Người còn lại của bộ ba “Hoàng-Mai-Lưu”

01/09/2007 22:28 GMT+7

“Xếp bút nghiên ta lên đường tranh đấu. Xếp bút nghiên ta coi thường công danh như phù vân...” (*). Trước năm 1975 ở miền Nam, sinh viên học sinh, thanh niên quan tâm thời cuộc ít nhiều đều biết bài hát này.

Người Nam Bộ biết tiếng cụ Huỳnh Văn Tiểng không chỉ qua những ca khúc do Lưu Hữu Phước viết nhạc, cụ Huỳnh viết lời, mà còn qua rất nhiều những bài thơ, bài báo đậm chất đấu tranh chống áp bức, các kịch bản “châm chọc” của tay sai và cường hào ác bá thời Pháp thuộc. Sau ngày hòa bình, tên tuổi nhà văn hóa, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng càng có cơ hội được nhiều người biết, nhiều người nhắc nhở.

Rất hiền lành và cũng rất khảng khái, đó là tính cách của ông. Câu chuyện mà bạn bè ông biết và vẫn thường nhắc là chuyện ông đã “cả gan” chửi con trai ông đốc phủ sứ Hóc Môn là “thiếu văn hóa” vào năm 1930 khi ông còn ở bậc tiểu học. Hôm đó, đội bóng lớp ông có trận đá banh với lớp của Bảo - con trai ông đốc phủ. Kết quả, đội lớp ông thắng đội của Bảo 3-0, một tỷ số khá cách biệt.

Bị “mất mặt” với đám con gái của trường, Bảo đã nói những lời thô tục với học sinh lớp ông. Cậu học trò 11 tuổi Huỳnh Văn Tiểng đã chỉ thẳng vào mặt con trai ông đốc phủ mà rằng: “Anh đừng cậy thế con ông đốc phủ. Cử chỉ và thái độ của anh vừa rồi tỏ ra anh không xứng đáng là con của quan trên, vì thiếu văn hóa”. Ngay trưa hôm đó lính mã tà đến nhà ngoại của ông, đòi bắt ông giải lên quận để thẩm tra. May nhờ nhà giáo Huỳnh Công Kỉnh, người có uy tín trong giới trí thức ở Hóc Môn bấy giờ, khăn đóng áo dài lên hầu quan, xin tha, ông mới không bị bắt.

Hôm chúng tôi đến, cụ Huỳnh Văn Tiểng đang bị bệnh nặng, nằm một chỗ trên căn gác nhỏ ở đường Nguyễn Trãi, Q.1  TP.HCM. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ người dìu, đỡ. Cụ đã 87 tuổi, bao nhiêu căn bệnh có tên, không tên cùng lúc ập đến. Sức tàn, nhưng tinh thần Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng, Giải phóng miền Nam... (nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng) vẫn bừng bừng trong ông. Ông là một trong số rất ít đại biểu được dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội 5 khóa liền.


Cụ Huỳnh Văn Tiểng tại nhà riêng ở đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM

Là một chính khách có tri thức và uy tín nên hầu như cuộc hội nghị nào, ngày lễ lớn nào ở Hà Nội và TP.HCM ông cũng được mời, kể cả khi tuổi đã vào hàng 80. Cách đây gần 10 năm, bị té cầu thang, phải mổ, đi lại bằng xe lăn, nhưng khi được mời ra Hà Nội dự hội nghị ông vẫn lạc quan: “Có xe đẩy ta cứ đi/Chân ơi! Bám đất chớ du di/Tay ơi nắm chặt càng xe đẩy/Chốc nữa đến nơi nghỉ muộn gì...”.

Bà vợ ông cho biết, thời còn trẻ, ngoài những lúc viết lời cho ca khúc của Lưu Hữu Phước, viết báo, viết kịch... ông rất hay đi thăm các cơ sở bảo trợ xã hội, làm từ thiện.

Ông là vậy, vẫn luôn dành cho người dân lam lũ một tình cảm sâu nặng, thiêng liêng. Mấy năm trở lại đây, bệnh tật nhiều, mắt không còn tỏ, ông vẫn hay nhờ vợ đọc báo giúp để biết chuyện thời sự, chính trị - xã hội. Không chỉ thao thức chuyện nước nhà, không ít lần ông viết thư gửi các cấp Đảng, chính quyền “đề nghị” phải tăng cường chống tiêu cực quyết liệt hơn nữa, đừng có chùn lòng.

Chuyện tiêu cực trong xã hội làm ông bức xúc bao nhiêu, thì cái tốt, điều thiện cũng làm ông hồ hởi bấy nhiêu. Vợ ông cho biết, ở tuổi 87 ông vẫn... đòi tự tay đi bỏ lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội để được chọn người hiền tài. “Khi nghe ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũng được dân tín nhiệm cao, được bầu giữ các chức vụ cao cấp nhất của quốc gia, ông đã nhờ tui thảo thư gửi ra chúc mừng các ông”, vợ ông cười, nói vậy.

Bộ ba “Hoàng - Mai - Lưu”, một đặc trưng của văn hóa Nam Bộ và cũng là niềm tự hào của phong trào văn hóa văn nghệ yêu nước các thời kỳ, giờ chỉ còn mình cụ Huỳnh. Hai người bạn thân, cũng là những nhân vật lỗi lạc trong giới văn hóa nghệ thuật - Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước - đều đã quy tiên. Những cái tên nhắc nhớ một thời đổ máu giành độc lập cách đây 62 năm. 

(*) Bài Xếp bút nghiên, nhạc: Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiểng.

N.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.