Phải có tỷ lệ thích đáng cho người tự ứng cử

28/02/2016 00:00 GMT+7

Vấn đề tự ứng cử đại biểu Quốc hội đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 đang tới gần.

Vấn đề tự ứng cử đại biểu Quốc hội đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 đang tới gần.

Bỏ phiều bầu cử ĐBQH khóa 13 tại một đơn vị bầu cử ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc ThắngBỏ phiều bầu cử ĐBQH khóa 13 tại một đơn vị bầu cử ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Đinh Xuân Thảo (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng trong danh sách chính thức ứng cử phải có tỷ lệ thích đáng cho người tự ứng cử.

* Trong kỳ bầu cử QH, HĐND các cấp tới đây có một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm là việc tự ứng cử của công dân? Xin ông cho biết quy trình của việc ra ứng cử như thế nào? Có sự phân biệt nào đối với người tự ứng cử không?
- Liên quan đến vấn đề người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐB HĐND các cấp, Hiến pháp 2013 quy định rõ công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND theo quy định của luật. Cụ thể hóa điều đó, trong luật Tổ chức QH, luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định tiêu chuẩn của ĐBQH, ĐB HĐND các cấp.
Vấn đề đặt ra là khái niệm người ứng cử được hiểu như thế nào? Hiện trong các luật đều dùng khái niệm người ứng cử với nghĩa là người sẽ được đưa vào danh sách để đưa ra cho cử tri lựa chọn bầu vào QH, HĐND.
Để lựa chọn được người đưa vào danh sách bầu cử phải qua 5 bước với 3 lần hiệp thương. Bước đầu tiên là đưa ra dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ ĐB. Bước hai là hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, như số lượng ĐB, số ĐB của khối lập pháp, hành pháp, tư pháp, mặt trận... là bao nhiêu? Tỷ lệ ĐB ở T.Ư, địa phương, nữ, dân tộc thiểu số... Ở lần hiệp thương này mới là cơ cấu, chưa đi vào xem xét con người cụ thể.
Bước thứ 3 là điều chỉnh lại cơ cấu, thành phần. Sau khi điều chỉnh, có cơ cấu, thành phần chính thức sẽ tiến hành bước 4 là hiệp thương lần thứ hai, lúc đó đi vào xem xét con người cụ thể. Ví dụ, để bầu được 500 ĐBQH thì danh sách dự kiến ban đầu là trên 800 người chẳng hạn, để khi đi vào hiệp thương lần 2 lựa chọn rút xuống còn khoảng 700 - 750 người. Tiếp theo, những người được đưa vào danh sách cụ thể của hiệp thương lần 2 sẽ được đưa ra lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc và nơi cư trú. Sau đó tiến hành bước thứ năm là việc hiệp thương lần thứ 3, lúc đó mới chốt lại danh sách cuối cùng.
Để bầu được 500 ĐBQH thì nhất thiết phải có số dư người ứng cử, ví dụ 20 - 30%, tức là để bầu 500 ĐBQH thì phải có trên 600 người vào danh sách người ứng cử.
Trong quy định chỉ nói là người ứng cử nhưng thực chất có cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử. Người được giới thiệu ứng cử là được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương... giới thiệu. Trên cơ sở có quy hoạch cán bộ, cả một quá trình rồi, đưa ra căn cứ vào tiêu chuẩn người ĐBQH, ĐB HĐND thì họ được lựa chọn để giới thiệu. Khi được giới thiệu và người được giới thiệu đồng ý ra ứng cử thì trở thành người ứng cử, vì nếu bản thân họ không chấp nhận việc giới thiệu ứng cử thì cũng không ai ép buộc được.
Số người được ứng cử chiếm số lượng lớn. Còn số tự ứng cử chiếm ít hơn. Những người này hầu hết không phải đối tượng cán bộ, đảng viên vì theo quy định nội bộ của Đảng thì cán bộ, đảng viên không được tự ứng cử nếu không được cơ quan, tổ chức đồng ý.
Như đã nói ở trên, theo quy định của pháp luật, công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND, nhưng để trở thành người ứng cử đưa ra để cử tri bầu chọn thì phải được đưa vào danh sách qua các lần hiệp thương thứ 2, thứ 3 để đưa vào danh sách chính thức. Khi được đưa vào danh sách chính thức thì cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều được gọi chung là người ứng cử.
* Tỷ lệ người tự ứng cử có bị khống chế không? Nếu có thì tỷ lệ này là bao nhiêu?
