Những công trình lãng phí tiền tỉ - Hơn trăm tỉ đồng xây kè rồi… bỏ

22/07/2010 02:14 GMT+7

Một công trình gây lãng phí lớn đang được triển khai xây dựng tại một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Bạc Liêu. Đó là công trình xây dựng mới tuyến kè sông ở huyện Phước Long, "vô hiệu hóa" hoàn toàn tuyến kè cũ vừa mới đầu tư xây dựng hơn trăm tỉ đồng.

Huyện nghèo chơi... sang

Năm 2007, lãnh đạo huyện Phước Long chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung xây dựng bờ kè bằng bê tông cốt thép dọc theo tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp và các tuyến sông, kênh trong huyện nhằm chống sạt lở, bảo vệ các công trình công cộng và nhà cửa của cư dân ven sông. Trong vòng 3 năm (từ 2007 - 2009), huyện Phước Long đã huy động hàng ngàn hộ dân đóng góp và vốn ngân sách đầu tư hơn 116 tỉ đồng để xây dựng hơn 113 km bờ kè dọc theo các tuyến kênh, sông trong huyện. Công trình này vừa hoàn thành cuối năm 2009, có nhiều tuyến kè chỉ mới đưa vào hoạt động mấy tháng... Vậy mà mới đây, lãnh đạo huyện này lại quyết định xây dựng tuyến kè mới (mở rộng song song cách tuyến kè cũ khoảng 3m), với nguồn vốn ghi ban đầu lên đến 63 tỉ đồng, khiến tuyến kè cũ trị giá hơn trăm tỉ đồng trở nên vô dụng.

 Ông Dương Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long, vô cùng bức xúc trước quyết định trên nên đã làm đơn gửi đến các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu yêu cầu có biện pháp ngăn chặn. Ông Chiến nói: "Năm 2007, huyện xác định tuyến bờ kè ven sông là công trình trọng điểm nên thúc ép dân phải làm và bắt buộc cán bộ công chức phải gương mẫu làm trước, nếu không sẽ có hình thức kỷ luật. Vậy thì tại sao tuyến kè này mới được xây dựng xong, huyện lại chỉ đạo xây dựng tuyến kè mới bên cạnh để "vô hiệu hóa" nó? Tôi cho rằng việc xây tuyến kè mới chẳng những gây lãng phí lớn mà còn làm mất lòng tin của người dân".

Ông Dương Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Long thừa nhận hiện có một số đoạn kè xuống cấp, nhưng khẳng định toàn tuyến vẫn có khả năng phòng, chống sạt lở nhiều năm nữa. Theo ông, nếu không an tâm thì chỉ cần gia cố, tu sửa những đoạn kè xuống cấp là xong, không cần xây tuyến kè mới gây lãng phí nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Văn Ngọ (ấp Long Đức, thị trấn Phước Long) nói rằng, dù toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng bờ kè mới là từ tiền ngân sách nhà nước, nhưng đa số nhân dân trong huyện rất bất bình. Nhiều cán bộ cũng không đồng tình nhưng ít ai dám phản ánh. Theo ông Ngọ, xây bờ kè mới thì bờ kè cũ do dân xây dựng trước đây không còn tác dụng nữa. Nhiều hộ dân do tiếc công, tiếc của đã nhổ kè cũ lên để làm... kỷ niệm (!?). "Trước đây, tôi cũng phải bỏ ra 15 triệu đồng để làm bờ kè sau nhà. Nay có bờ kè mới rồi tôi cũng cho nhổ lên chất đống trước nhà... xem chơi. Bởi nếu không thì bờ kè mới cũng sẽ chôn vùi, phủ lấp hoàn toàn bờ kè cũ", ông Ngọ nói.

Những trường hợp có sẵn tiền nhà xây kè như ông Ngọ còn đỡ. Ở ven các tuyến kênh này có hàng trăm hộ phải đi vay tiền xây dựng bờ kè, đến nay chưa trả dứt nợ. Như ông Thiều Văn Bảy (cùng ngụ ấp Long Đức) phải đi vay 30 triệu đồng để làm cho "kịp tiến độ" với bà con lối xóm. Ông Bảy bức xúc: "Việc xây dựng bờ kè mới bỏ phí hoàn toàn bờ kè cũ là không thể chấp nhận được, vì bờ kè cũ vẫn còn sử dụng hiệu quả, có khả năng chống sạt lở. Trong khi trên địa bàn huyện còn hàng loạt công trình phúc lợi rất bức thiết nhưng không được đầu tư; còn hàng ngàn hộ nghèo rất cần được sự hỗ trợ của Nhà nước...".

Xây mới... cho đẹp?

Trao đổi với Thanh Niên về những vấn đề trên, ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long thừa nhận trong thời gian qua có một số cán bộ và người dân cho rằng việc đầu tư xây dựng bờ kè mới là lãng phí và công trình này không cần thiết. Theo ông Đông, việc xây dựng kè chống sạt lở là chủ trương lớn của huyện, cùng với nghị quyết xây dựng huyện phát triển toàn diện. Bờ kè cũ trước đây chủ yếu vận động tiền, ngày công của nhân dân để xây dựng, ngân sách huyện chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách và dù có hướng dẫn, có quy cách, nhưng tuyến kè xây dựng chất lượng không cao do "có người làm vầy, người làm khác" khiến nhiều đoạn bờ kè đã bị xuống cấp. Mới đây, huyện được trung ương ghi vốn 63 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thuộc "Dự án kè chống sạt lở trung tâm xã, thị trấn" nên quyết định dùng nguồn vốn này để xây dựng tuyến kè mới để đảm bảo chất lượng hơn, đẹp hơn.

Trong khi đó nhiều hộ dân cho rằng, việc xây dựng bờ kè cũ hoàn toàn không có chuyện "mạnh ai nấy làm", vì khi xây dựng bờ kè huyện đã thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, gồm đủ các thành phần tham gia, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên bám sát địa bàn tổ chức thực hiện. Các xã, thị trấn trong huyện cũng thành lập ban chỉ đạo, đồng thời thường trực huyện ủy còn phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy, trưởng phó ngành huyện trực tiếp chỉ đạo xã, ấp xuyên suốt trong quá trình xây dựng kè. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Phước Long (H.Phước Long, Bạc Liêu) cho biết, chủ trương xây dựng bờ kè chống sạt lở "cũ" được địa phương triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Như vậy, quá trình xây dựng tuyến kè chống sạt lở có sự giám sát, chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Kiên cũng thừa nhận có một số hộ nghèo xây dựng bờ kè bằng cây gỗ địa phương, rào chắn bằng cao su nên sau một thời gian sử dụng kè bị xuống cấp, rạn nứt. Nhưng nhìn chung, tuyến kè này vẫn còn sử dụng hiệu quả trong phòng, chống sạt lở.

Vậy nếu có xảy ra tình trạng tuyến kè vừa xây dựng xong đã xuống cấp như ông Đông nói, thì trách nhiệm thuộc về ai?

Người dân huyện Phước Long đang mong tỉnh làm rõ việc có đê kè rồi lại đầu tư xây dựng tuyến kè mới có cần thiết hay không, trong khi Phước Long là huyện nghèo, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, yếu kém.            

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.