Phận mưu sinh chui trên đất Thái - Kỳ 5: Đắng cay trên đất khách

23/10/2015 06:14 GMT+7

Dù là lao động bất hợp pháp, hằng tháng dân VN làm chui ở Thái vẫn phải đóng gần chục loại “thuế”, phải cắn răng chịu đựng nguy cơ trấn lột, tai nạn...

Dù là lao động bất hợp pháp, hằng tháng dân VN làm chui ở Thái vẫn phải đóng gần chục loại “thuế”, phải cắn răng chịu đựng nguy cơ trấn lột, tai nạn...

“Bùa hộ mệnh” của lao động trái phép ở Thái Lan - Ảnh: Nguyễn Tập“Bùa hộ mệnh” của lao động trái phép ở Thái Lan - Ảnh: Nguyễn Tập
Tai họa chực chờ
Hầu hết thời gian trong ngày đều ở ngoài đường nên chuyện gặp tai nạn đối với cánh hàng rong không phải hiếm. Giữa năm ngoái, khi trời tờ mờ sáng, Nguyễn Đình Thiên (quê H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đẩy xe nước giải khát đi bán sớm. Thấy đèn giao thông vẫn còn xanh, anh cố đẩy xe băng vội qua đường. Nào ngờ đèn chuyển sang đỏ, xe chiều kia ùa lên. Một chiếc xe ôm tông thẳng vào Thiên, ủi bay cả người và xe. Chiếc xe hàng dúm dó còn Thiên văng ra, nằm bất tỉnh trên đường.
“Khi mình tỉnh dậy mới biết được người dân đưa vào bệnh viện. Viện phí được bảo hiểm của xe ôm lo hết. Nhưng ngược lại, khi cảnh sát kiểm tra camera an ninh, thấy mình sai luật vì vượt đèn đỏ. Thế là mình phải đền tiền sửa xe cho ông xe ôm hết 9.000 baht (khoảng 6 triệu đồng). Cũng may lúc đó hộ chiếu còn hạn, chứ không lại lòi ra cái tội cư trú bất hợp pháp nữa”, Thiên kể.
Hay như Phan Nhân Mẫn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bán trái cây gần khu giải trí Nana cũng từng bị tai nạn suýt chết. Vào thời điểm đang làm rửa bát cho quán ăn, ông chủ quán kêu anh leo lên mái nhà lợp lại tấm tôn đề phòng dột vì mùa mưa tới. Lên đó không nhớ xớ rớ làm sao Mẫn chụp ngay sợi dây điện, bị giật dính chặt vào. Cũng may, ông chủ thấy vậy cúp vội cầu dao rồi lôi xuống. “Lúc bị giật, tay tui nám đen luôn. Chậm chừng một phút nữa chắc tui cũng tiêu”, Mẫn nói.
Cũng đáng sợ không kém nhưng tai họa ập xuống chị bán mít Lê Thị Chín đến từ con người, mà lại là đồng hương. Cách đây không lâu, chị và 2 bạn trọ khác đang nằm trong phòng thì bị 2 gã đàn ông đạp cửa, tay cầm súng lao vào khống chế đòi đưa tiền. Thấy chị còn chần chừ, một tên lập tức tát chảy máu, gãy răng rồi lột sạch tiền. “Dù lúc đó bọn nó nói tiếng Thái, nhưng nghe giọng là biết người Việt. May lúc đó đã gửi tiền về quê, số bị mất cũng không nhiều. Vậy đó chú ơi, chua chát lắm”, chị Chín tặc lưỡi thở dài.
“Thuế đường phố”
Là người lao động và cư trú bất hợp pháp nên dân VN làm chui tại Thái luôn nơm nớp sợ bị bắt. Gặp chuyện không may như tai nạn, trấn lột cũng phải ngậm đắng nuốt cay không dám nhờ đến chính quyền.
Trần Thanh Tài, bán nước giải khát, cho biết: “Nắm thóp tụi tui nên dân giang hồ thỉnh thoảng lại giả làm cảnh sát, cầm thẻ giả đến đòi tiền, mỗi lần 2.000 - 3.000 baht, không đưa thì bọn nó thu hết đồ đạc, điện thoại. Mình mới sang buôn bán chui, ở bất hợp pháp nên gặp ai cũng sợ. Đâu biết ai là thật, là giả. Chẳng may gặp phải cảnh sát thật thì vào tù, cho nên thấy nó bảo đưa tiền là đưa cho yên chuyện”.
