Có những vụ việc đầy gian nan bởi nhóm buôn lậu manh động, nhưng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46B) - Bộ Công an phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74B) triệt phá, bắt giữ được ông trùm buôn lậu thuốc lá Nguyễn Văn Tới (còn gọi Tới “mập”, 43 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An).
Cuộc trấn áp giữa rừng tràm
Ngày 8.1.2015, hàng trăm trinh sát của C46B, C74B và các đơn vị nghiệp vụ khác đã bắt quả tang các đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu từ Campuchia về VN tại kênh G3 (xã Mỹ Thạnh Tây, H.Đức Huệ). Đây là địa điểm gần đường biên giới VN - Campuchia, giữa rừng tràm, cách xa khu dân cư.
Khi cảnh sát ập vào hiện trường, gần 50 người la hét, bỏ chạy, dùng đá, gậy tấn công lực lượng cảnh sát, nên các cán bộ chiến sĩ phải dùng công cụ hỗ trợ trấn áp. Mặc dù bắn chỉ thiên nhiều phát súng nhưng dường như họ vẫn không dừng lại việc chống đối. Có những đối tượng hốt đất, cát ném vào mặt lực lượng chức năng. “Những lúc nhóm buôn lậu bị bắt quả tang, nếu thấy lực lượng công an bao vây toàn bộ, họ sẽ chống trả quyết liệt, xông vào đánh trả lực lượng công an. Có lúc không chỉ đòi lại thuốc lá mà còn đòi lại người, không để một ai bị công an bắt giữ. Tuy nhiên, ông trùm đường dây bỏ chạy cách đó vài trăm mét thì bị đuổi kịp, bắt giữ”, một trinh sát kể lại.
Theo hồ sơ, băng nhóm của Tới “mập” buôn lậu nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng địa phương chưa thể triệt phá. Sau khi bắt được Tới, cơ quan công an thu giữ 86 kiện với tổng cộng 51.100 bao thuốc lá điếu; 23 xe gắn máy và 2 xuồng máy là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu và gần 58 triệu đồng tiền mặt.
Giang hồ “số má” kiêm trùm buôn lậu
Trên thực tế, để phá được chuyên án này, gần 1 năm trời các trinh sát phải lặn lội, ăn, ngủ trong rừng. “Có những lúc hết nước uống, hết thức ăn, cả tháng không được tắm, chỉ nằm trong rừng, hoặc leo lên cây theo dõi hoạt động của nhóm buôn lậu. Rất khó khăn vất vả trong thời gian dài để bắt quả tang nhóm của Tới, do tai mắt, cảnh giới của nhóm này có đến trăm người, chỉ cần sơ hở nhỏ sẽ bị phát hiện ngay”, một trinh sát kể và cho biết thêm “lính” của Tới hầu hết là thanh niên cùng xã, được bảo bọc và trả lương hậu nên rất trung thành với “ông trùm” khi vận chuyển hàng. “Nói đến chuyện vận chuyển hàng bằng xe máy, nhớ lại con đường những người này đi rất kinh khủng. Chạy chiếc xe máy lậu, không đèn, gắn pô tiếng nhỏ để tránh gây tiếng ồn, chạy trên lề cạnh con kênh rộng nửa mét, chúng chạy không bật đèn với tốc độ rất cao”, một trinh sát nói.
Trong khi đó, một trinh sát của C74B kể lại khi theo dõi nhóm của Tới, phải bơi qua sông nhiều lần, thậm chí có những lúc gây tiếng động, bị phát hiện phải nằm cả đêm dưới sông, nhờ bèo ở sông nên còn ngoi mặt lên thở được. Trên những cánh đồng gần khu vực vận chuyển hàng, người dân còn mắc dây điện để bẫy chuột, chỉ cần đạp trúng thì sẽ bị điện giật chết...
Tuy nhiên, “cuộc chiến” với trùm buôn lậu cũng chưa hết khó khăn sau khi chuyên án được phá. “Là trùm buôn lậu, quen biết rộng, là giang hồ có số má ở khu vực này, không phải dễ dàng để Tới khai nhận tội. Không ít lần cán bộ điều tra tưởng chừng bỏ cuộc vì những ngày đầu hỏi gì Tới cũng nhất quyết không hé nửa lời”, một điều tra viên kể lại.
Sau nhiều ngày nghiên cứu cách thức buôn lậu, hồ sơ, đánh vào tâm lý của Tới, nghi phạm mới cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Tới khai từ năm 2012 thuê 18 nhóm, mỗi nhóm 4 người (do một người làm nhóm trưởng). Mỗi ngày Tới cử một số nhóm sang Campuchia vận chuyển thuốc lá về VN, mỗi người chở 14 kiện thuốc lá (mỗi kiện chứa 60 cây, bằng 600 bao). Cứ khoảng 16 giờ 30 hằng ngày, lực lượng chở thuê chạy xe máy sang các kho tại Campuchia đợi Tới thông báo địa điểm nhận hàng và nhận chỉ thị giao hàng tại VN. Nhóm trưởng tổ chức cho các thành viên trong nhóm thực hiện. Ông trùm trả tiền vận chuyển cho các nhóm với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/14 kiện thuốc lá, nhóm trưởng đứng ra nhận, sau đó chia lại cho các thành viên.
Ngày 8.1.2015, Tới thuê 36 người sang Campuchia chở hàng về giao xuống các ghe tại kênh G3. Lúc các nhóm đang giao chuyến hàng thứ hai thì bị công an vây bắt. Tới và Lâm Quốc Mạnh bị bắt giữ, các đối tượng vận chuyển còn lại bỏ chạy để lại tang vật trên bờ kênh. Đến tháng 9.2015, tất cả 31 nghi can liên quan lần lượt đến C46B đầu thú.
Một cán bộ điều tra cho biết khi tiến hành công tác vận động các nghi can buôn lậu ra đầu thú, nhiều người dân vùng biên giới xem việc vận chuyển hàng lậu không phải là hành vi phạm tội, một phần do nhận thức pháp luật thấp, một phần do bọn chủ hàng dụ dỗ là vận chuyển số lượng chẻ nhỏ ra sẽ không bị xử lý hình sự. Thậm chí khi điều tra viên trực tiếp xuống địa bàn, có gia đình phản ứng rằng "con tôi chỉ đi vận chuyển thuốc lá thuê chứ có cướp của, giết người, hiếp dâm ai đâu mà các anh bắt".
|
Bình luận (0)