đến nay vẫn không hề có quy định nào.
Về vấn đề kiểm nghiệm chất lượng thuốc, ĐB Lan cho biết “hết sức băn khoăn quan ngại” trước thông tin báo chí đưa tin về việc Bộ Y tế có công văn chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất lượng 100% mẫu nhập khẩu với 37 công ty hay có vi phạm về chất lượng thuốc. Trong số này có tới 25 công ty là của Ấn Độ. “Từ đó suy ra hệ lụy thuốc đến tay dân không phải được kiểm tra 100%... Cho nên cũng có yếu tố hên xui trong đó”, ĐB Lan nói.
“Người dân sử dụng phải thuốc không đạt chất lượng ai chịu trách nhiệm? Ai bồi thường? Tỷ lệ thuốc không đạt, thuốc giả qua kiểm nghiệm mỗi năm càng thấp. Có phản ánh thực tế không? Đã xử lý trường hợp nào làm thuốc giả chưa? Trung Quốc đã từng tử hình một cục trưởng cục quản lý dược vì liên quan thuốc giả. VN thì bao nhiêu vụ thuốc giả đều chìm vào quên lãng, do vậy không có tính răn đe”, ĐB Lan bức xúc.
Về cơ chế quản lý giá thuốc, theo ĐB Phong Lan cũng là vấn đề nóng. Theo ĐB Lan, thị trường dược với hơn 30.000 mặt hàng nên việc kiểm soát được hết là “ảo tưởng”. Theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì giá thuốc không tăng nhưng thực tế ai cũng kêu giá thuốc tăng, ĐB Lan đặt vấn đề. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân của việc giá thuốc tăng là việc độc quyền nâng giá chưa được kiểm soát, phân phối thuốc có quá nhiều tầng nấc và tình trạng mua chuộc bác sĩ kê đơn...
Góp ý cho dự luật, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế chặt chẽ giám sát minh bạch về giá thuốc, nhất là biệt dược, thuốc độc quyền. Do đó, ĐB đề nghị luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn đối với việc kiểm soát giá các loại thuốc này.
 Đừng biến Hội thành cơ quan nhà nước thứ 2
Chiều cùng ngày, góp ý dự thảo luật về Hội, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề nghị cần phải có những chính sách, quy định rạch ròi về tổ chức, cơ cấu cũng như cơ chế hoạt động mang tính thay đổi so với hiện nay. “Hội cũng dùng kinh phí nhà nước, sau khi làm lãnh đạo Bộ thì lại về làm lãnh đạo Hội. Tôi cho rằng Hội rất tốt nếu là một tổ chức giám sát, giúp xã hội nhưng không biến Hội thành cơ quan nhà nước thứ 2”, ĐB Tiến nói và đề nghị cắt bỏ các khoản ngân sách nhà nước đối với Hội. “Các hội chính trị xã hội đã đành nhưng các hội nghề nghiệp cũng dùng ngân sách, có trụ sở, ô tô riêng, bộ máy. Chúng ta có mấy trăm Hội nên cần có cơ chế tự đảm bảo, chịu trách nhiệm, kinh phí do hội viên tự đóng góp. Các hội đang bao cấp thì dần dần cũng phải giảm vì bánh ngân sách rất hẹp, chúng ta có hàng vạn nhu cầu cần chi tiêu để phát triển y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng... nên trong luật đừng có chế định để nói nhà nước phải bao cấp, đầu tư cho các hội...”, ĐB Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.