Phú Yên: Ngang nhiên lấp sông làm đường khai thác cát

11/10/2017 13:13 GMT+7

Chỉ được cấp phép mỏ cát, không quy hoạch và cấp phép đường dẫn vào mỏ để khai thác cát, các doanh nghiệp ngang nhiên dùng chất thải vật liệu xây dựng làm đường dân ra sông Ba để vận chuyển cát.

Doanh nghiệp tự 'nghiên cứu' đường khai thác cát
Theo chân đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Phú Yên (ngày 9.10) đến hiện trường khai thác cát trên sông Ba (hay còn gọi là sông Đà Rằng) đoạn qua xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa) và xã Hòa An (H.Phú Hòa), PV Thanh Niên ghi nhận chất thải vật liệu xây dựng như gạch xà bần, đá chẻ san lấp làm đường ra tận mỏ khai thác cát nằm giữa sông.
Ông Phạm Khi, Phó chủ tịch UBND H.Phú Hòa, cho biết mỏ cát giữa sông là của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng (CPVLXD) Phú Yên, do UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác. Mỏ cát nằm trên địa bàn 2 huyện: Phú Hòa (2,4 ha) và Đông Hòa (29,07 ha).
Để khai thác cát, Công ty CPVLXD Phú Yên đã tự ý dùng đá chẻ, gạch xà bần đổ đường dẫn ra giữa sông, đồng thời dùng cát phủ nhằm qua mắt đoàn khảo sát.
“Do cấp phép khai thác mỏ cát nằm giữa sông mà lại không quy hoạch đường dẫn vào nên doanh nghiệp tự “nghiên cứu” đường vào khai thác, chứ không phải tự ý làm đường. Các cơ quan chức năng quy hoạch đường dẫn và bằng vật liệu gì để chúng tôi biết mà làm”, ông Nguyễn Văn Trúc, Phó giám đốc Công ty CPVLXD Phú Yên, nói.
Công ty CPVLXD Phú Yên dùng cát để “ngụy trang” đất đá đã đổ xuống giữa dòng sông Ba nhằm qua mắt đoàn khảo sát Ảnh: Đức Huy
Ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, cho biết không chỉ Công ty CPVLDX Phú Yên mở 560 m đường, các doanh nghiệp khác như Công ty CP Hồng Phúc cũng tự ý mở 400 m đường, Công ty TNHH Bình An Phú Yên mở 500 m và HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (NNKDTH) Đông Hòa An (H.Phú Hòa) mở 400 m đường để khai thác các mỏ cát trên sông Ba.

Doanh nghiệp dùng chất thải vật liệu xây dựng đổ xuống sông hàng cây số, chắn hết dòng chảy nên khi khôi phục môi trường phải tốn hàng tỉ đồng, nhưng chỉ đóng vài chục triệu đồng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường như vậy là chưa đảm bảo.

Ông Phan Quốc Thắng
Phó trưởng ban thường trực
Ban Tổ chức Tỉnh ủy,
đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên

“Trong quá trình thực hiện, các đơn vị tự ý sử dụng chất phế thải vật liệu xây dựng để mở đường riêng vào khu vực khai thác là chưa đúng với phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; báo cáo giám sát môi trường chưa được thực hiện”, ông Lộc cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tứ, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, cho rằng lâu nay quy hoạch mỏ cát không ai quy hoạch giữa sông. Hơn nữa, khai thác tận thu cát trên lòng sông là để khơi thông dòng chảy, chứ đâu phải lấp, chặn dòng chảy. Việc khai thác này chỉ dùng máy múc chứ không phải dùng máy hút cát.
Khi đi khảo sát thực tế, ông Phan Quốc Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên, lấy làm lo lắng: “Doanh nghiệp dùng chất thải vật liệu xây dựng đổ xuống sông hàng cây số, chắn hết dòng chảy nên khi khôi phục môi trường phải tốn hàng tỉ đồng, nhưng chỉ đóng vài chục triệu đồng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường như vậy là chưa đảm bảo”.
Hệ lụy: Sạt lở và dòng chảy chết
Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hòa), cho biết việc doanh nghiệp đổ chất thải vật liệu xây dựng lên cao làm cho dòng chảy thay đổi, gây sạt lở đất sản xuất của người dân. “Đổ chất thải vật liệu xuống sông sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường”, ông Thái nói.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An (H.Phú Hòa), cũng phàn nàn, chính vì các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Ba đã tự tiện dùng chất thải xây dựng san lấp làm đường nội bộ vận chuyển cát đã gây ra sạt hơn nhiều ha đất sản xuất của người dân xã Hòa An.
Xà bần đồ đầy dọc sông Ba đoạn qua xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa Ảnh: Đức Huy
Khác với phản ánh của chính quyền địa phương, ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, lại nói: “Chưa phát hiện có trường hợp khai thác cát gây sạt lở bờ sông”. Và trước thực trạng các doanh nghiệp bất chấp dùng chất thải vật liệu lấp sông làm đường vào mỏ cát, ông Lộc cũng chỉ đề nghị các doanh nghiệp rút kinh nghiệm.
Đoàn khảo sát HĐND tỉnh Phú Yên đi thực địa các mỏ cát trên sông Ba
Hệ lụy của việc việc lấp sông làm đường vận chuyển cát là một đoạn dòng chảy chết chừng hơn 2 km dọc theo sông Ba thuộc xã Hòa An (H.Phú Hòa).
Bà Đào Bảo Minh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên, khẳng định do lấp dòng mới tạo ra dòng chảy chết như vậy. “Đề nghị Sở TN-MT tỉnh Phú Yên làm rõ các doanh nghiệp thu bao nhiêu và nhà nước thất thoát tài nguyên bao nhiêu”, bà Minh nói.
Bà Minh cũng cho biết thêm khi còn làm Chủ tịch TP.Tuy Hòa, đã có văn bản không đồng ý cấp phép khai thác mỏ cát trên sông Ba vì nó tác động đến môi trường, tuy nhiên, sau đó Sở TN-MT tỉnh Phú Yên vẫn cấp phép.
Mỏ cát của Công ty CPVLXD Phú Yên nằm giữa dòng sông Ba Ảnh: Đức Huy
“Khi quy hoạch, cấp phép mỏ các thì phải chú ý đến ý kiến của địa phương”, bà Minh đề nghị và cho rằng quy hoạch cấp phép các mỏ cát trên sông Ba có nhiều bất cấp nên sẽ kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND tỉnh Phú Yên rà soát lại quy hoạch trước đây.
“Bất cập là khi quy hoạch mỏ mà không có quy hoạch hệ thống đường công vụ, bởi lẽ quy hoạch như thế nên các đơn vị muốn làm gì thì làm để đưa xe mình ra tận mỏ để vận chuyển tài nguyên. Như vậy nó làm cản trở dòng chảy, chứ không phải khai thác để khởi thông dòng chảy như trong mục đích và yêu cầu đã cấp phép”, bà Minh nói thẳng và đề nghị Sở TN-MT tỉnh Phú Yên và chính quyền địa phương yêu cầu các doanh nghiệp thu hồi toàn bộ số chất thải vật liệu đã dùng để san lấp đường nội bộ vào mỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.