Quy mô của các hộ chăn nuôi tại hai xã nêu trên từ 50 - 100 con, có nơi lên đến gần 500 con khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng.
Phân heo tràn ra đường
Theo quan sát của chúng tôi, một số đoạn mương thoát nước ở ấp Phúc Nhạc 2, có màu nước đen, từng lớp phân đọng dày gần 3cm. Ông Phạm Thái Hoàng (41 tuổi, ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3) cho hay các hộ chăn nuôi thường tắm heo và xả nước thải cùng với phân ra mương thoát nước của khu dân cư vào buổi sáng và chiều tối. Ông Hoàng bức xúc: “Ấp Phúc Nhạc 2 nằm vũng trũng thấp, phân heo theo mương nước chảy qua đều đọng lại và bốc mùi hôi thối chịu không nổi. Muỗi, dòi bọ lúc nhúc ở các vũng nước giữa mặt đường, dưới mương nước. Trời nắng còn đỡ, mưa thì nước đen và phân dưới mương trào lên mặt đường, cuốn từng cục phân trôi lăn lóc giữa đường. Trẻ con lội qua thứ nước bẩn về đều bị ngứa chân, lở loét”.
Ông Tống Thiện Lực, Trưởng ấp Phúc Nhạc 2 cho biết: “Các hộ chăn nuôi xả phân heo ra mương thoát nước khiến cả khu vực bốn xã của H.Thống Nhất (Gia Tân 1,2,3 và Gia Kiệm-NV) bị ảnh hưởng. Trong đó, xã Gia Tân 3 gánh trọn ô nhiễm vì nằm cuối nguồn nước. Phân heo theo nước thải ra đen ngòm, nắng thì bốc mùi hôi thối, mưa thì tràn lên mặt đường. Xã, huyện cũng nhiều lần tổ chức nạo vét mương cho thông thoáng, bắt các hộ chăn nuôi ký cam xử lý nước thải nhưng họ vẫn cứ xả tự nhiên”.
|
Trong khi đó, đại diện UBND xã Gia Tân 3 cho hay, trên địa bàn hiện có 4 hộ chăn nuôi và 6 ở xã Gia Kiệm xả nước thải ra mương thoát nước khu vực ấp Phúc Nhạc 2. Các hộ chăn nuôi heo xả thải nước ra mương tiêu úng là có chứ không trực tiếp xả phân heo. Vì phân heo đã được các gia đình thu gom phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. “Tuy nhiên, việc xả nước thải này cũng đã phần nào gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, làm ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu cho một số hộ trồng trọt tại khu vực này. UBND xã đã đình chỉ không cho xây dựng một trang trại chăn nuôi và xử phạt hành chính một trường hợp vi phạm xả nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Chúng tôi thường xuyên vận động các hộ chăn nuôi trong khu dân cư di dời vào khu chăn nuôi tập trung nhưng vì kinh phí và chế độ hỗ trợ của Nhà nước chưa có nên các gia đình đang từng bước kiếm mặt bằng để di dời.”, đại diện UBND xã Gia Tân 3 cho hay.
Khu chăn nuôi tập trung cũng gây ô nhiễm
Khu chăn nuôi tập trung tại ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) có diện tích gần 100 ha với 16 trang trại nuôi heo đang hoạt động. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi tại đây cũng đang phát tán mùi hôi, xả thải không đạt chuẩn ra môi trường khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Nước thải từ các trại chăn nuôi cũng khiến các dòng suối ở vùng như: suối Cây Hảo, Bàu Bà Thống, suối Mủ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Hùng (ấp Hưng Thạnh) nói: “Gia đình có hai giếng khoan với độ sâu từ 50 - 90m để lấy sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho 2 ha cây công nghiệp. Bây giờ, chất thải của trại heo ngấm vào lòng đất, giếng bơm nước lên có màu đen, mùi hôi nồng nặc không thể sử dụng được, phải đi xin nước từ nơi khác về sử dụng”.
Đại diện UBND H.Thống Nhất cho hay, qua kiểm tra đa số trang trại ở xã Hưng Lộc đều xây dựng với quy mô vượt quá quy định từ 1,5 đến 2,5 lần. Trang trại quy mô nhỏ nhưng chăn nuôi số lượng heo lớn khiến các công trình phụ trợ không xử lý hết lượng chất thải. Hồ lắng chất thải không được xây đúng kỹ thuật, để nước thải chưa xử lý thấm trực tiếp xuống đất, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Chất thải từ chăn nuôi chảy ra đồng làm đất bị ô nhiễm, gây khó khăn cho sản xuất.
Chính quyền địa phương sẽ tăng cường kiểm tra các trại nuôi lợn, yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý hành vi để tràn chất thải hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
|
Bình luận (0)