Phận mưu sinh chui trên đất Thái - Kỳ 6: Sống trong sợ hãi

24/10/2015 10:29 GMT+7

Quá nửa đêm, điện thoại của tôi bỗng réo liên tục. Trên màn hình nhấp nháy tên người gọi “Minh bán nước lựu”. Những cuộc gọi giờ này thường là chuyện chẳng lành, tôi ấn trả lời và chỉ vừa kịp nghe: “Em bị bắt rồi anh ơi”...

Quá nửa đêm, điện thoại của tôi bỗng réo liên tục. Trên màn hình nhấp nháy tên người gọi “Minh bán nước lựu”. Những cuộc gọi giờ này thường là chuyện chẳng lành, tôi ấn trả lời và chỉ vừa kịp nghe: “Em bị bắt rồi anh ơi”...

Video: Người Việt mưu sinh trên đất Thái sống trong sợ hãi
Quỳ lạy xin tha
Vài tiếng sau, Nguyễn Hiếu Minh (*) (quê Thanh Hóa) cũng mò được về đến nhà trọ, mặt mũi sưng húp, bầm tím. “Em gọi điện kêu vợ và mấy bạn hàng chạy. Cảnh sát biết được, đánh em quá chừng”, Minh nhăn mặt xuýt xoa giải thích.
Vẫn chưa kịp nguôi, 2 ngày sau tôi lại nhận điện thoại vào lúc 4 giờ sáng. Lần này Minh bị bắt chung với nhóm Hà Tĩnh bán trái cây khi đang lấy hàng ở chợ Klongtoey (chợ sỉ thực phẩm ở Bangkok - NV). “Em đang đẩy xe lựu về, cảnh sát đến thộp cổ luôn. Van xin mãi không được. Bọn họ đòi đóng 50.000 baht (khoảng 33 triệu đồng), không thì ra tòa. Hộ chiếu em bị vào sổ bìa đen rồi. Lần này mà ra tòa là em chết. Lúc đó sợ quá em chỉ biết quỳ xuống lạy, cuối cùng họ chịu giảm còn 10.000 baht. Coi như tháng này... móm”, Minh chặc lưỡi than. Hình ảnh một người đàn ông trưởng thành phải quỳ lạy người khác vì lý do sinh kế cho tôi một cảm giác khó tả. Xót xa và buồn...
Thủ tục bảo lãnh dân làm chui
Khi một lao động bất hợp pháp bị bắt, muốn được tại ngoại thì phải có một người Thái đóng tiền bảo lãnh 50.000 baht. Trong thời gian 48 ngày chờ ra tòa, cứ 12 ngày phải trình diện một lần. Từ khi bị bắt đến ngày ra tòa, đương sự có trạng thái cư trú là bất hợp pháp vì công dân ASEAN chỉ được du lịch tại các nước cùng khối trong vòng 30 ngày. Vì vậy, người làm chui thường phải về VN làm lại hộ chiếu mới để xóa tiền sự. Tổng chi phí cho những việc trên từ 16 - 19 triệu đồng.
Minh kể hồi tháng 8 năm ngoái, khi đang đứng bán có 2 người mặc thường phục đến xe nước lựu của anh giả vờ mua nước rồi hỏi người nước nào, Minh nói mình người Myanmar nhưng nào ngờ có người gần đó “méc” anh là VN. “Thế là họ táng 2 bạt tai, đá thêm một đá rồi còng em vào xe đưa về trại giam”, anh kể.
Lê Văn Thông, 29 tuổi, quê ở Hải Dương sang Thái gần 4 năm thì đã bị bắt đến 4 lần. Lúc đầu, anh phụ quán ăn, nhưng liên tục bị truy quét. Sợ quá, anh chuyển sang bán nước chanh. Đứng chưa ấm chỗ lại bị bắt. Thông kể có lần bị bắt không đủ tiền bảo lãnh, một bà người Thái đồng ý cho anh mượn thêm 30.000 baht, anh mừng như “chết đuối vớ được cọc”. Sau 48 ngày, đến hạn được rút lại tiền bảo lãnh thì bà cho mượn bắt trả thêm 20.000 baht tiền công bảo lãnh và tiền lãi.
“Em là còn may. Có ba mẹ con nhà kia bị bắt, sau khi vay tiền để đóng bảo lãnh chuộc ra thì phải làm không công trong 3 tháng để trả nợ. Cho nên tụi em sợ bị bắt lắm. Lần này mà bị bắt nữa là phải ở tù 2 năm nên em xuống tìm việc làm ở Rangsit (tỉnh Pathum Thani -NV). Tiền tuy ít nhưng an toàn hơn”, anh nói.
Vào tù
Tôi đến trại tạm giam những người nhập cư bất hợp pháp Soi Suanplu thuộc Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan để thăm nuôi giùm một người quen có bà con phạm pháp đang bị nhốt.
Hành lang khu chờ thăm nuôi ken đầy người với lỉnh kỉnh đồ đạc. Người bị bắt có đủ quốc tịch: Lào, Myanmar, Campuchia... nên người thân đến thăm nuôi ngồi tán chuyện đủ mọi thứ tiếng.
Ngồi gần tôi là một anh chàng nói ríu rít qua điện thoại bằng tiếng Thái. Chỉ khi nghe đọc danh sách người vào thăm nuôi mới biết anh là người Việt. “Em vào thăm nuôi đứa đồng hương mới bị bắt mấy ngày trước. Nó chẳng biết tiếng nên em phải vào xem nó cần gì”, anh cho biết. Mỗi ngày tại đây chỉ cho thăm nuôi một lần, từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30. Đồ thăm nuôi phải cất riêng ra một giỏ để cảnh sát kiểm tra sau đó mới đưa cho từng người. Khung cảnh ồn ào hỗn tạp vì không chia phòng thăm. Tất cả tập trung tại một khoảng sân nhỏ, người thăm nuôi và người bị tạm giam đứng cách nhau bằng hai hàng lưới sắt, ở giữa luôn có một anh bảo vệ đi tuần.
Dân làm chui tại Thái luôn nơm nớp sợ bị bắt - Ảnh: Nguyễn Tập
Người tôi thăm nuôi là Nguyễn Hồng Như quê ở Hải Phòng. Nghe lời bạn rủ rê, cô sang Thái “làm hàng” (ăn cắp), một tuần được trả lương 10 triệu đồng. Như bị bắt tại Trung tâm mua sắm Siam Paragon với tang vật là một túi áo quần lấy trộm trị giá 10.000 baht (gần 7 triệu đồng). Thế là bị nhốt.
Như kể: “Hồi đầu em ở trại giam Lat Phrao. Phòng chật lắm nhưng nhét tới 25 - 30 người. Tối ngủ phải nằm nghiêng như xếp cá, mỗi người chỉ được một viên gạch. Ai có quan hệ tốt với trưởng buồng thì được nằm hai viên. Tắm thì chỉ được 10 gáo, đếm từ 1 đến 30 là phải xong... Ở trại 3 tháng, em khóc đủ 90 ngày”. Hết hạn tạm giam, nhưng cô bị mất hộ chiếu nên tiếp tục bị chuyển sang Soi Suanplu - nơi tạm giữ những người nhập cư bất hợp pháp để chờ điều tra, giải quyết. “Sắp tới em tính thế nào, có định tiếp tục ở lại Thái làm không?”, tôi hỏi. “Một lần là chừa rồi. Lần sau có cho vàng cũng không đi nữa đâu. Ở VN yên ổn làm ăn thôi”, Như nghẹn ngào nói. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.