Phù phép thịt bẩn thành đặc sản

12/07/2015 05:04 GMT+7

Thịt bẩn được phù phép thành đặc sản các loại cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, thậm chí lên kệ siêu thị.

Thịt bẩn được phù phép thành đặc sản các loại cung cấp cho quán ăn, nhà hàng, thậm chí lên kệ siêu thị.

Hai chai nước màu đỏ dùng để làm biến đổi màu sắc, mùi vị bị phát hiện tại cơ sở của bà Thy (ngụ Long An) Hai chai nước màu đỏ dùng để làm biến đổi màu sắc, mùi vị bị phát hiện tại cơ sở của bà Thy (ngụ Long An) - Ảnh: Hoàng Việt

Ngày 1.7, khi đoàn liên ngành Q.Bình Tân (TP.HCM) kiểm tra cơ sở trên đường số 3 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), bắt quả tang ông Mai Nhật Trường tổ chức sản xuất “chui” giò, chả. Hiện trường có gần 50 kg thịt heo đã xay (nguyên liệu sản xuất chả, giò) không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, không rõ nguồn gốc. Ông Trường khai nhận đi thuê cơ sở này để ở và sản xuất giò, chả bỏ mối cho các tiệm bán bánh mì, bánh cuốn.

Thịt bẩn + hóa chất = thịt đặc sản

Trước đó 1 ngày, đoàn liên ngành H.Bình Chánh đã phá một lò chuyên phù phép thịt bẩn thành đặc sản giả khi kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến sản phẩm động vật tại địa chỉ ấp 4A (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) do bà Kim Thy (thường trú tại Long An) làm chủ. Trong căn phòng chỉ khoảng 15 m2 ẩm thấp có 5 tủ cấp đông công nghiệp chất đầy thịt heo bán thành phẩm, thịt đóng gói ghi nhãn thịt đà điểu, nai, nhím, ngựa..., máy hút chân không, máy ép bao bì và bao bì, tem nhãn ghi thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím. Đáng lo hơn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hai chai nhựa bên trong chứa nước màu đỏ. Làm thử nghiệm nhanh bằng cách tẩm nước màu đỏ trong 2 chai nhựa này vào vỉ thịt heo cắt lát trong tủ đông thì thịt từ từ chuyển sang màu đỏ tươi.

Thực phẩm bẩn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM, cho rằng thịt bẩn dùng hóa chất cấm để biến đổi màu sắc, mùi vị thành các thịt khác (đặc sản thịt nhím, đà điểu, lạc đà...) chắc chắn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nguy hiểm cho người dùng.

Theo Trưởng trạm Thú y Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM) Nguyễn Hồng Triệu, chất lỏng màu đỏ trong 2 chai nhựa có tác dụng làm thay đổi tính chất vật lý của thịt. Từ đó, "biến" thịt heo thành các loại thịt giả khác. Bà Thy khai nhận hàng sản xuất ra bỏ cho các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn. Đoàn kiểm tra niêm phong tạm giữ hơn 650kg “đặc sản” thịt nai, đà điểu, nhím... giả. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 3 mẫu sản phẩm thịt đặc sản giả tại lò này bị nhiễm vi sinh.

Hàng chứa chất cấm vào siêu thị

Trước đó, ngày 9.6, đoàn liên ngành Bình Chánh còn phát hiện vụ dùng chất cấm chế biến bò viên khi kiểm tra hộ kinh doanh Pháp Việt (C2/19E2 ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) do ông Nguyễn Văn Bảo làm chủ. Tại hiện trường có hơn 2,1 tấn bò viên thành phẩm, nguyên liệu (thịt xay, thịt tươi), gần 100 kg thịt đông lạnh hết hạn sử dụng, toàn bộ không giấy kiểm dịch và 170 kg bột ngọt Trung Quốc, đường cát Thái Lan không hóa đơn chứng từ. Đáng sợ hơn là phát hiện đến 70 kg chất cấm Benzoate, một loại chất không được phép sử dụng trong sản phẩm chế biến từ thịt.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong tẩm ướp, bảo quản, gian lận thực phẩm diễn ra ngày càng nhiều. Cách đây chưa lâu, lực lượng cảnh sát kiểm tra Công ty thực phẩm H.B (Q.Tân Phú) cũng đã phát hiện chất cấm. Tại đây, dụng cụ sản xuất, nguyên liệu sản xuất đặt ngay ở nền sàn ẩm ướt, sát miệng cống nước thải và gần nhà vệ sinh. Sản phẩm công ty đưa ra thị trường là bò viên, cá viên, heo viên nhưng trong kho lại chứa rất nhiều thịt trâu. Một cán bộ đoàn kiểm tra nhận định, công ty này dùng thịt trâu để làm bò viên và sử dụng rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, trong đó có nhiều loại không nhãn mác, có loại cả bột màu trắng mà kiểm tra nhanh sau đó cho biết đó là hàn the, một chất cấm dùng trong thực phẩm.

Đặc biệt, thông tin trên các thùng hàng tại công ty này chuẩn bị giao cho các siêu thị, trong đó có cả các siêu thị lớn. Theo khảo sát của Thanh Niên, sản phẩm công ty này có mặt trên kệ hầu hết siêu thị lớn tại TP.HCM. Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, các siêu thị âm thầm cho thu hồi thực phẩm “bẩn” của công ty này khỏi kệ.

Đặc sản giả sau khi được “phù phép”Đặc sản giả sau khi được “phù phép”

Nói về việc thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM, cho rằng kiểu quản lý, xử lý hiện nay vừa tốn kém, không hiệu quả, không phù hợp thực tế. Đặc biệt công tác phối hợp các đoàn liên ngành lỏng lẻo, không hiệu quả. Trong đoàn kiểm tra lực lượng chính lại không có quyền lực, công cụ có thể điều tra, truy xét, xử lý vụ vi phạm đến cùng. Lực lượng có quyền thì chỉ tham gia với vai trò lực lượng hỗ trợ, cho có mặt, cho đủ ban ngành theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.