Nhờ cơ quan điều tra mới biết mất 5.190 tỉ

26/07/2016 06:30 GMT+7

Tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử “đại án” Phạm Công Danh, hôm qua 25.7, HĐXX đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến người có quyền và nghĩa vụ liên quan Trần Ngọc Bích, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.

Trả lời HĐXX, bà Bích kể lại quá trình giao dịch với Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) từ khi còn là Ngân hàng TMCP Đại Tín và sau này tiếp tục được mời gửi tiền. Sau khi so sánh mức lãi suất với một số ngân hàng khác, bà quyết định gửi tiền tiết kiệm vào VNCB.
“Chị có quen biết Phạm Công Danh không?”, chủ tọa hỏi. Bà Bích trả lời không quen biết và giao dịch gì với Danh, vì số tiền gửi vào VNCB rất lớn, có thời điểm cao nhất lên đến 6.000 tỉ đồng nên chỉ làm việc với người phụ trách trực tiếp là Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn, là bị cáo trong vụ án này). “Theo hồ sơ phản ánh, nhóm chị có 124 sổ tiết kiệm. Vậy số tiền trong sổ là của cá nhân những người đứng sổ hay của chị?”, chủ tọa hỏi và bà Bích trả lời: “Tiền trong 124 sổ tiết kiệm là của nhiều cá nhân, trong đó có tôi”.
Về nhân vật Trang “phố núi” (Phạm Thị Trang, hồ sơ vụ án không thể hiện thông tin gì về nhân thân - PV), bà Bích cho hay khi làm việc với Ngân hàng TMCP Đại Tín thì có gặp Trang, được Trang giới thiệu là phó tổng giám đốc nguồn vốn ngân hàng. Ngoài ra, sau khi vay tiền của VNCB, Trang đề nghị được vay tiền lại thì bà Bích đồng ý và chuyển tiền đến một số tài khoản khác do Trang chỉ định, trong đó có tài khoản bị cáo Danh.
Chuyển sang số tiền nhóm bà Bích cầm cố sổ tiết kiệm để vay của VNCB, chủ tọa cho biết sẽ không đề cập đến khoản tiền vay hơn 17.700 tỉ đồng vì theo cáo trạng đây chỉ là giao dịch dân sự, hai bên đã tất toán. HĐXX tập trung 2 khoản vay trong hai ngày 21, 26.8.2013 đối với số tiền 5.490 tỉ đồng đã được giải ngân và dù chưa có chữ ký ủy nhiệm chi của chủ tài khoản nhưng tiền vẫn chạy đến tài khoản của Phạm Công Danh. Bà Bích khai do cần tiền hợp tác kinh doanh nên cùng một số cá nhân khác đứng tên vay 5.190 tỉ đồng trong ngày 21.8.2013 của VNCB. “Chị có ý kiến gì khi bị cáo Quyết khai tại tòa việc chuyển 5.190 tỉ đồng từ tài khoản của chị đến tài khoản của bị cáo Danh dù không có ủy nhiệm chi là do các bên thỏa thuận”, tòa hỏi. Bà Bích trả lời: “Tôi giao dịch với ngân hàng vì tin tiền của tôi được ngân hàng quản lý và tôi không chấp nhận việc tôi chưa có ý kiến nhưng VNCB đã chuyển tiền đi”.
Lý giải việc 5.190 tỉ đồng tiền vay của nhiều cá nhân trong nhóm nhưng sau khi được giải ngân đều đồng loạt chuyển vào tài khoản cá nhân của mình, bà Bích và đại diện ủy quyền cho những người đứng tên vay giải thích, mục đích vay là để hợp tác kinh doanh nên khi tiền được giải ngân sẽ chuyển lại vào tài khoản của bà Bích để bà chịu trách nhiệm quản lý, chủ động sử dụng nguồn vốn.
Khi được HĐXX hỏi thời điểm biết tiền trong tài khoản không còn 5.190 tỉ đồng, bà Bích khai: “Sau ngày 21.8.2013, tôi không ký ủy nhiệm chi chuyển tiền đi đâu nên tôi đinh ninh tiền vẫn nằm trong tài khoản của mình. Cho đến ngày 15.7.2014, cơ quan điều tra mời tôi làm việc về vấn đề vay, nhận và gửi tiền tại VNCB và cơ quan điều tra có cung cấp thông tin rằng tài khoản của tôi không còn tiền và tiền đã được chuyển đi thì tôi mới biết”.
Đối với số tiền 300 tỉ đồng VNCB cho bà Bích vay (sau đó cũng được chuyển khoản đến tài khoản của Danh) nhưng không có hợp đồng tín dụng, chủ tọa hỏi: “Chị nói không chỉ đạo ai vay nhưng tại sao 6 sổ tiết kiệm dùng để cầm cố vay 300 tỉ đồng lại nằm trong tay bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn)”. Bà Bích trả lời: “Trước đó, tôi có xin vay nên cho người của tôi đưa 6 sổ tiết kiệm cho Khương giữ, nhưng vì số tiền 5.190 tỉ đồng vay trước đó tôi chưa sử dụng đến nên tôi quyết định không vay nữa”.
Chủ tọa: “Có gì chứng minh sau đó chị không vay nữa?”, “Chúng tôi không có hồ sơ vay, chứng từ vay”, bà Bích nói.
Cũng trong hôm qua, HĐXX tập trung làm rõ hành vi vi phạm quy định cho vay của bị cáo Danh và các đồng phạm liên quan, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.000 tỉ đồng. Theo đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương đều thừa nhận các bộ hồ sơ vay vốn, phương án kinh doanh của 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, 2 pháp nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai đều không có thật, chỉ nhằm mục đích rút tiền của VNCB để Danh có tiền trả nợ, chi chăm sóc khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.