Người xưa xử nghiêm quan chức sai trái

23/07/2017 09:55 GMT+7

Theo các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, những sai phạm pháp luật của quan lại thời xưa bị xử phạt nghiêm.

Chặt tay vì đút lót
PGS-TS Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học, cho biết trước đây những vị quan thanh liêm, không ăn đút lót, giữ liêm sỉ của nhà Nho quân tử thường rất nghèo. Những vị công bộc như thế cũng là tấm gương về việc chống ăn đút lót. “Ông Trần Thủ Độ chẳng hạn, là một tấm gương về việc chống ăn đút lót. Có một người đến đút lót vợ ông ấy để xin một chức quan trong thôn. Ông bảo chặt tay người đó. Đó là tấm gương quyết liệt”, ông Liễn nói.

tin liên quan

Công bộc của dân
Dù chỉ là một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái đạo đức lối sống, coi thường dân, coi thường pháp luật nhưng lại đang ở mức báo động và ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh nền hành chính quốc gia.
TS Phạm Đức Anh, Phó chủ nhiệm Khoa lịch sử, Trường đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết vào thời Lê, quan lại được coi như cha mẹ dân. Chính vì thế, họ được yêu cầu cần phải hết lòng yêu thương chăm sóc dân. Ông Đức Anh cho biết, vua Lê Thái Tông từng dụ rằng: “Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Yêu vua phải hết lòng trung, yêu dân phải hết lòng thành”. Trong một lần khác, vua Lê Nhân Tông lại chỉ dụ: “Các ngươi là quan tại nhiệm, khi trở về, phải bảo dân gắng sức làm ruộng, xử án phải cho công bằng, nếu có trộm cướp, phải hết lòng lùng bắt, không được thờ ơ lười biếng”.
Cũng theo ông Đức Anh, năm 1498, vua Lê Hiến Tông xuống chiếu: “Quan lại nếu quấy nhiễu, hạch sách nhân dân, theo lợi riêng gây mối tệ, thì dẫu việc bị cáo giác hay không có chứng cớ cụ thể... đều khảo vào loại không xứng chức”.
Quan sai, người bổ nhiệm cũng phải chịu phạt
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, Đại học Huế, những sai phạm pháp luật của quan lại, hoàng thân quốc thích dưới thời Nguyễn bị xử phạt nghiêm. “Không hề có vùng cấm cho những chuyện đó. Nếu nhà nước trung ương biết việc, chắc chắn người sai phạm bị xử phạt”, ông Tiến nói. Có nhiều vụ án như vậy đã được xử dưới triều Nguyễn. Chẳng hạn, năm 1883, khi vận chuyển gạo kho ở Thuận An về kinh, Nguyễn Văn Tán cùng một số người hội ý nhau giữ bớt, thu được nhiều mà báo ít. Sau đó, có người đứng ra tố giác, Nguyễn Văn Tán bị tội lưu, các người liên quan cũng bị khép tội theo thứ bậc khác nhau.
Một vụ án khác lại cho thấy việc sai trái của quan lại còn khiến chính người bổ nhiệm họ cũng phải chịu phạt - vụ án trừng trị quan lại tham nhũng ở Quảng Điền 1884. Ông Tiến cho biết từ 28.1 - 26.2.1884, tri huyện ở H.Quảng Điền là Tôn Thất Hội thường phái huyện lệnh là Lê Diệu đi xuống địa bàn đôn đốc giúp đỡ tổng lý đặt mua thóc trong dân. Những người này tạo sự phiền nhiễu đòi lấy tiền của dân. Việc ấy bị phát giác, các quan trong triều muốn trừng trị bọn sâu mọt hại dân liền bắt giải cho bộ Hộ tra xét. Quan phủ Thừa Thiên bèn làm án xử Lê Diệu bị phạt trượng đi đày, số còn lại bị phạt trượng bãi chức.
Bộ Hình xét lại liền đổi kết án Lê Diệu bị chém bêu đầu, còn lại được giảm dần đến án lưu, đồ. “Tri huyện Tôn Thất Hội tội sai phái không đúng người bị cách chức; Phủ doãn Thừa Thiên Nguyễn Liêu và Phủ thừa Đinh Duy Tân tội tra xét án lại viên tham quan ô không đúng mức, đều bị giáng 4 cấp đổi đi nơi khác; số dự bàn đều bị giáng 2 - 3 cấp cho lưu dụng. Án này được sao lục gửi các nha xử hình luật trong kinh ngoài tỉnh chiếu theo mà làm và niêm yết cho các xã dân cùng hay biết”, ông Tiến cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.