Chưa hết, mỗi tháng dân hàng rong còn phải đóng đủ loại “thuế đường phố”. Đầu tiên là tiền chỗ đứng bán hàng trả cho các tay anh chị. Nếu bán ban ngày, mỗi tháng đóng từ 2.000 - 5.000 baht tùy vào chỗ đông hay ít khách; ban đêm đóng 300 baht. Ngoài ra, còn phải “đóng tiền” cho nhiều lực lượng cảnh sát khác nhau. Đó là Tomo (cảnh sát xuất nhập cảnh), Nừng cao nừng (cảnh sát 191, tương tự Cảnh sát 113 ở VN), Khệt (cảnh sát khu vực, quận) và Thông thiu (cảnh sát du lịch)... “Nếu là lính mới, thường phải hỏi những người đi trước về các khoản “thuế” phải nộp. Nếu đã biết tiếng Thái thì xin số điện thoại của cảnh sát để trực tiếp hỏi giá. Tùy chỗ, nhưng tổng cộng cũng phải tốn từ 2.500 - 4.000 baht/tháng”, Tài cho biết.
Do đã khá thân nên Tài lôi ra trong túi đưa tôi xem mấy cái “bùa hộ mệnh” gọi là bạt. Đó là những miếng giấy nhỏ bằng 2 ngón tay có ghi ngày tháng để biết đã đóng tiền hay chưa. Đây là một dạng hóa đơn không chính thức của cảnh sát khi nhận tiền. “Mỗi lực lượng sẽ có một loại bạt màu khác nhau. Cảnh sát đồn hoặc 191 thì không cần bạt, chỉ cần đóng tiền đủ, nếu bị bắt thì gọi điện thoại”, Tài kể rồi không quên dặn: “Anh viết sao cho khéo chứ cảnh sát Thái mà biết, họ không chịu ăn tiền thì tụi em còn khổ hơn”.
Tuy vậy, bạt cũng chỉ giúp dân làm chui bớt lo phần nào vì cảnh sát Thái Lan vẫn liên tục tổ chức chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp. Từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở Bangkok khiến ít nhất 20 người chết và 130 người bị thương hồi tháng 8, chính quyền càng siết chặt an ninh, nhất là nhằm vào dân nhập cư.
Như vào ngày 18.9, gần 500 cảnh sát và binh sĩ đồng loạt ra quân truy bắt người nhập cư bất hợp pháp tại tỉnh Pathum Thani (cách Bangkok vài chục ki lô mét). Không biết bắt được bao nhiêu người nhưng thông tin đó đã khiến dân VN làm chui náo loạn, hình ảnh đăng tràn trên Facebook để “báo động”. “Bây giờ em chuyển hẳn sang bán buổi tối, từ 6, 7 giờ tối đến 1, 2 giờ sáng. Bữa nào nghe nói cảnh sát đi lùng dữ quá là phải nằm nhà vài ngày chờ qua đợt rồi lại bán tiếp. Em đã bị bắt 2 lần rồi. Họ nói bị bắt lần nữa sẽ đi tù từ 2 đến 6 năm, nên em cũng sợ lắm”, Phùng Văn Việt, bán trái cây gần khu Silom cho biết. (Còn tiếp)

Phùng Văn Việt cho biết người Lào, Campuchia và Myanmar có thể xin được giấy phép lao động tạm thời tại Thái. Vì thế, khi bị bắt dân VN thường giả làm người Myanmar hoặc Lào, Campuchia và dùng giấy phép giả. Tuy nhiên, cũng chỉ qua mặt được chính quyền một thời gian ngắn. “Hôm trước bị kiểm tra. Sau khi coi giấy, họ hỏi em người nào, em nói em người Lào. Họ nói em hát quốc ca Lào cho họ nghe. Làm sao em biết hát, thế là lộ tẩy”, Việt kể.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.