Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa

18/05/2014 03:20 GMT+7

Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại', Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17.5.

Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17.5.

Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại - Ảnh: Ngọc Thắng


Mặc dù là buổi đối thoại về khoa học công nghệ, song các nhà khoa học lại dành khá nhiều thời gian đặt câu hỏi cho vấn đề thời sự nóng bỏng: biển Đông. Là nhà khoa học, nhưng đồng thời cũng là chiến sĩ, giảng viên Nguyễn Quốc Định, Học viện Kỹ thuật quân sự, bày tỏ các nhà khoa học có tri thức không thể khoanh tay trước vấn đề của đất nước hiện nay, đặc biệt là vấn đề phức tạp tại biển Đông. “Giới khoa học và trí thức nên làm gì vào lúc này?”, anh Định đặt câu hỏi.

 

Chống chủ nghĩa bành trướng

Bây giờ, chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, những nhà khoa học chúng tôi hiểu rõ, những vấn đề phải đối mặt hiện nay giữa các quốc gia không phụ thuộc vào đường biên giới mà còn là vấn đề của toàn cầu. Là nhà khoa học, điều chúng tôi mong muốn là giữ mối quan hệ tốt với các nhà khoa học ở các nước, chúng tôi chống lại chủ nghĩa bành trướng.

GS Pierre Darriulat chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giới khoa học có thể làm nhiều việc. Cụ thể đối với việc Trung Quốc đem giàn khoan vào Việt Nam, các nhà khoa học là người có tri thức, có thể tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề chia sẻ với người thân, người xung quanh mình, bạn bè nghiên cứu, các tổ chức khoa học quốc tế hiểu về luật pháp quốc tế.

Trước tình hình phức tạp ở biển Đông, một nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) băn khoăn: “Thực lực của Việt Nam thế nào? Chúng ta có đủ khả năng đương đầu giải quyết tình hình thực tế?”. Phó thủ tướng nói: “Sự kiện lần này không phải là sự kiện duy nhất trong quá khứ mà ngay cả tương lai, đất nước chúng ta luôn phải đương đầu với những thách thức như vậy. Chúng ta đã đứng vững như bây giờ, nhất định chúng ta sẽ giữ vững và bảo vệ được độc lập, chủ quyền trong tương lai. Tiềm lực còn rất yếu, trách nhiệm của chúng ta, nhà khoa học phải làm tốt hơn, nhà quản lý phải làm tốt hơn, có như vậy dân tộc mới mạnh”.

“Vàng chưa phải là quý nhất”

Trước câu hỏi khó của một nhà khoa học: “Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về cái được gọi là “16 chữ vàng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc? Việt Nam có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc?”. Không ngần ngại, Phó thủ tướng bày tỏ: Phía Việt Nam luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm “16 chữ vàng”. Và Việt Nam mong phía Trung Quốc cũng như vậy. “Các bạn là nhà khoa học chắc biết hơn tôi, mà chẳng cần phải là nhà khoa học đâu, người dân cũng biết, vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa. Bác Hồ đã dạy 4 chữ độc lập, tự do. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Vàng có kim cương quý hơn và có thể có nhiều thứ quý hơn kim cương. Nhưng trên hết, không có thứ gì quý bằng độc lập, tự do”.

Thu Hằng

>> Quyết bám ngư trường Hoàng Sa
>> Triển lãm 'Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam
>> Tri ân hùng binh Hoàng Sa
>> Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
>> Triển lãm Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.