Ồ ạt đào trộm đất dự án

22/09/2016 06:42 GMT+7

Dự án “Chỉnh trang phát triển đô thị” tại P.Long Bình, Q.9 với diện tích 92 ha được UBND TP.HCM giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc đang trở thành “miếng mồi” cho kẻ đào đất trộm chở đi san lấp mặt bằng.

Đây là một trong 5 khu đất sạch mà UBND TP giao cho nhà đầu tư Hàn Quốc, sau khi nhà đầu tư này xây dựng xong tuyến đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Tuy nhiên khi “chủ đất” cử lực lượng bảo vệ mỏng đến trông chừng, thì hiện trường đã tan hoang...
Đại công trường đào trộm
Thời gian gần đây, trong giới san lấp mặt bằng ở Q.9 cũng “ấm ức” về vụ ông “trùm” san lấp tên Th. trúng thầu san lấp công trình hơn 30.000 m2 trên đường Long Phước (dưới đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) nhờ đưa ra giá thấp. “Mấy chủ san lấp khác đi mua đất để san lấp nên buộc phải bỏ giá cao hơn so với giá ông “trùm” Th. đưa ra. Bởi vì đất san lấp của ông Th. là đất lấy trộm. Chính vì vậy, không có ai cạnh tranh nổi với ông Th. đâu”, một “cò” đất ở Q.9 nhìn nhận.
Từ giữa tháng 6.2016, PV Thanh Niên đã tìm cách thâm nhập “đại công trường đào đất trộm” này và chứng kiến cảnh phương tiện cơ giới hiện đại như xe đào, máy xúc... ngang nhiên hoạt động như chốn không người. Hàng rào thép gai bao quanh khu đất nhanh chóng bị tháo dỡ và từng đoàn xe ben đêm ngày ung dung nối đuôi nhau vào chở đất. Nhiều khu vực bên trong dự án bị đào thành vũng, sâu từ 2 - 3 m, dài hàng trăm mét; thậm chí có nơi bị đào sâu thành hồ rộng lớn.
Đoàn xe chở đất chạy ầm ầm theo lộ trình: từ đường số 7 vào đường mòn rộng khoảng 3 m ra đường Nguyễn Xiển, sau đó theo đường đất đỏ vào bãi container để ra đường Suối Mơ...
Tại hiện trường, một tài xế xe múc đất tên Lộc (khoảng 35 tuổi, ngụ Q.9) cho biết anh “làm cả ngày lẫn đêm” với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Mỗi ngày múc khoảng 100 - 200 xe tùy theo trời nắng hay mưa. Còn múc ban đêm thì tính thêm 500.000 đồng/đêm. Đất này ông chủ mua lại của người ta với giá 500.000 đồng/xe, rồi bán lại cho xe khác với giá cao hơn, chở đi san lấp mặt bằng. Tôi chỉ đi múc thôi chứ không biết nhiều chuyện mua bán đất vì ông chủ là người khác”, anh Lộc tiết lộ. Ngoài xe múc của anh Lộc, ở khu vực này còn có một xe múc khác đậu sẵn đang chờ “lệnh”. Hai xe này thay nhau múc đất lên các xe ben mang BS 61H-7753, 61C-200.69, 71C-003.36, 61C-092.40, 51C-548.45... Theo quan sát của chúng tôi, từ 13 - 17 giờ mỗi ngày, hàng trăm lượt xe ben nối đuôi nhau vào đây chở đất.
Một buổi tối tháng 7.2016, chúng tôi bám theo hai xe ben BS 51C-910.90 và 57K-7921 chở đất không che chắn chạy ầm ầm từ “đại công trường” ra đường lớn. Chạy được khoảng 500 m, 2 xe ben này rẽ phải vào một con đường đất, rồi đổ đất xuống khu đất trống phía sau một bãi container. Hôm sau, chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn vào thì phát hiện nhiều đống đất cao như núi được tập kết ở đây. Theo những người dân gần đó, bãi đất trống rộng gần 1 ha này của người thân “ông trùm” san lấp mặt bằng tại địa phương. “Vào những ngày không có hợp đồng san lấp thì ông ta cho nhân viên đi trộm đất ở dự án về đổ trong khuôn viên đất của mình”, một người dân cho biết.
Đoàn xe ben nhỏ đang chờ để san lấp mặt bằng ở đường Long Phước, P.Long Phước, Q.9 Ảnh: Huy Tiến

