Xét xử vụ “điện kế điện tử”: Về chất lượng của điện kế điện tử

23/05/2009 00:10 GMT+7

Ngày 22.5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “cố ý làm trái...” xảy ra tại Điện lực TP.HCM "nóng" lên khi đại diện Tổ giám định tư pháp - Bộ Công thương, đại diện Công ty điện lực TP.HCM - nguyên đơn dân sự trong vụ án, trình bày về chất lượng của điện kế điện tử và thiệt hại của vụ án.

Theo trình bày của đại diện Tổ giám định tư pháp - Bộ Công thương, tháng 5.2008 CQĐT có công văn trưng cầu giám định ba vấn đề: chi phí khắc phục hậu quả, chênh lệch giá và tổn hao điện áp của điện kế điện tử (ĐKĐT) trong vụ án. Kết quả, vị đại diện này cho biết do trước đó Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có kết luận ĐKĐT đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, nên chi phí khắc phục, sửa chữa chỉ còn lại là việc thay đổi nhãn mác cho đúng với thực tế hàng sản xuất ở Việt Nam (tháo mác Linkton Singapore rồi dán mác Linkton Vina) để đưa vào sử dụng, nhân công tháo lắp, chi phí bảo quản... Về tổn hao điện áp của ĐKĐT, sau khi giám định thấy tổn hao điện áp nhỏ hơn so với các loại điện kế khác và thấp hơn cả tiêu chuẩn đo lường chất lượng quy định rất nhiều.

Điện kế điện tử, vật chứng của vụ án

Về yêu cầu giám định chênh lệch giá giữa ĐKĐT của Điện lực TP.HCM mua và giá cả sản phẩm cùng loại trên thị trường, đại diện tổ này cho biết "không thể giám định được", do "Tổ chuyên viên không có điều kiện để so sánh với ĐKĐT Singapore vì ngoài biên giới VN. Hơn nữa ở VN vào thời điểm đó chưa có đơn vị nào sản xuất ĐKĐT nên không thể có thông tin để so sánh, đối chiếu kết luận. Mặt khác, giá thành của một sản phẩm còn tùy thuộc vào thương hiệu, lợi nhuận, giá thành nguyên liệu đầu vào... của nhà sản xuất”. Tuy vậy, đại diện Tổ giám định cũng khẳng định tổng giá trị thiệt hại trong vụ án này bao gồm: phí lắp đặt, tháo dỡ thay thế, bảo quản, chi phí kiểm định mẫu, sửa chữa khiếm khuyết của các điện kế và hoàn thiện thủ tục pháp lý để sử dụng lại... là hơn 8,1 tỉ đồng.

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Lý, đại diện Điện lực TP.HCM, cho biết sau khi vụ án xảy ra, Điện lực TP.HCM đã trình phương án cho sử dụng lại 312.000 ĐKĐT, chỉ cần thực hiện thao tác thay nhãn mác Linkton Singapore thành Linkton Vina. Chi phí này chỉ khoảng hơn 300 triệu đồng và đã được Thủ tướng chấp thuận. Bên cạnh đó, Linkton Singapore đã ủy quyền cho Linkton Vina đang tiến hành đăng ký mẫu nhãn mác Linkton Vina để chuẩn bị cho phương án đã được duyệt. Ông Lý nói thêm, sau khi cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 8,1 tỉ đồng, phía Linkton Singapore đã nộp vào tài khoản của Ngân hàng Công thương Việt Nam 8,1 tỉ đồng và ngân hàng đã có chứng thư bảo lãnh khắc phục hậu quả của vụ án khi có bản án của tòa.

Phiên xử buổi chiều qua, HĐXX chuyển sang thẩm vấn đại diện bị đơn và những người có quyền lợi liên quan trong vụ án về trách nhiệm bồi thường và tài sản bị kê biên. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa và tạm giữ rất nhiều tài sản của các bị cáo (kê biên 3.361.121m2 đất, 12 nhà ở, 1 xưởng sản xuất; phong tỏa 815 triệu đồng, 2 hồ sơ nhà; tạm giữ hơn 2,2 tỉ đồng, 1.000 USD, 35 triệu đồng cổ phiếu, 220,89 chỉ vàng...). Hầu hết những người liên quan là vợ, con của các bị cáo đều xin HĐXX sớm giải tỏa lệnh kê biên để họ có quyền định đoạt tài sản, ổn định cuộc sống.

Lê Nga

 Mở phiên tòa xét xử vụ điện kế điện tử  
 
Nguyên lãnh đạo Điện lực TP.HCM nhận "thiếu trách nhiệm"
 Làm rõ tài sản của "bị cáo điện lực" 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.