Phúc lợi tốt hơn cho người lao động

02/05/2016 06:16 GMT+7

“Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” là chủ đề được Tổng liên đoàn Lao động VN lựa chọn trong Tháng Công nhân 2016 (tháng 5.2016).

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN), cho biết đây là năm thứ 6 Tháng Công nhân được Tổng LĐLĐ VN tổ chức. Với mục tiêu ngày càng có nhiều người lao động (NLĐ) được làm việc trong môi trường tốt; giúp họ thực sự yên tâm lao động, gắn bó với doanh nghiệp (DN), cống hiến xây dựng quê hương, đất nước, Tổng LĐLĐ VN đã chọn chủ đề “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”.
Trên thực tế một số chính sách, chế độ quy định về quyền lợi của NLĐ chưa thực hiện một cách nghiêm chỉnh, phần lớn NLĐ ở khu vực ngoài quốc doanh chưa được ký kết hợp đồng lao động, tiền lương thấp, thời gian lao động kéo dài, điều kiện làm việc không đảm bảo... cá biệt còn có DN ngược đãi NLĐ, ông nghĩ sao về điều này?
Nhìn nhận một cách tổng thể và công bằng, đa phần các DN hiện nay đều tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với NLĐ. Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ DN vi phạm pháp luật lao động, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là của NLĐ chưa được đảm bảo, tính nghiêm minh của pháp luật chưa được tôn trọng. Nhiều DN cố tình trốn tránh các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với NLĐ theo quy định của pháp luật nhằm cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để thu được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Điều này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ.
Phúc lợi tốt hơn cho người lao động 2
Ông Lê Trọng Sang, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN) Ảnh: V.Lâm
Tôi tin đa phần các DN làm ăn nghiêm túc sẽ có quan điểm chung với tổ chức công đoàn và hết sức lên án những trường hợp vi phạm pháp luật. Những DN này sẽ bị xử lý bởi các cơ quan chức năng, bị NLĐ và các chủ hàng tẩy chay. Bản thân họ nếu không nhanh chóng tuân thủ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn lao động quốc tế, không quan tâm đến nguồn lực quý giá nhất là NLĐ thì khi VN đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, họ sẽ tự loại mình ra khỏi thị trường, ra khỏi cộng đồng DN đang ngày càng lớn mạnh và hướng tới sự phát triển bền vững tại VN.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, từ năm 1994 khi bộ luật Lao động được thông qua, VN đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công và tất cả đều là đình công tự phát. Có ý kiến cho rằng, công đoàn cơ sở chưa đại diện cho NLĐ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động?
Đúng là có một thực tế, tất cả các cuộc ngừng việc, đình công tại VN thời gian qua đều là tự phát, không do tổ chức công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân về quy định pháp luật, về thái độ hợp tác và ứng xử của người sử dụng lao động đối với NLĐ, vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn và cả về phía NLĐ.
Một đặc thù khác của VN, cán bộ công đoàn ở cơ sở đa phần đều là kiêm nhiệm, công việc chính của họ vẫn gắn với một chuyên môn nhất định nên phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Còn NLĐ lại hạn chế về hiểu biết pháp luật, tính “tự phát” cao. Hơn nữa, quy định của pháp luật “rất khó” để áp dụng và đưa một cuộc đình công vào đúng trình tự quy định. Thực tế cho thấy, ngay tại nhiều công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn làm rất tốt vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, sẵn sàng đại diện NLĐ đấu tranh vì quyền lợi của NLĐ nhưng trước những rào cản trên khiến họ không thể nào thực thi được quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong việc lãnh đạo và tổ chức đình công.
Tới đây sau khi gia nhập TPP, NLĐ được phép thành lập tổ chức của mình trong DN. Đây là thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn, để cạnh tranh với các tổ chức nằm ngoài hệ thống, Tổng LĐLĐ VN sẽ có giải pháp gì, thưa ông?
Khi TPP được phê chuẩn và thực thi tại VN, có thể có 2 tổ chức cùng đại diện tập thể lao động hoạt động trong cùng một DN. NLĐ có thể chọn lựa tổ chức đại diện của mình để tham gia. Đây là thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn VN trong thời gian tới. Do đó, Tổng LĐLĐ VN phải đổi mới hoạt động của mình “Hướng về cơ sở”, sát với những yêu cầu, bức xúc của NLĐ bằng những hình thức, cách làm thiết thực, cụ thể, thực chất; đẩy mạnh thực hiện chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Trước mắt, Tổng LĐLĐ tập trung chỉ đạo tăng cường vai trò của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vì đây là 2 cấp gần nhất với NLĐ tại DN, hiểu biết và thường xuyên tiếp xúc với NLĐ. Chú trọng đổi mới xây dựng, ký kết thực hiện thỏa ước lao động tập thể bằng cách những điều đưa vào thỏa ước phải có lợi hơn quy định pháp luật như: tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, phúc lợi... để NLĐ giám sát. Qua đó thúc đẩy việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở.
Tôi cho rằng, khi lợi ích của mình được bảo vệ, NLĐ mới gần gũi, gắn bó với công đoàn và công đoàn cũng khẳng định được vai trò của mình trước những thử thách.
Các vụ ngộ độc tập thể xảy ra ngày một nhiều, chỉ riêng 10 tháng của năm 2015, ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, với 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Trong số đó, ngộ độc từ bếp ăn tập thể, có 33 vụ làm 2.302 người mắc, 2.268 người đi viện. Điều đáng nói, chất lượng bữa ăn, không chỉ gây nguy cơ ngộ độc cao mà còn chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động. Kết quả khảo sát do Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố, bữa ăn công nhân tại các công ty trong KCN có giá 8.000 - 10.000 đồng/bữa. Còn tại các nhà trọ, nhóm công nhân, bữa ăn phổ biến có giá 3.000 đồng/bữa ăn/người. Một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca không đảm bảo...
Theo Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Văn Ngàng, từ năm 2016, các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng, khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn ca cao hơn và không đưa những chi phí khác (gas, vận chuyển, phục vụ ...) vào chi phí của bữa ăn ca.
Đối với DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ, thì công đoàn cơ sở sẽ thực hiện khởi kiện hoặc đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khởi kiện giám đốc DN. Tổng LĐLĐ VN cũng đang nghiên cứu, khảo sát định mức nhu cầu dinh dưỡng, xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, bữa ăn ca cho NLĐ một số ngành nghề.
Phát triển quỹ nhà ở cho công nhân
Theo ước tính của Tổng LĐLĐ VN, có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc tại các KCN-KCX trên cả nước, trong đó, có 20% NLĐ có chỗ ở ổn định, còn lại phải tự tìm thuê nhà trọ của các hộ dân xung quanh KCN, chỗ ở tạm bợ, nhếch nhác, điều kiện vệ sinh không đảm bảo với diện tích sử dụng bình quân 2 - 3 m2/người... ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống NLĐ. Mặc dù hầu hết các địa phương đã có quy hoạch và chương trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ VN), việc triển khai thực hiện còn rất hạn chế.
Tổng LĐLĐ VN và Bộ Xây dựng cũng đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 để công nhân có chỗ ở chất lượng hơn. Trong chương trình này, Tổng LĐLĐ VN kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chính sách nhà ở đối với công nhân lao động tại các KCN, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài KCN theo hướng nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội để cho thuê. Đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, vốn, tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc thuê mua.
Tính đến hết năm 2015, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ. Riêng trong năm 2015, 20 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 8.273 căn hộ. Hiện có 63 dự án đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.