Câu chuyện không một chiếc xe ô tô nào dừng lại giúp cháu bé Trần Gia Hân giữa cơn nguy kịch sau vụ tai nạn do xe Camry gây ra chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bàng quan khi gặp người tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn tại Ái Mộ sáng 29.2 - Ảnh: An Chiến |
Những chia sẻ trên facebook cá nhân của cô giáo D.K.L, người đã đưa cháu Trần Gia Hân đi cấp cứu, đã nhận được hàng nghìn chia sẻ, nước mắt và sự cảm thương của cộng đồng mạng với số phận của cháu bé. Và hơn nữa là những bức xúc trước thực tế không một chiếc xe nào dừng lại, dẫu cháu bé đang trong trạng thái nguy kịch nhất.
Theo cô giáo D.K.L “Điều mình muốn chia sẻ không chỉ là nỗi đau của gia đình những nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn, mà là nỗi đau của cá nhân mình chứng kiến không ít những trái tim vô cảm.
Mọi người chặn được một chiếc xe tắc xi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì tắc xi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (Vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa lòng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu. May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyển cháu sang 115. Điều làm mình đau nhất là những con người trái tim vô cảm, hai lái xe bỏ chạy khi mình và mọi người cố gắng nhờ đưa người bị nạn đi cấp cứu”, facebook của cô D.K.L viết.
Sự vô tâm khi gặp người bị nạn đã là câu chuyện gây nhức nhối từ nhiều vụ tai nạn khác. Cuối năm 2015, trong vụ tai nạn liên hoàn do xe taxi gây ra trên cầu vượt Thái Hà, nhân chứng T.T.T sau đó đã bức xúc chia sẻ trên facebook cá nhân: trong tất cả quá trình cấp cứu “người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được duy nhất ngoài mình còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ. Nhất là một cậu trai mặt non choẹt, tay xăm kín thốt lên rằng "em đau tay" khi bác sỹ nhờ cậu ta nhấc cái người gãy 2 chân kia ra khỏi đầu xe taxi, dù cậu trai này là kẻ nhiệt tình đứng ngó nghiêng nhất, nhưng chắc cậu ta vẫn nghe rõ được lời của mình: "Đồ hèn, tránh ra"...
Thiếu trách nhiệm lương tâm
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có rất nhiều vấn đề đau lòng trong vụ tai nạn tại Ái Mộ, Long Biên sáng 29.2:
Thứ nhất, qua clip quay lại thấy xe Camry lấn làn rất nhanh, chạy ngược chiều với tốc độ rất cao mà không hề có động tác phanh.
Thứ hai, nạn nhân phụ nữ đi bộ dưới lòng đường cũng sai quy định. Trong trường hợp gặp phải lái xe mất kiểm soát như xe Camry, kể cả đi trên vỉa hè cũng có nguy cơ rất cao, tuy nhiên, việc chấp hành đúng luật đi trên vỉa hè sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro về tai nạn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại một thực tế, không phải ở đâu người đi bộ cũng có vỉa hè để đi.
Thứ ba, sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của những người đi đường trong việc đưa nạn nhân đi cấp cứu. Theo luật Giao thông đường bộ, mọi người phải có trách nhiệm cứu người, phải dùng bất kỳ phương tiện để chở nạn nhân cấp cứu, nhất là trong bối cảnh nguy kịch. Việc có cứu được hay không lại là chuyện khác, nhưng chỉ cần đưa người bị thương đi bệnh viện một cách nhanh nhất, dù sớm 5 phút, biết đâu cũng có thể qua khỏi cơn nguy kịch.
Những lái xe ô tô đã không dừng lại đón cháu bé nguy kịch đưa đi bệnh viện đã vi phạm luật giao thông khi biết có tình huống nguy hiểm không giúp, nhưng hơn hết đã thiếu trách nhiệm lương tâm của bất kỳ một con người nào. Nhiều người cũng cho rằng, ngại giúp người đi cấp cứu vì sợ phiền phức, sợ liên lụy, nhưng giữa người với người chúng ta rất cần chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
Thứ tư, việc sơ cấp cứu ban đầu khi tai nạn xảy ra rất quan trọng, dù đơn giản nhưng có thể hạn chế chấn thương nguy hiểm, thương vong. Ví dụ như nạn nhân bị chấn thương cột sống, nếu biết sơ cứu nẹp lại rồi mới đưa đi sẽ tránh được nguy hiểm. Nếu không biết mà đưa lên thì chấn thương nguy hiểm hơn. Tuy vậy, trong trường hợp cấp cứu tức thời để có xử lý chuẩn rất khó, khi chưa có người sơ cấp cứu kịp thời. Trong quy định mới của đào tạo lái xe áp dụng từ năm 2014, có nội dung học về sơ cấp cứu ban đầu dành cho lái xe (theo quy định phải có 8 tiết học thực hành sơ cấp cứu). Đây cũng là kiến thức cần có để giúp người đúng cách khi gặp tai nạn trên đường.
Bình luận (0)