Có thể nói quy định của pháp luật hiện hành, từ Hiến pháp 2013 đến các luật liên quan không có chỗ nào nói khống chế số lượng được giới thiệu ứng cử bao nhiêu, tự ứng cử bao nhiêu. Tuy nhiên, để lựa chọn các ĐB đại diện cho cả nước cũng như từng địa phương phải có sự chọn lọc. Dân số VN hiện nay có hơn 90 triệu người, số người trong độ tuổi có thể ứng cử cũng lên đến hàng chục triệu trong khi số lượng ĐBQH chỉ 500 người, số lượng ĐB HĐND các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng chỉ 105 người trên tổng dân số cả chục triệu. Như vậy, rõ ràng phải có sự lựa chọn những người xuất sắc, tiêu biểu nhất. Tuy nhiên, những người có đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện cũng có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí chục nghìn người nhưng không phải ai cũng đưa vào danh sách người ứng cử cả, do vậy cần có hiệp thương. Những ứng cử viên là người được giới thiệu ứng cử đã qua các khâu, quy trình chặt chẽ ở cơ quan, tổ chức với nhiều tầng nấc, sau đó lại lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc và nơi cư trú rất kỹ lưỡng. Với những người tự ứng cử thì cũng phải được xem xét chặt chẽ theo quy định của pháp luật để đảm bảo công bằng.
* Trong lần hiệp thương thứ nhất vừa qua, có ý kiến cho rằng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng được 10% là quá ít. Như ông cũng đã nói, theo quy định của Đảng thì đảng viên không được tự ứng cử, vậy có thể hiểu 10% đại biểu ngoài Đảng này là dành cho những người tự ứng cử hay không?
- Theo quy định của tổ chức Đảng thì người ứng cử là cán bộ, đảng viên phải được cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử chứ không phải tự ứng cử. Do vậy, các trường hợp tự ứng cử chủ yếu là người ngoài Đảng. Tôi cho rằng để bảo đảm quyền cho người tự ứng cử thì sự đảm bảo đó phải thể hiện ở quy định tỷ lệ người ngoài Đảng như vậy mới có cơ hội cho người ta, ví dụ 10 - 20% chẳng hạn; còn nếu số lượng này chỉ là vài phần trăm thì rõ ràng cơ hội cho những người tự ứng cử được đưa vào danh sách để bỏ phiếu là rất khó. Tôi cho rằng các vòng hiệp thương, kể cả hiệp thương đưa vào danh sách chính thức phải có tỷ lệ thích đáng cho những người tự ứng cử. Vấn đề hiệp thương xem xét phải bảo đảm bình đẳng về tiêu chuẩn, điều kiện như nhau chứ không khắt khe hơn hay dễ dãi hơn với người tự ứng cử.
* Các kỳ bầu cử gần đây cho thấy tỷ lệ người tự ứng cử vào QH thường thấp, tỷ lệ trúng cử lại càng ít hơn nữa. Theo ông, liệu có phải có quá nhiều rào cản đối với những người tự ứng cử hay không?
- Theo tôi được biết, QH khóa 12 chỉ có một ĐBQH là tự ứng cử, ĐB này sau đó được tiếp tục tái cử khóa 13. Trong khóa 13, số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và được bầu vào QH 2 - 3 người. Việc đưa ra bầu, tôi cho rằng cử tri cũng xem xét khách quan thôi, không phân biệt ai là người được giới thiệu ứng cử và ai là người tự ứng cử. Nhiều người ứng cử bị “rụng” cũng là thuộc diện người được giới thiệu ứng cử chứ không phải chỉ có người tự ứng cử.
Điều cần quan tâm ở đây là người tự ứng cử được lọt vào danh sách chính thức sau hiệp thương lần 3. Qua nghiên cứu trước đây, số người tự ứng cử có tới cả trăm người, nhưng lọt vào danh sách chính thức chưa được 1/10. Thực tế, do những người được giới thiệu ứng cử đã được sàng lọc lựa chọn rất kỹ, thường đã có quy hoạch trước và có hướng bồi dưỡng đào tạo để làm công việc này rồi nên đến khi hiệp thương, người ta thấy đủ điều kiện thì họ được đưa vào danh sách. Còn những người tự ứng cử, anh chưa có trong quy hoạch, quá trình sàng lọc, lựa chọn, anh mới chỉ đối chiếu với tiêu chuẩn chung chứ chưa có sự cạnh tranh với những người cùng ứng cử khác, cho nên tỷ lệ được đưa vào danh sách chính thức và được trúng cử thấp cũng là điều có thể hiểu được.
Muốn ứng cử, phải làm gì ?
* Một công dân khi thấy mình có khả năng, đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu và muốn ứng cử vào QH, HĐND các cấp thì cần thực hiện những công việc gì?
- Để tiến hành công tác bầu cử ở cấp độ toàn quốc, chúng ta có Hội đồng bầu cử quốc gia, ở các tỉnh, huyện, xã thì có các ủy ban bầu cử. Công dân muốn ứng cử vào QH, với những người làm việc ở cơ quan T.Ư sẽ nộp hai bộ hồ sơ ứng cử theo mẫu tại Hội đồng bầu cử quốc gia; người làm việc ở cơ quan, tổ chức tại địa phương và người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi người đó cư trú hoặc công tác thường xuyên.
Người ứng cử vào HĐND nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử tại đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử ĐB HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên tại địa phương đó.
Đối với những người ứng cử ĐBQH, sau khi nhận và xem xét hồ sơ, nếu thấy hợp lệ thì Hội đồng bầu cử quốc gia chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ VN. Ủy ban bầu cử ở tỉnh chuyển hồ sơ ứng cử của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương lựa chọn người ứng cử ĐBQH.
Đối với những người ứng cử ĐB HĐND, sau khi nhận và xem xét hồ sơ nếu thấy hợp lệ thì ủy ban bầu cử chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.