Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn

15/06/2017 14:12 GMT+7

Chiều nay (15.6), Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách.

Theo đó, Phó thủ tướng sẽ trả lời những câu hỏi khó của đại biểu Quốc hội trong buổi chiều hôm nay mà các bộ trưởng chưa làm rõ trong phần chất vấn. Phó thủ tướng cũng là người trả lời chất vấn cuối cùng trong phiên chất vấn.
***
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5.2017 và 5 tháng đầu năm 2017. Theo đó, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm vừa qua. Về kinh tế - xã hội nước ta, Phó thủ tướng đánh giá còn nhiều khó khăn, thách thức. Phó thủ tướng nói "trong thời gian sắp tới, không để xảy ra tiêu cực, không gây thất thoát tài sản của nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước; tăng cường giám sát, kiểm tra không để xảy ra dự án thua lỗ, thất thoát lớn".
Về quản lý tài nguyên môi trường, không để tình trạng cát tặc xảy ra nhiều nơi, gây bức xúc dư luận; ngừng việc cấp phép khai thác cát; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý, khởi tố hình sự những đối tượng tiếp tay cho cát tặc. Ngoài ra đối với việc phát triển rừng, phải khôi phục, bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt ở vùng miền núi; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời các chất vấn của các ĐB Ảnh: Ngọc Thắng
Phó thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo xử lý nghiêm những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Xử lý sớm tình trạng sạt lở, đặc biệt ở ĐBSCL; không để sạt lở gây chết người. Sắp tới, phải có giải pháp căn cơ ngăn chặn những tình trạng nói trên.
Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó thủ tướng cho rằng cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp đơn thư, tiếp công dân phải hiệu quả. Đối với việc xử lý tội phạm, không để xảy ra oan sai; đấu tranh hiệu quả tội phạm tham nhũng và tội phạm công nghệ cao.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ GT-VT giải trình về cao tốc Trung Lương, Phó thủ tướng có cho rằng đó là sự yếu kém của người chuyên môn không, sẽ kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư ở vùng đó? Vậy làm thế nào để đẩy nhanh dự án này để người dân ĐBSCL đỡ khó khăn.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đặt vấn đề, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lĩnh vực phòng chống tội phạm xảy ra nhức nhối... Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo từ cấp T.Ư đến địa phương nhằm khắc phục các ban chỉ đạo hiện nay; mỗi lần họp cơ quan chủ quản cử một người khác nhau họp thì không nắm bắt và chỉ đạo tốt được.
ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) lo ngại về cơ cấu lại nền nông nghiệp, khâu yếu và hạn chế là khâu quy hoạch; nên xảy ra tình trạng được mùa mất giá được giá mất mùa rồi giải cứu như thời gian vừa qua. ĐB muốn có giải pháp căn cơ nào đó để tình trạng này không xảy ra nữa.
Rà soát những dự án hiệu quả để ưu tiên đầu tư
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về đề xuất nghiên cứu bỏ biên chế, hợp đồng với viên chức, Phó thủ tướng cho biết đây là vấn đề liên quan đến chủ trương, pháp luật. Phó thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu kĩ đề xuất này, đó mới chỉ là ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé Ảnh: Ngọc Thắng
Đối với kết cấu hạ tầng ĐBSCL, đây là vùng trọng điểm về hàng hóa của cả nước, mật độ lớn nhất cả nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm kết cấu hạ tầng nhất là về giao thông. Từ 2011 - 2015 đã đầu tư 40 dự án, đang triển khai dở dang 26 dự án. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ở ĐBSCL, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ sẽ rà soát những dự án hiệu quả để ưu tiên đầu tư. Dự án cao tốc Trung Lương Cần Thơ có chậm, Chính phủ thấy sự yếu kém trong công tác quản lý, khó khăn do thu xếp vốn của Bộ GTVT. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì thực hiện giải pháp, nâng tiến độ, đủ vốn để thực hiện công trình theo quy hoạch để sớm đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Trả lời chất vấn của ĐB Ngô Thị Minh về sự phối hợp của các ban chỉ đạo liên ngành với địa phương yếu kém, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thừa nhận về thực trạng phối hợp kém hiệu quả này. Theo Phó thủ tướng, sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hiện nay có nhiều ban chỉ đạo liên ngành mang tính hình thức, không có hiệu quả. Sắp tới, Chính phủ sẽ có dự án đổi mới bộ máy tổ chức, ban chỉ đạo nào yếu, không hiệu quả Chính phủ sẽ bỏ.
