Những công trình thế kỷ: Kéo điện lên “nóc nhà Đông Dương”

13/04/2016 06:15 GMT+7

Người dân tộc bản địa đóng vai trò hết sức quan trọng trong dự án cáp treo Fansipan.

Người dân tộc bản địa đóng vai trò hết sức quan trọng trong dự án cáp treo Fansipan.

Thi công đường dây điện lên Fansipan - Ảnh: Trung HiềnThi công đường dây điện lên Fansipan - Ảnh: Trung Hiền
Họ tham gia từ những ngày đầu tiên, theo suốt quá trình dự án và cũng là những người trụ lại cuối cùng. Đặc biệt khi thi công đường dây 35 kV cấp điện nhà ga đến khu vực đỉnh Fansipan, phần công việc được coi là gian khổ nhất, dấu ấn của họ càng rõ nét.
“Cõng” hàng vạn tấn vật liệu lên núi
Đường dây 35 kV là huyết mạch để đưa tuyến cáp treo vào hoạt động vì toàn bộ động cơ chính đều nằm trên đỉnh. Toàn tuyến đường dây dài 6.138 m với 33 vị trí cột đi xuyên qua rừng quốc gia Hoàng Liên. Địa hình đồi núi dốc, đi lại còn khó khăn, rất nhiều kỹ sư, công nhân phải treo người xuống những con vực sâu thăm thẳm để kéo dây qua. Để thi công tuyến đường dây 35 kV, hơn 300 con người đã ăn ngủ với núi rừng Hoàng Liên liên tục trong 6 tháng trời ròng rã. Với địa hình toàn núi đá, đèo dốc cheo leo, vực sâu hun hút, không một loại máy móc nào có thể đưa lên đây nên tất cả công việc đều phải dựa vào sức người với các công cụ thô sơ. Vì thế, rất nhiều công nhân đã bỏ việc giữa chừng. Thành phần tham gia chủ yếu cho hạng mục này ngoài cán bộ, kỹ sư của Sun Group thì còn lại hầu hết là đồng bào dân tộc của Sa Pa và Lai Châu.
Nguyễn Văn Bình, giám sát xây dựng thuộc Tập đoàn Sun Group, người trực tiếp tham gia thi công đường dây 35 kW, kể việc đào móng phá đá chỉ có xà beng, cuốc chim và búa tạ. Toàn bộ xi măng, cát, thép, dây điện... để xây tháp trụ điện đều phải thuê người H’mong ở các bản lân cận quanh Sa Pa; người Dao, người Thái ở Lai Châu “cõng” lên núi.
Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, hàng trăm người (cao điểm nhất lên tới 500 người) tập trung về sân Trạm Tôn (Sa Pa) để nhận những bao vật liệu đã được đóng sẵn, trọng lượng 40 kg và bắt đầu chuyến hành trình của mình. Vì mỗi trụ cột điện cách nhau vài trăm mét đường đồi núi, họ phải băng qua những cánh rừng già nên việc đi lại vô cùng gian nan. Có những thanh thép nặng đến 200 kg nhưng vẫn phải dùng sức người khênh xuyên rừng, bạt núi. Nguyễn Văn Bình kể, gặp bữa lũ quét, cây lớn bị quật đổ, đường trơn trượt thì vất vả không tả xiết. Chuyện trượt ngã, trẹo chân, chấn thương là hết sức bình thường. Nhưng bất chấp gian khổ, tất cả vẫn ngày đêm miệt mài cõng, địu trên lưng những bao vật liệu và đều đi về trong ngày để kịp tiến độ. Chỉ bằng cách này, hơn 15.000 tấn vật liệu đã xuyên qua núi cao, rừng sâu, vực thẳm để kéo điện lên đỉnh Fansipan.
Cõng vật liệu đã khổ, thi công cũng gian nan không kém. Vì không có điện lưới, máy trộn phải chạy bằng dầu diesel nhưng do thời tiết băng giá, dầu liên tục bị đông đặc, dẫn đến chết máy. Mỗi lần như vậy, phải mất nửa ngày mới khởi động lại được. Chưa hết, Trần Đình Luật, giám sát điện của Tập đoàn Sun Group, cho biết thời điểm thi công đường dây 35 kV rơi vào đầu mùa đông nên thời tiết hanh khô, không đủ nước. Anh em công nhân phải lục lọi trong rừng, tìm các khe suối rồi vác từng can nước lên để đổ bê tông và sinh hoạt. “Những khi có băng tuyết, chúng tôi tận dụng làm nhiều bể chứa tuyết rồi chờ tuyết tan lấy nước phục vụ công việc và sinh hoạt”, Trần Đình Luật kể lại.
“Treo” mình giữa vực sâu
Nguyễn Văn Bình bảo sống và làm việc trong điều kiện quá khắc nghiệt, lại ở trên núi hàng tháng trời mới thay nhau xuống một lần nên ai nấy đều gầy nhom, mặt thì đen nhẻm, tóc dài bù xù, người ngợm bẩn thỉu vì không có nước tắm và cũng không thể tắm trong điều kiện thời tiết giá rét như vậy.
Nhưng rủi ro hơn là công việc kéo dây điện treo lên các trụ cột. Để làm việc này, họ phải băng qua những cánh rừng già, lội qua những thác ghềnh, có lúc treo người qua vực sâu hun hút với gió lồng lộng. Chỉ sơ sẩy một chút, mất mạng như chơi. “Đến ngày dựng được những cột đầu tiên, kéo những khoảng dây đầu tiên ai nấy đều vui mừng vì những gì tưởng chừng như không thể đã bắt đầu hình thành và chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục. Nhưng nói thật, chúng tôi đều phải gồng mình lên, luôn luôn tự nhủ, nếu không vượt qua được, không đưa nguồn điện cao thế lên trên đỉnh Fansipan thì tất cả công sức, tất cả mồ hôi, nước mắt và máu của chính mình và của hàng ngàn anh em suốt thời gian trước đều uổng phí. Chỉ có động lực đó, niềm tin đó mới giúp chúng tôi chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, vật chất thiếu thốn để căng những sợi dây điện lên bất chấp gió bão, mưa tuyết...”, Luật nói.
6 tháng ròng rã sống trong điều kiện khắc nghiệt và công việc cực khổ, tình cảm đồng nghiệp, tình cảm giữa con người với con người đã nảy nở. Không còn khoảng cách giữa người dân tộc này, người dân tộc kia; không còn sếp với lính, không còn giàu và nghèo... Họ trở thành một khối thống nhất. Cùng ăn ngủ, cùng niềm tin, chăm sóc nhau lúc ốm đau. Những người đàn ông thô mộc giờ đây có cùng mục tiêu, đưa lưới điện quốc gia 35 kV lên đỉnh Fansipan, có cùng ước mơ một ngày đưa người yêu, đưa vợ con, gia đình lên "nóc nhà Đông Dương".
Ngày 2.9.2015, công trình được đóng điện và đưa vào sử dụng. Đằng sau không khí tưng bừng của buổi lễ, không ít giọt nước mắt đã rơi trên khuôn mặt khắc khổ của những người đàn ông tuổi đời còn rất trẻ. Những giọt nước mắt của niềm tự hào và hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.