Những bóng hồng của dinh Độc Lập - Ly rượu mừng cay đắng

29/04/2010 01:40 GMT+7

Dinh Độc Lập đã nhiều lần mở đại tiệc với sự tham dự của các nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn cùng phu nhân của họ, mà một trong các buổi tiệc đáng nhớ nhất được tổ chức trong vòng bảo mật ở dinh là vào cuối năm 1969 để chiêu đãi Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Nixon là Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất ghé thăm dinh Độc Lập trước năm 1975. Theo nhận định của giới quan sát chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ và cả bà Mai Anh cùng những cộng sự thân tín của gia đình bà, thì chuyến thăm sẽ có tác dụng nâng cao uy tín Thiệu và mang ý nghĩa chính trị ngoại giao hữu ích vì thể hiện trước dư luận sự tiếp tục quan tâm và ủng hộ của Nhà Trắng đối với chế độ Sài Gòn. Do vậy, ông Thiệu lệnh chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng bữa tiệc tiếp Nixon.

Danh sách những bộ trưởng, tướng lĩnh cũng như những nhân vật đang có ảnh hưởng mạnh đến công luận đương thời cùng các phu nhân được cân nhắc, chọn lựa chu đáo để mời. Và tất cả khách mời đều chỉ được thông báo vài giờ trước khi chiếc máy bay trực thăng chuyên dụng chở Nixon đáp xuống trước dinh. Ở đó, trên vòng cung rộng thoáng của thềm và trước phòng Đại yến, các phu nhân với những trang phục hợp thời và trang sức lộng lẫy đứng sẵn, một số tựa như những đóa hồng nhung đỏ quý phái nổi bật dưới bộ tranh 7 bức chủ đề Sơn hà cẩm tú do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ, mỗi bức dài ngót hai thước treo dọc theo tường. 9 bộ đèn đôi trên tầng 3 và hệ thống đèn chiếu sáng khắp các tầng khác, đều được bật lên cùng lúc trước giờ vào tiệc. Ông Thiệu nâng cốc mời các vị khách quý đến từ Nhà Trắng và bữa tiệc diễn ra trang trọng...

Nhưng sau đó, ông Thiệu đã phải hứng chịu dư âm cay đắng của ly rượu mừng hôm ấy. Vì bữa đó Nixon và cố vấn đặc biệt là tiến sĩ Kissinger đã giấu Thiệu một điều quan trọng sắp diễn ra, họ giữ kín đến khi tiệc tàn và ra về im lặng. Ông Thiệu chẳng hay biết gì, vẫn nhiệt tình rời bàn tiệc bước xuống thềm để tiễn Nixon và Kissinger ra đến tận bãi đậu trực thăng ngoài sân cỏ và vẫy tay chào vui vẻ, nồng nàn. Mãi khi tiếng máy bay đã không còn nghe nữa, ông mới quay vào hân hoan nói với các vị khách còn lại rằng, Tổng thống Nixon vừa nhắc lại cam kết ủng hộ ông và đường lối hiện hành của chính quyền Sài Gòn. Nhưng không lâu sau, ông bàng hoàng biết sự thật không hoàn toàn như thế và rằng hôm đó, ngay sau khi rời dinh Độc Lập, cố vấn Kissinger với sự đồng ý của Tổng thống Nixon đã sửa soạn gấp gáp để bay tới Paris (Pháp), mở đầu những cuộc gặp gỡ và đàm phán mật với đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện ấy thông báo đến Thiệu một cách muộn màng khi Mỹ đã kết thúc cuộc gặp gỡ này. Thiệu lấy làm bẽ bàng, bực bội trước thái độ phớt lờ của Mỹ đối với mình.

Đó không phải là lần đầu Thiệu chua chát và ngao ngán trước vị trí quá phụ thuộc vào Mỹ của mình. Trước đó, vào cuối năm 1968, bà Mai Anh đã chứng kiến cảnh chồng la hét, khua bàn ghế, tức giận trong một đêm thức trắng khi Mỹ tuyên bố đơn phương ngừng oanh tạc miền Bắc và “mời Việt Cộng (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tham dự hòa đàm Paris mà không hỏi han hoặc thông báo cho mình (chính quyền Sài Gòn) biết trước chút nào”. Vừa to tiếng, bực dọc, ông vừa lay mạnh thành ghế, làm ghế ngã va vào bàn, khiến các ly cà phê do bà Mai Anh pha để sẵn bị rớt xuống sàn. Đêm thức trắng ấy có mặt Nguyễn Cao Kỳ (phó tổng thống) và tướng Vũ Ngọc Nhạ (cố vấn đặc biệt) tại dinh, cùng chờ nghe bản tin của đài BBC sẽ phát sáng sớm hôm sau về quyết định mới nhất của Tổng thống Mỹ (Johnson) mà họ không hề biết trước, như hồi ức của tướng Nhạ kể: “Thiệu và Kỳ không cởi áo ngoài ngồi ủ rủ, thỉnh thoảng lại ngủ gà ngủ gật, vợ Thiệu hết đi ra lại đi vào, hỏi ba người có thích dùng thêm thứ gì không. Tất cả đều lắc đầu. Trên bàn còn đầy những bánh trái mà không ai đụng tới. Thiệu đã mấy lần giục vợ đi ngủ. Bà hâm một ấm sâm để ba người cùng uống cho đỡ mệt, rồi đi về phòng mình”. Trời sáng cả ba lắng nghe BBC loan tin đặc biệt, nội dung: “Tổng thống Mỹ Johnson ngừng tất cả những cuộc oanh tạc và pháo kích trên toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc hòa đàm nghiêm chỉnh sẽ được bắt đầu tại Paris ngày 6 tháng 11, với sự tham dự của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa có thể tham dự. Lệnh ngừng oanh tạc và pháo kích có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng, tức 13 giờ quốc tế, hoặc 21 giờ địa phương ngày 1 tháng 11 năm 1968”. Dứt bản tin, Thiệu vùng đứng dậy, mặt đỏ tía tai nói lạc cả giọng, trách Mỹ, giận Johnson qua mặt mình, hòa đàm với Hà Nội không một lời báo trước, lại chính thức thông báo một cách hững hờ là chính quyền Sài Gòn “có thể tham dự”. Sao lại “có thể”? Nghĩa là dự cũng được, mà không dự cũng không sao!

Từ “đêm trắng” ấy về sau, đến ngày bà Mai Anh ra nước ngoài năm 1975, là một chuỗi dài những năm tháng Thiệu phải vất vả, cam go chống đỡ áp lực của quân giải phóng và của cả... Mỹ nữa! Điều ấy nhiều tài liệu đã đề cập và bàn luận rồi. Ở đây, xin nhắc thêm một nhân vật chắc hẳn bà Mai Anh khó quên, vì tên tuổi nhân vật ấy cũng gắn liền với dinh Độc Lập và các sự kiện lớn trong đời hoạt động của chồng bà. Đó là đại tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh thường được gọi thân mật là Big Minh (Minh bự), một phần do ông nặng đến 90 kg, cao 1,80m, phần khác để phân biệt với “Minh nhỏ” là tướng Trần Văn Minh (tư lệnh không quân ở miền Nam trước năm 1975). Tuy chồng bà và tướng Dương Văn Minh không sinh cùng ngày nhưng mất cùng năm, cũng vào mùa thu, cũng ở nơi xa xứ và cũng qua đời do bệnh tim mạch...

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.