Với câu hỏi của ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Phó thủ tướng hứa Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để đạt 2 mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới (dự kiến vốn là 193.000 tỉ đồng) và giảm nghèo bên vững. Ngoài ra, bộ ngành đề xuất cân đối vốn để giúp đỡ những người dân tộc thiểu số, vùng núi. Sẽ có chính sách kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước để tham gia 2 chương trình nói trên.
ĐB Ma Thị Thúy chất vấn tại hội trường Quốc hội Ảnh: Ngọc Thắng
Theo đó, Phó thủ tướng cho biết sẽ giải quyết một số tâm tư của bà con như giải quyết vấn đề đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, con em miền núi sẽ được đến trường không phải bỏ học.
Đối với ĐB Đinh Đăng Luận (Yên Bái) về việc các dự án hiện nay bị “treo”, chậm. Phó thủ tướng cho biết Chính phủ chỉ đạo bộ ngành địa phương tập trung vốn để xử lý nợ đọng và các dự án khởi công mới. Các dự án cần thiết, cần đẩy nhanh tiến độ, đều đã được Chính phủ tập trung giải quyết.
Trả lời ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về chính sách để tháo gỡ khó khăn ngành chăn nuôi, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc giải pháp bền vững là trách nhiệm của các cấp; cần phải tìm đầu ra ngoài thị trưởng cho bà con.
ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) Ảnh: Ngọc Thắng
Kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ
Nói về 12 dự án thất thoát gây lãng phí, còn dự án nào sẽ thất thoát tương tự và giải pháp thế nào? Phó thủ tướng cũng trăn trở và nói rằng đã thông tin rõ về 12 dự án thua lỗ, thất thoát. Sắp tới sẽ xử lý theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm người chịu trách nhiệm trực tiếp. Đã có 1 Phó thủ tướng làm trưởng ban để giải quyết hậu quả của 12 dự án thua lỗ này.
Chính phủ sẽ có giải pháp để xử lý như đối với 12 dự án "đắp chăn, đắp chiếu"; sẽ giải quyết trên tinh thần không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với người vi phạm, làm sao để không còn dự án thua lỗ.
Về vấn đề "được mùa mất giá", "giải cứu thịt heo, giải cứu chuối" sôi nổi trong phiên chất vấn. Phó thủ tướng nhấn mạnh nên đưa ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất hàng hóa, tìm đầu ra cho sản phẩm, tổ chức hợp tác xã kiểu mới, kết hợp 4 nhà - 5 nhà với nhà nông, hướng dẫn nông dân sản xuất có chất lượng cao mà không dư thừa; tái cơ cấu lại lao động.
Làm gì để bỏ "tư duy nhiệm kỳ"
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng các bộ trưởng trả lời có nhiều vấn đề vướng mắc trong việc triển khai thực hiện vì các bộ chưa thống nhất được bộ nào quản lý vấn đề nào nên các bộ cùng thực hiện, sự hài lòng đối với bộ của các địa phương chưa cao? Dẫn đến tình trạng có sự cắt khúc trong việc phát triển kinh tế xã hội, trong việc đầu tư nên đầu tư kém hiệu quả, Chính phủ sẽ làm gì để bỏ tư duy nhiệm kỳ? Giải pháp của Chính phủ để giúp các bộ thực hiện tốt vai trò của mình.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đông người đang diễn ra nhức nhối trên cả nước, Chính phủ có giải pháp nào để giải quyết? Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp nào để giảm tải ùn tắc giao thông?
ĐB Nguyễn Sĩ Cương hỏi về quan điểm của Chính phủ trong việc sản xuất phân bón giả ở Đồng Nai, Công an Đồng Nai đã hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án này. Để điều tra khách quan, trung thực thì có nên giao cho Công an tỉnh Đồng Nai hay không và sẽ xử lý vi phạm đó thế nào?
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn Ảnh: Ngọc Thắng
Thu hồi quyết định bổ nhiệm sai quy định
Một ĐB lo ngại về tình trạng "bổ nhiệm người nhà" gây phản ứng không tốt trong dư luận, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã kiểm tra những vụ việc báo chí phản ánh, rà soát tại 11 địa phương, phát hiện một số sai phạm trong việc tuyển dụng công chức. Ngay sau đó, Chính phủ đã thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai quy định, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm.
Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo trong việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; nhân sự các bộ ban ngành cần thực hiện nghiêm túc.
Đối với câu hỏi của ĐB Nguyễn Sĩ Cương về phân bón giả, Phó thủ tướng cho biết đã xin ý kiến của bộ ngành, vì có vướng mắc về luật, có cách hiểu khác nhau nên CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai đình chỉ vụ án, Viện KSND phê chuẩn nhưng dư luận không đồng tình. Đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ, kết luận chính xác.
“Kết luận khẳng định đó là phân bón giả, tôi giao cho Bộ Công an xem xét giải quyết lại, Viện KSND Tối cao có văn bản chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định phê chuẩn không khởi tố vụ án và phục hồi điều tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý đúng pháp luật”, Phó thủ tướng khẳng định.
Chính quyền không công tâm thì sẽ còn khiếu kiện đông người
Về vấn đề "khiếu nại, khiếu kiện đông người" mà ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề cập, Phó thủ tướng cho rằng nếu chính quyền không công tâm thì không giải quyết được.
Đối với công tác giải tỏa, đền bù, nếu quyền lợi người dân được giải quyết thỏa đáng thì sẽ khắc phục được tình trạng khiếu kiện; đối với chính quyền né tránh trách nhiệm, xử lý không đúng luật, sẽ bị xử lý nghiêm.
Riêng tình trạng ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Phó thủ tướng cho rằng do sự phát triển hạ tầng chưa cân đối, do điều hành chính quyền, do ý thức của người dân... Phó thủ tướng nhận định xã hội phải hình thành một lớp người mới, đưa việc giáo dục về an toàn giao thông ngay từ lớp mẫu giáo.
Phó thủ tướng ghi nhận ý kiến của ĐB về việc di dời trường học, bệnh viện, công sở ra ngoài trung tâm ngoại ô để giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông là chủ trương đúng, nhưng thực hiện thì phải lâu dài, có kế hoạch.
“Chúng ta không thể để các khu trung tâm thương mại lớn, cao ốc lớn giữa trung tâm TP được, phải phát triển vệ tinh đô thị, xe buýt ngầm, tàu điện ngầm... để chống ùn tắc giao thông. Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ tin học, cảm biến thông minh, phát hiện, xử lý nhanh ùn tắc giao thông...”, Phó thủ tướng nói thêm.
Chi ngân sách cao hơn thu GDP
Đối với việc chi ngân sách cao hơn thu GDP, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận quan ngại này của các ĐB là có cơ sở. Sắp tới, cần phải cơ cấu lại chi ngân sách, chỉ chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế. Trong một số trường hợp có lý do bất khả kháng như thiên tai dịch bệnh, an ninh quốc phòng thì cần phải chi, còn phải giảm những khoản chi không cần thiết về lễ tân, tiếp khách, đi nước ngoài.
ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) chất vấn, sau vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường, người dân lo ngại mức độ ô nhiễm, không biết môi trường biển miền trung đang trong tình trạng như thế nào? Nếu biển sạch thì sao Chính phủ lại khuyến cáo không đánh bắt cá tầng đáy? Chính phủ có biện pháp gì để ngăn chặn ô nhiễm ở Formosa tiếp tục xảy ra?
ĐB Đào Thị Như Hoa (Đà Nẵng) chất vấn, việc thu hồi số tiền tham nhũng hiện nay quá ít, tại sao không thể thu hồi số tiền tham nhũng và giải pháp?.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết không còn đủ thời gian để trả lời các ĐB tại phiên chất vấn này, vì vậy Phó thủ tướng sẽ trả lời cho ĐB bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng một số vấn đề chưa có giải pháp như mong đợi. Ở 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn, đề nghị Chính phủ, bộ ngành đưa ra ý kiến, giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để báo cáo Quốc hội kỳ họp sau.
Ngày mai (16.5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ giải trình ý kiến của ĐB Quốc hội về dự án luật Quản lý nợ công và Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình ý kiến của ĐB Quốc hội về dự án luật Tố cáo (sửa đổi).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.