Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh trong quá trình phát hiện nước sông đổi màu, lực lượng chức năng đã phát hiện có 19 cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, miến tại TT.Châu Thành (đang củng cố hồ sơ xử phạt) xả toàn bộ nước thải sản xuất ra sông Vàm Cỏ Đông. Đồng thời, ngành chức năng cũng bắt quả tang Công ty TNHH Hight Vina Apparel (xã Long Thành Nam, H.Hòa Thành–hạ nguồn khu vực cầu Bến Sỏi) đã cũng xả toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất cùng nước thải sinh hoạt của 1.400 công nhân trực tiếp ra sông.
“Đặc biệt, mưa lớn cuốn theo tất cả chất bẩn tồn đọng trong các cống rãnh sau nhiều tháng nắng hạn cộng với nước thải sinh hoạt của khu dân cư TT.Châu Thành và TP.Tây Ninh (do khu vực chưa có hệ thống thu gom, xử lý) cũng là một trong những yếu tố góp phần làm ô nhiễm nguồn nước”.
Nước không dám uống
Dẫn chúng tôi ra chỗ chiếc ghe đánh cá neo đậu im lìm sát góc nhà, ông Nguyễn Văn Hà (47 tuổi, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, H.Châu Thành) rầu rĩ nói: “Từ khi đoạn sông bị đổi màu cũng là lúc lưới tôi không còn một con cá nào dính trong vòng 20 km trở lại nên phải đành cuốn lưới về treo trên ghe. Cứ nằm ở nhà đợi chờ thế này hoài sao mà sống nổi. Nhiều người trong xóm tôi đã buông ghe đi làm mướn. Có lẽ tôi không còn đủ kiên nhẫn đợi dòng sông xanh trở lại được nữa”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuý Diễm (41 tuổi) buồn bã nói: “Tuổi đời tôi gắn với con sông này không ít. Và có lẽ đây là đầu tiên tôi phải chứng kiến cảnh sông ô nhiễm nặng đến như thế”. Bà Diễm cho biết nhiều ngày nay, gia đình phải mua nước lọc về nấu, còn nước giếng khoan cũng chỉ dám để tắm giặt. “Không dám uống nước giếng vì sợ nước sông ngấm vào mạch nước ngầm gây ảnh hưởng sức khoẻ”, bà Diễm lý giải. Còn ông Nguyễn Văn Lềnh, một hộ dân nuôi cá lâu đời ở khu vực cầu Bến Sỏi ngậm ngùi: “Tôi không còn tin vào 2 chữ sông sạch nữa rồi. Tôi đặt bè cá trên sông nhưng phải sử dụng nước giếng và sục khí ô xy suốt 24/24 để nuôi. Chứ năm nào điệp khúc nước sông cũng bị nhiễm do thời tiết giao mùa, bị xả thải lén…rồi tới lượt chúng tôi đón nhận điệp khúc cá chết khiến bao nhiêu hộ dân xung quanh nợ nần phải bỏ bè đi làm mướn”.
Dù chiều tối nhưng ông Đặng Hồng Trí (42 tuổi, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long; gần sông Vàm Cỏ Đông) vẫn dẫn chúng tôi ra ao nuôi vịt của mình để chứng kiến dòng nước đen ngòm tấn công. “Sau khi nhiễm nước đen, đàn vịt gần 1.000 con đang đẻ bỗng ngưng đẻ. Sau đó có hiện tượng ăn ít và cúm chân không bơi được dẫn đến chết hơn 400 con. Dù đàn vịt trước đây sống bình thường và tiêm phòng đầy đủ”, ông Trí nói.
Chặn đứng ngay các nguồn thải
Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông đi qua 6 huyện (Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng). Dòng sông lâu nay bị tác động tiêu cực từ nhiều nguồn như: hoạt động khai thác cát, nước thải từ 5 KCN, 49 nhà máy chế biến khoai mì, 15 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy mía đường, 16 trung tâm y tế và bệnh viện, trên 30 cơ sở sản xuất kinh doanh. Với 104 nguồn thải đã tiếp nhận tổng lưu lượng đến 100.000 m3/ngày, đêm. Đó là chưa kể đến lượng nước thải trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và 15.000 m3 nước thải của 6 thị trấn và cộng đồng dân cư sinh sống ven sông…
Tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo vệ môi trường và phương hướng 5 năm tới do Sở TN-MT tỉnh tổ chức ngày 3.6 vừa qua, nói về vấn đề cải thiện, bảo vệ nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông, PGS-TS Phùng Chí Sỹ (Trung tâm công nghệ môi trường Entec) cho rằng: “Vấn đề quan trọng là việc chặn đứng ngay các nguồn thải. Song song với việc xử phạt nặng vi phạm là phải tuyên truyền mạnh để DN ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường từ đó hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra sông”.
Bình luận (0)