Nữ sinh tự tử vì bị nam sinh trêu chọc và những tâm sự buồn

11/04/2016 12:00 GMT+7

Việc nữ sinh Đ.T.C.T (14 tuổi, học sinh lớp 8, ở Phú Yên) uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị một số học sinh nam cùng trường trêu chọc và có hành vi sàm sỡ khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Việc nữ sinh Đ.T.C.T (14 tuổi, học sinh lớp 8, ở Phú Yên) uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị một số học sinh nam cùng trường trêu chọc và có hành vi sàm sỡ khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Xuất phát từ những lời trêu trọc của bạn bè hay những "status" bêu xấu trên mạng xã hội, không ít nạn nhân trong lứa tuổi học sinh đã tìm đến cái chết Xuất phát từ những lời trêu trọc của bạn bè hay những "status" bêu xấu trên mạng xã hội, không ít nạn nhân trong lứa tuổi học sinh đã tìm đến cái chết
Nhiều người từng là nạn nhân
“Bản thân tôi đã suýt phải bỏ học chỉ vì anh của mình đi ăn trộm trái cây nhà hàng xóm và bị bắt. Ở miền quê, tin này lan đi rất nhanh, bạn bè cùng trường, cùng lớp biết đó là anh tôi và họ cứ châm chọc, mỉa mai, “anh mày ăn trộm thì mày có trong sạch, đàng hoàng gì”. Đó là những tháng ngày vô cùng nặng nề với cậu học trò lớp 6 như tôi. Đã nhiều lần tôi đòi nghỉ học vì không chịu được sự ghẻ lạnh, nói xấu của bạn bè, có lúc tôi cũng muốn tự giận chết cho rồi. May thay ba mẹ đã biết và nói chuyện với thầy cô, bản thân tôi học cũng khá nên thầy cô can thiệp kịp thời, dần dần mọi chuyện lắng xuống. Tuy vậy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ảm ảnh bởi những tháng ngày ấy”, đó là tâm sự của bạn Nguyễn Văn L., nhà ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Cũng chịu áp lực kinh khủng từ những lời trêu chọc của bạn bè thời học sinh, Nguyễn Thị Lan T., đang học lớp 11 ở Q.8, TP.HCM chia sẻ: “ Năm lớp 9 em học ở trường dưới quê, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Rồi mẹ em bị bắt ghen khi ngoại tình với ba của một bạn học cùng trường. Vụ đánh ghen nổi đình nổi đám đó nhiều người biết, nhất là bạn bè trong trường, trong lớp. Sau sự việc đó là chuỗi tháng ngày khủng khiếp đối với em. Bạn bè ai cũng tỏ ra khinh miệt em vì “mày là con của bà đi lấy chồng người khác”… Đã có lúc em muốn bỏ học để cho mẹ “biết mặt” hay chết đi để những ai trêu chọc em phải ân hận vì họ đã gây ra cái chết cho em. Nhưng rồi em không dám làm gì khi nhìn mẹ cũng đau khổ. Cuối cùng mẹ và em phải dọn lên TP.HCM sinh sống và em được tiếp tục học dù muộn 1 năm. Nếu không có lần “di dân” đó, có lẽ em cũng đã cùng chung số phận như bạn nữ sinh kia”.
Không chỉ bị trêu gẹo về những “cái xấu” của ba mẹ, anh chị, gia đình, nhiều người còn bị bạn bè cùng lớp, cùng trường đùa giỡn, châm biếm vì họ có khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần như “ lùn mã tử”, “sứt môi”, “mông lép”, “thằng bánh bèo”…
Bạn đọc Hồ Anh K. (Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Là con trai nhưng từ nhỏ tôi ẻo lả như con gái. Khi vào cấp 2 rồi cấp 3, điều tôi sợ nhất là bị bạn bè chọc ghẹo “đồ bóng lại cái”, “đồ biến thái”, “con gái mà biết đá banh gì”, “con gái thì chơi với con gái đi”….Đi ngang một nhóm bạn, nhìn ánh mắt, cử chỉ, nụ cười của họ tôi cũng sợ họ đang nói về mình, cười cợt mình…. Những này tháng học trò của tôi trôi qua trong khủng hoảng, tôi ít dám giao tiếp, kết thân với ai, cứ lầm lũi sống và học vì tôi thương mẹ mình quá cực khổ nuôi tôi và đặt nhiều hy vọng vào tôi. Nếu không có mẹ, có khi tôi đã tự giận mất rồi”.
Phải ngăn chặn kịp thời
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết, khi một học sinh trở thành nạn nhân của các trò trêu gẹo từ số đông, kéo dài thì họ chính là nạn nhân của bạo lực tinh thần. Dạng bạo lực này không thể hiện cụ thể như bạo lực thể xác là đánh đập bị thương, chảy máu mà nó âm ỉ bên trong, ngày một lớn dần và vô cùng nguy hiểm.
“Dạng bạo lực này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nạn nhân, nó tiềm ẩn, nhiều hậu quả, cụ thể nhất là dẫn đến tự tử. Tuổi học trò là lứa tuổi còn rất yếu và thiếu khả năng tự bảo vệ bản thân. Ở lứa tuổi lớp 8, lớp 9 thì sự kiềm chế cảm xúc không cao, các học sinh thường phản ứng tức thời khi gặp phải sự kích động bằng hành vi bạo lực hoặc hủy hoại thể xác của chính mình”, thạc sĩ Đào Lê Hòa An nói.
Chính vì lẽ đó, theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, hơn ai hết, thầy cô, nhà trường và ba mẹ cần chú ý thái độ của học sinh, chú ý những hành vi, trạng thái tâm lý bất thường của học sinh để tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp. Những buổi nói chuyện dưới cờ, thầy cô cần lấy câu chuyện về nữ sinh tự tử để khuyến cáo học sinh, không vì đùa vui ác ý mà đẩy bạn mình vào cái chết. Phía cha mẹ cũng cần theo dõi kỹ diễn biến tâm lý của con. Cần là chỗ dựa tinh thần cho con khi con bị bạo lực tinh thần ở trường và phối hợp với nhà trường để cùng giải quyết.
Về phía học sinh, thạc sĩ Đào Lê Hòa An khuyên, một khi bị chọc quê, chọc giận, các bạn nên học cách biến thế bị động thành thế chủ động. Ví dụ nếu bị chọc là “lùn” thì cứ chấp nhận là lùn vì mình lùn thiệt, các bạn có thể hóa giải bằng cách “ta lùn quý phái mà”. Hay nếu bị chọc là đang yêu cô nào đó thì cứ nhận, “ừ, mình yêu bạn ấy đấy, mà sao bạn biết hay vậy?”. Nếu trang bị được kỹ năng này thì các bạn sẽ vượt qua được dư luận, những lời trêu gẹo ác ý của bạn bè một cách dễ dàng.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Liên quan đến cái chết của nữ sinh Đ.T.C.T, cần phải điều tra, xác minh về độ tuổi của các nam sinh đã có hành vi trêu gẹo, sàm sỡ. Bên cạnh đó, phải điều tra về hành vi sàm sỡ ở mức độ nào. Sàm sỡ ở bộ phận sinh dục thì phạm vào tội dâm ô trẻ em. Như vậy, nếu các nam sinh đủ 18 tuổi và có hành vi sàm sỡ bộ phận sinh dục của nữ sinh Đ.T.C.T thì nam sinh phạm tội dâm ô đối với trẻ em và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không đủ tuổi thành niên thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo nội quy của nhà trường nếu nội quy có quy định về hành vi vi phạm này.
(Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.