“Dính đến đâu gỡ đến đó”
Trưa 16.9, chúng tôi bám theo 4 xe ben nhỏ chở đất trộm đến san lấp một mặt bằng trên đường Long Phước, ấp Long Đại, P.Long Phước, Q.9. Đoàn xe chở đất đỏ nằm đợi tài xế xe ủi đến san mặt bằng, chỗ nào lún thì “đổ bồi” cho bằng phẳng. “Mặt bằng hàng ngàn mét vuông này được san lấp khoảng 1 tháng nay. Ban ngày xe ben nhỏ chở đất đến đổ, còn ban đêm thì xe ben lớn. Xe chạy ầm ầm, làm đất rơi rải khắp nơi có ai xử phạt đâu”, một người dân địa phương bức xúc và cho biết thêm: “Dọc hai bên đường Long Phước, hàng chục mặt bằng đều do ông “trùm” tên Th. san lấp”.
Thực tế, nhiều mặt bằng trên tuyến đường Long Phước với hàng chục ngàn mét vuông được san lấp bằng loại đất đỏ tương tự đất tại “đại công trường đào trộm” ở P.Long Bình. “Loại đất đỏ này khi san lấp làm nền đất cứng, chắc hơn đất bùn và giá thành rẻ hơn cát nên được nhiều người dân nơi đây ưa chuộng. Theo quy luật, có cầu thì có cung nên đối tượng trộm đất không thể từ bỏ lợi ích này được”, một người chuyên san lấp mặt bằng ở TP.HCM nhận định.
Đất trong khu dự án bị múc thành từng hố sâu, lồi lõm Ảnh: Đức Tiến
Theo một số “cò” đất ở Q.9, khu đất dự án nói trên được ông Th. và ông S. tổ chức lấy trộm hơn 1 năm nay, nhưng về “số má” thì ông Th. nằm chiếu trên, dưới trướng của hai người này có hàng chục đàn em “máu mặt” ngoài xã hội giúp việc. Theo giới san lấp, ông Th. có khoảng 7 xe ben lớn hiệu Hyundai tải trọng 12,6 tấn, 3 xe ben nhỏ, ngoài ra còn thuê nhiều xe ben nhỏ khác tham gia vận chuyển đất san lấp. Ông Th. lấy trộm đất chở đi san lấp theo hợp đồng ký kết; còn ông S. chủ yếu múc đất trộm bán cho các nơi san lấp, với giá 170.000 đồng/xe ben nhỏ, 450.000 đồng/xe ben lớn. Ông Th. nuôi cả chục tài xế, trả lương tháng. Quá trình điều tra, PV Thanh Niên cũng ghi hình hàng chục biển số xe trộm đất, trong đó có một số biển số xe ben lớn do ông Th. làm chủ như: 51C-701..., 51C-910..., 51C-014...
Cách đây khoảng 1 tuần, chúng tôi gọi điện thoại vào số của ông Th. “đặt hàng” san lấp hàng ngàn mét vuông mặt bằng ở P.Long Trường, Q.9. Ông Th. nhanh nhảu: “Muốn đổ xe hay đổ khoán đều được. Đổ khoán phải đo đạc mới nói giá được; còn đổ xe thì giá 1,1 triệu đồng/xe ben lớn, bao ủi cho ông luôn”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông Th. nói tiếp: “Nếu đổ xe thì tôi khuyên chọn xe lớn, tính ra giá thành rẻ hơn. Vì tôi sẽ chở đất đầy 14 m3/xe ben lớn; còn xe nhỏ “chơi” đáy (cơi nới đáy thùng tăng thêm thể tích - PV) cũng chỉ chở được 3,7 m3 với giá 450.000 đồng/xe và tiến độ san lấp chậm lắm. Tôi làm ở Q.9 nhiều người biết, lấy xe đầy (chở đất đầy - PV), không chơi xe lưng. Không tin cứ lấy máy ảnh chụp, xe nào lưng thì trừ tiền tôi”.
Chúng tôi tỏ ra lo lắng: “Xe ben lớn chở 14 m3 là quá tải (xe ben chở 14 m3 đất thì trọng tải hơn 30 tấn, trong khi đó các cầu ở khu vực Q.9 trọng tải chỉ 13 tấn), không sợ bị xử phạt ảnh hưởng đến tiến độ công trình?”, ông Th. tuyên bố chắc nịch: “Yên tâm, tôi đứng ra giải quyết cho. Nếu dính gì đến công an thì tôi xuống nói cho. Dính đến đâu tôi gỡ đến đó”.
Về mối lo ngại để đất rơi rải ra đường gây bụi ảnh hưởng đến môi trường sẽ bị chính quyền địa phương phạt, ông Th. cũng khẳng định: “Chuyện đó, tôi nói được với địa phương và biết làm như thế nào mà”. Trước khi cúp máy, để tạo niềm tin cho chúng tôi, ông Th. cho biết: “Tôi đã hành nghề san lấp này được 12 năm rồi, chỉ mỗi ở Q.9. Tôi từng san lấp 2 dự án địa ốc lớn với 4 ha trên đường Nguyễn Xiển, gần ngã ba Lò Lu”.
(*) Xem video clip trên thanhnien.vn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.