Ông Võ Kim Cự thừa nhận trách nhiệm liên đới quá trình đầu tư của Formosa

25/07/2016 11:45 GMT+7

Ông Võ Kim Cự khẳng định việc cấp phép cho Formosa đúng pháp luật nhưng khi thực thi thì doanh nghiệp vi phạm nên phải xử lý nghiêm và nếu Formosa không thay đổi công nghệ thì kiến nghị dừng dự án.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay (25.7), đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự (cựu Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cựu Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh - người cấp phép cho dự án Formosa, ký quyết định cho doanh nghiệp này thuê đất đến 70 năm) đã trả lời phỏng vấn báo giới xoay quanh trách nhiệm trong việc cấp phép, giám sát thực hiện dự án của Formosa tại Hà Tĩnh. Ông Cự hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
"Chắc chắn địa phương có trách nhiệm ở đây"
Được coi là người có công lớn nhất trong việc đưa Formosa vào Hà Tĩnh, tâm trạng ông thế nào trước sự cố môi trường vừa qua?
Ông Võ Kim Cự: Sự việc xảy ra rất đáng tiếc, tôi rất trăn trở. Nó cũng là việc đột ngột, ngoài ý muốn, cũng để lại những hậu quả lớn cho bà con nhân dân, đời sống khó khăn, tâm tư, tình cảm bị ảnh hưởng.
Chúng tôi mong muốn đưa tập đoàn lớn như Formosa vào làm nghiêm túc như cam kết, sẽ thay đổi được một vùng khó khăn, dân nghèo khổ. Chúng tôi mong có một nguồn lực lớn cho dân có việc làm để thoát nghèo, phải có một cú hích, có công nghiệp làm nền tảng, chấm dứt cảnh sản xuất manh mún. Chúng tôi nghĩ nó sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực, không ngờ xảy ra những cái đáng tiếc như thế.
Thời gian đó, tôi cũng có trách nhiệm liên đới trong quá trình làm, nên tôi trăn trở, và tôi nghĩ kể cả những người không phải trong cuộc cũng trăn trở, vì đó là đồng bào của mình. Động cơ của chúng ta là tích cực, chỉ có điều Formosa đã vi phạm cam kết. Còn việc cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng theo trình tự, đúng theo luật Đất đai, luật Đầu tư và Nghị định 108 của Chính phủ.
Ông nói đúng quy trình nhưng khi thanh tra vào lại phát hiện 53 sai phạm của Formosa?
 53 sai phạm đó là vi phạm về công nghệ môi trường chứ không phải sai phạm trong cấp phép đầu tư. Trình tự cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng các quy định của Luật, trong đó có tiêu chí quy định ưu đãi về ngành chúng ta đang khuyến khích đầu tư như thép, cảng biển… Đặc biệt, có 1 tiêu chí khiến Formosa được chọn là trong khi có dự án chỉ có 5.000 lao động thì dự án này có tới hàng vạn người lao động, nó lại nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, giải quyết được nhu cầu lớn về việc làm.
Việc cấp phép chứng nhận đầu tư là đúng trình tự. Trước khi nhà đầu tư yêu cầu xin đăng ký đầu tư đã có văn bản 323 của Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao cho Hà Tĩnh chỉ đạo khu kinh tế phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định hồ sơ.
Sau khi có ý kiến của tất cả các bộ ngành (hiện còn lưu giữ), sau đó Hội đồng thẩm định báo cáo lại với Thủ tướng, Thủ tướng có văn bản 869 đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị này. Theo nghị định 108, Chính phủ ủy quyền hoàn toàn cho địa phương hết, nơi nào có khu kinh tế thì khu kinh tế cấp, nơi nào không có khu kinh tế thì tỉnh cấp.
Tỉnh đã báo cáo lại hết sức nghiêm túc, còn việc họ vi phạm thì đó là vấn đề môi trường. Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng nhưng thực thi của Formosa là vi phạm. Vi phạm này chúng ta đã và đang xử lý. Chúng tôi đang kiến nghị xử lý nghiêm, kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu thay đổi công nghệ, thiết bị, nếu không ta kiến nghị dừng, thu giấy chứng nhận đầu tư, phạt yêu cầu bồi thường lại toàn bộ môi trường cho chúng ta. Đó thuộc hoàn toàn thẩm quyền của chúng ta.
Nhưng chẳng lẽ cấp phép rồi là xong chứ địa phương không thanh tra, kiểm tra, giám sát họ thực thi ra sao?
Tôi có nhận được thông tin từ Sở TN-MT, họ đã kiểm tra vài lần và báo cáo cùng với Tổng cục Môi trường cùng cơ quan cấp phép, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tôi có hỏi lại anh em và anh em nói đã qua vài lần kiểm tra nhưng chưa phát hiện được. Sau đó có ý kiến nói có vấn đề về kỹ thuật. Nhưng chắc chắn địa phương có trách nhiệm ở đây. Vấn đề ở đây do kỹ thuật chứ không phải do con người.
"Đổ mấy trăm tấn thải là không thể chấp nhận được"
Hiện nay lại phát hiện ra hàng loạt sai phạm của Formosa khi chôn lấp chất thải trên địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng phát hiện cũng không phải do cơ quan nhà nước. Có phải cơ quan nhà nước ở địa phương chưa làm tròn trách nhiệm?
Trước hết có phần của Formosa, vì quy định là có phần xử lý thải riêng, còn có thêm vài yếu tố như tự ý thu gom, tự ý chôn lấp trong trang trại, phải xử lý nghiêm. Về phía chúng ta, cũng cần phải xử lý nghiêm vì cũng có phần trách nhiệm của ngay chính quyền cấp xã, cấp huyện, cả cấp tỉnh.
Nghe thông tin ấy tôi thấy rất bức xúc. Đổ mấy trăm tấn chất thải là không thể chấp nhận được, tôi đề nghị xử lý nghiêm những hành vi này và tiếp tục rà soát xem còn ở đâu không, nếu vi phạm tiếp thì không dừng lại ở xử lý hậu quả mà phải xử lý nghiêm hơn, để đảm bảo phát triển bền vững chứ không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Quá trình cấp phép phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, vậy tại sao với dự án lớn như Formosa mà chỉ trong vài tháng đã hoàn thành xong việc cấp phép?
Không thể có sự ưu ái đặc biệt nào, phải làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi theo quy định của pháp luật: đúng Nghị định 108, đúng luật Đầu tư, đúng theo quy định của Chính phủ. Có ý kiến lại bảo kéo dài quá cũng có vấn đề, chúng ta đang cải cách mạnh mẽ nền hành chính. Về Formosa, chúng ta không rút ngắn thời gian, không bỏ qua giai đoạn, các trình tự vẫn đủ, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan đầy đủ. Sau khi có đầy đủ ý kiến theo quy định của Luật thì Thủ tướng mới có ý kiến đồng ý.
6 tháng mà hoàn thành việc cấp phép cho 1 dự án lớn như Formosa có quá nhanh và vội vàng, thưa ông?
Không, nhanh hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của hội đồng thẩm định, có khi người ta làm việc tăng thời gian, tăng năng suất, có phương pháp làm việc tốt hơn nên đảm bảo điều kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.