Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng

23/05/2017 07:44 GMT+7

Hôm qua (22.5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Thách thức chỉ tiêu tăng trưởng
Nội dung đầu tiên là QH nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 do Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết tăng trưởng cả năm 2016 thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%), nhưng cao hơn mức của các năm từ 2008 - 2014. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý 1/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước triển khai còn chậm. Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn của ngành công thương đã có nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến như các nhà máy sản xuất phân bón và nhà máy thép tại Lào Cai. Dù vậy, Phó thủ tướng cho rằng thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như QH đã đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nhìn nhận tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý 1/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Cơ quan thẩm tra cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%.
Ủy ban Kinh tế cho hay có ý kiến đề nghị phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững. Tăng trưởng quý 1/2017 ở mức thấp có nguyên nhân từ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới.
“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm, sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng”, báo cáo thẩm tra nêu.
Bức xúc chuyện bổ nhiệm người nhà
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, vấn đề kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp còn nhiều bức xúc trong dư luận, mặc dù Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức. Theo đó, công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; Sở NN-PTNT Thanh Hóa có 8 phó giám đốc... Thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu.
Về công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội, dù đạt được những kết quả tích cực song vẫn còn một số địa bàn diễn biến phức tạp, một số vụ trọng án, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh những điểm nóng, phần lớn liên quan đến đất đai. Chính phủ nhìn nhận đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, kéo dài gây mất an ninh, trật tự ở một số địa bàn thời gian vừa qua. Báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất “chui” kéo dài trong nhiều năm, đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách nhà nước không thu được. Công tác quản lý đất đai yếu kém, thu hồi, đền bù thiếu minh bạch, thiếu hợp lý tại cơ sở và chưa thực hiện nghiêm túc quy định về đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ
Chiều cùng ngày, QH nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, đáng chú ý là các biện pháp về xử lý nợ xấu.
Theo tờ trình, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án “xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và đề án “thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN” (VAMC), thì đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.
Từ đó, dự thảo nghị quyết đã có những quy định cần thiết về bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ như: tổ chức tín dụng, VAMC được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ; VAMC được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng; chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường; VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân; Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp...
Chí Hiếu
Trước giờ khai mạc, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các đại biểu QH đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, QH đã họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua chương trình kỳ họp và trao đổi một số vấn đề cần thiết. Các vị đại biểu QH mặc niệm ông Ngô Văn Minh, Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Nam, mới từ trần.
Dự phiên khai mạc có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Cùng tham dự có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; các vị lão thành cách mạng; đại biểu QH các khóa trước, cùng các đại biểu QH khóa 14; đại diện đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Nhiều sai phạm xung quanh các dự án BT, BOT
Chiều 22.5, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày trước QH báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Đây là tổng hợp kết quả kiểm toán của 276 báo cáo kiểm toán tại 204 đơn vị được kiểm toán trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là nội dung liên quan đến các dự án BOT, BT. Kết quả kiểm toán cho thấy, ngoài các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng - xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỉ đồng, trong đó sai khối lượng 180,37 tỉ đồng, sai định mức 41,64 tỉ đồng, sai đơn giá 143,17 tỉ đồng, sai khác hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán 785,28 tỉ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày đối với dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488 - Km 1525 tỉnh Khánh Hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.