Dù Quốc hội đã có những yêu cầu siết chặt kỷ luật thu, chi ngân sách nhà nước, nhưng ở nhiều cấp chính quyền địa phương, các bộ, ngành và khối doanh nghiệp nhà nước còn có những biểu hiện rất tùy tiện, lỏng lẻo.
Việc đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai được xác định là có nhiều sai phạm - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo kết quả kiểm toán năm 2014 mà Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa gửi tới các ĐBQH hôm qua (21.5), một trong những lĩnh vực lỏng lẻo về kỷ luật ngân sách nhất vẫn là về đầu tư, xây dựng cơ bản.
Nhiều dự án của Bộ GTVT lập dự toán thiếu chính xác
Qua kiểm toán năm 2014 (về báo cáo tài chính năm 2013) cho thấy, ở nhiều cấp, ngành, chất lượng khảo sát thiết kế của hàng loạt công trình chưa đảm bảo, hồ sơ khảo sát không đầy đủ; thiết kế, lập dự toán thiếu chính xác… Tình trạng này xảy ra ở nhiều công trình do Bộ GTVT quản lý, làm chủ đầu tư như các dự án: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có những sai sót làm tăng giá trị các gói thầu xây lắp lên 278 tỉ đồng; dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng làm tăng giá trị 58,5 tỉ đồng…
Không ít dự án lớn áp dụng định mức, đơn giá lập dự toán không phù hợp như dự án Bảo tàng Hà Nội (gói thầu số 9 áp dụng định mức đơn giá nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Nhiều công trình vẫn có tình trạng nhà thầu không đảm bảo năng lực (như dự án đường Hồ Chí Minh, dự án Bảo tàng Hà Nội) hoặc hình thức lựa chọn nhà thầu không phù hợp như ở nhiều công trình của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT. Nghiêm trọng hơn, có khá nhiều công trình nghiệm thu sai khối lượng, chủng loại, đơn giá như ở dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 (gói thầu EPC thanh toán một số thiết bị dự phòng trùng lặp, không đúng chủng loại, đơn giá với số tiền 124,4 tỉ đồng); dự án cầu Nhật Tân và đường 2 đầu cầu sai khối lượng và đơn giá 10,4 tỉ đồng; dự án trụ sở mới của Bộ Ngoại giao cũng làm sai khối lượng 4 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có nhiều công trình, dự án chưa đảm bảo chất lượng, có hiện tượng nhanh xuống cấp, hư hỏng như: dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; dự án mở rộng QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án đường Hồ Chí Minh, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Kiến nghị hoàn trả 1.294 tỉ đồng tiền ngân sách
Tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí cũng xảy ra rất nhiều ở các địa phương được kiểm toán. Theo KTNN, cơ quan này đã phải kiến nghị các địa phương này hoàn trả ngân sách 1.294 tỉ đồng. Một số địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách nên không thực hiện được một số nhiệm vụ chi cần thiết. KTNN cũng khẳng định tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức còn diễn ra phổ biến ở “hầu hết các bộ, cơ quan T.Ư và các tỉnh, thành phố được kiểm toán”.
Các địa phương được nêu tên về những sai phạm trên gồm: Đà Nẵng (101,3 tỉ đồng), Vĩnh Long (11,49 tỉ đồng), Hà Nội (1,7 tỉ đồng)... Có đến 14/35 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn dự phòng ngân sách cho những nhiệm vụ chi không cấp bách như mua sắm tài sản, sửa chữa với số tiền 152,7 tỉ đồng. 18/35 địa phương sử dụng cả tiền nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên và một số nhiệm vụ không đúng quy định với số tiền khá lớn: gần 690 tỉ đồng. Tình trạng chi chuyển nguồn sai được nhiều ĐBQH cảnh báo, tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn. Một số địa phương chi chuyển nguồn sai phải điều chỉnh 737,4 tỉ đồng.
Nhiều tổng công ty nhà nước thua lỗ
Bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước qua kết quả kiểm toán cũng không mấy sáng sủa. Theo KTNN, nhiều tập đoàn, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn như Công ty CP gang thép Thái Nguyên có khoản nợ khó đòi trên 594 tỉ đồng; TCT xi măng có nợ khó đòi 92 tỉ đồng; TCT CP đầu tư quốc tế Viettel có khoản nợ phải thu quá hạn trên 1.960 tỉ đồng...
Ở khối ngân hàng, qua kiểm toán một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, KTNN đánh giá: chất lượng tín dụng chưa thực sự cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 31.12.2013, dư nợ xấu toàn hệ thống là 116.494,7 tỉ đồng, bằng 3,61% dư nợ, giảm 1,61% so với năm 2012. Điều đáng lo ngại hơn, theo KTNN là “nợ xấu chưa được phân loại và đánh giá đầy đủ”.
Một số cuộc kiểm toán theo chuyên đề của KTNN cũng phát hiện nhiều yếu kém, sai phạm. Ví dụ, kiểm toán việc điều hành giá xăng dầu cho thấy có thời điểm chính sách điều hành giá xăng dầu và các quyết định sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa phù hợp (sử dụng quá mức quỹ, không còn nguồn bù đắp phải điều chỉnh giá xăng dầu tăng cao). Kết quả kiểm toán một số chương trình mục tiêu như Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2013 cho thấy, tỉnh Yên Bái có 24,8% công trình sau đầu tư không hoạt động; Quảng Nam có 40 công trình không hoạt động, 99 công trình có hoạt động nhưng không hiệu quả...
|
Bình luận (0)