Nhật hỗ trợ Việt Nam xây dựng đối sách chống hạn hán, xâm nhập mặn

06/05/2016 16:59 GMT+7

Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam xây dựng đối sách với tình trạng hạn hán , xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại miền Trung và miền Nam.

Đây là một trong những nội dung được Nhật Bản và Việt Nam thống nhất tại phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 diễn ra sáng nay 6.5 tại Hà Nội. Phiên họp do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đồng chủ trì.

Tại phiên họp, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc song phương ở các cấp, cũng như nhất trí về nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế...

Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam thông qua việc triển khai giai đoạn 6 Sáng kiến chung Việt - Nhật trong năm 2016; quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án lớn, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.

Hai bên cũng nhất trí việc Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam xây dựng đối sách cơ bản và lâu dài đối với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại miền Trung và miền Nam. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị phía Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam đến Nhật Bản.

Phát biểu với báo chí sau phiên họp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng rằng, kết quả cuộc họp Ủy ban Hợp tác lần này sẽ đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc tiếp tục cung cấp nguồn vốn ODA trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó biển đổi khí hậu... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.