Ra Hoàng Sa hương khói cho cha

05/02/2017 10:00 GMT+7

Con trai đi biển, bà mẹ nhắn chừng: 'Ra Hoàng Sa thăm ba, nhắn chừng mọi chuyện với ổng!'.

Ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) có một gia đình ngư dân thường mong đến ngày tiễn con cháu ra Hoàng Sa đánh cá. Đó là gia đình bà Trần Thị Thu. Con trai đi biển, bà nhắn chừng: “Ra Hoàng Sa thăm ba, nhắn chừng mọi chuyện với ổng!”.
Qua đảo nghe tiếng cha
“Cát Vàng, Bom Bay...”, tiếng các ngư dân la to ngoài boong tàu làm không khí các khoang đều nhộn nhạo. Đó là lúc tàu cá QNa 91027 TS từ ngoài khơi vào đất liền và đi qua tọa độ 15 độ 56 phút bắc - 112 độ 31 phút kinh đông và đi sát đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa. Theo hướng tay ngư dân chỉ, cách tàu vài hải lý về hướng tây nam thấp thoáng một cột đèn biển màu trắng. Đó là nơi trú chân của tàu cá VN, cũng nơi này nhiều ngư dân bỏ mạng trong những cơn bão biển.
Tàu cá đi qua đảo Bom Bay, 15 ngư dân trên tàu, mỗi người dường như ai cũng nói đến một kỷ niệm về hòn đảo này. Vào giờ phút đó, ngư dân Nguyễn Tấn Đại đứng trên tàu cá lặng lẽ nhìn về phía cột đèn, ánh mắt trân trối, tâm tưởng chìm vào sự tĩnh lặng để bật ra những hình ảnh, âm thanh từ trong quá khứ đã chôn chặt trong ký ức. Đó là một cuốn phim quay chậm về đảo Bom Bay.
Anh Đại kể, “mỗi lần đi qua Bom Bay, trong tâm tưởng tôi lại vang lên tiếng người cha: Đại ơi ba rớt rồi!”. Tiếng kêu đó cứ lặp đi lặp lại, tiếng vọng dội từ ký ức xuống trái tim, bóp nghẹt nhịp đập, làm dòng nước mắt anh mỗi lần nhớ đến không khỏi tuôn trào.
Năm 1987, khi đất nước bước vào đổi mới, lão ngư Nguyễn Biểu, cha anh, đã tích cóp sắm được một chiếc thuyền dài gần 10 m và kéo các ngư dân đi câu mực ở Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi trở về, ngư dân kiếm được 3 - 4 chỉ vàng, thu nhập cao hơn nuôi 3 con heo cả năm trời ở nhà.
Ra Hoàng Sa hương khói cho cha 1
Bà Thu tiễn con đi biển với lời nhắn “ra Hoàng Sa thăm cha” Ảnh: Văn Chương
Tháng 5.1991, ông Biểu chuẩn bị ghe ra Hoàng Sa cùng con trai là Nguyễn Tấn Đại, năm đó 28 tuổi. Cậu con trai khác là Nguyễn Văn Nghị mới 14 tuổi cũng nhanh nhảu “ba cho con đi theo ra Cát Vàng câu mực”. Vậy là 3 cha con khởi hành trên con thuyền có công suất máy chỉ 12 mã lực. 9 ngư dân khác trên thuyền đều là những hàng xóm láng giềng.
Thuyền ra đảo Bom Bay câu được ít ngày thì chiếc đèn gió làm bằng ống tre cắm ở mũi thuyền tự dưng lay chuyển mạnh. Ông Biểu nhìn lên bầu trời sao và nói, “sắp có gió lớn lắm mà sao không hay”. Trong đêm tối, sóng biển nhanh chóng trở thành hàng ngàn con quái vật xô đẩy con thuyền. Ông Biểu bò ra mũi thuyền để kiểm tra dây neo rồi la thất thanh: “Ba rớt rồi Đại ơi!”.
Ông cậu hai ngồi giữa thuyền, quấn chiếc chiếu rách cho đỡ lạnh vội tung người về phía trước và nắm được bàn tay của ông Biểu. Nhưng chỉ một nhịp sóng, ông Biểu đã biến mất dưới biển Hoàng Sa đen ngòm. Mọi người nhắm mắt chờ chết thì một lát sau con thuyền bỗng bình lặng như đang đi trên sông. Cậu hai gạt nước mắt nói: “Cha con rất linh thiêng. Ổng vừa mất đã về đỡ thuyền cho khỏi chìm”.
Sau bão, 8 ngư dân căng áo mưa làm buồm rồi phó mặc cho gió đưa đẩy. Sau 19 ngày đói, khát và sắp chết khô, các ngư dân đặt chân lên được đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ngư dân chia thành 2 đoàn mang theo can và chậu để xin gạo và dầu. Một người VN quê ở tỉnh Quảng Ninh, lấy vợ ở Hải Nam đã tận tình đứng ra giúp đỡ ngư dân bị nạn. Ngày thuyền rời Hải Nam về nước, anh dẫn các ngư dân ra quán cóc ven biển để thết đãi món bắp rang với rượu.
Thuyền hành trình về đến nhà là vừa tròn 29 ngày. Các ngư dân gõ cửa gia đình vào lúc 4 giờ sáng và vô cùng ngạc nhiên, vì các bà vợ đều hét lên với giọng cầu xin: “Anh không về phù hộ mẹ con em mà sao lại làm ma về nhát em...”. Anh Đại vội chạy sang quán bán tạp hóa gõ cửa mua 2 dây pháo, hồi đó nhà nước còn chưa cấm, mang treo ở cửa sổ nhà 2 ngư dân đi cùng rồi đốt. Tiếng pháo vang trời đã khiến làng chài sửng sốt tung cửa dậy và hò reo khi thấy đám ngư dân tưởng ra ma, giờ lại về nhà.
Ra Hoàng Sa hương khói cho cha 2
Đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa Ảnh: Văn Chương
Bà nội nói chừng với ông
Ngư dân Nguyễn Tấn Đại trở về ngôi nhà tranh ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang trong lúc bà mẹ đã lập bàn thờ với 3 bát hương cho 3 cha con. Sau cơn bão, cả nhà nhìn ra biển với cảm giác hãi hùng. Các ngư dân đi trên tàu là Năm Quyết, Ba Trí, Triều, Quang đều giã từ nghề biển. Anh Đại nhìn ánh mắt người mẹ và hiểu ý nguyện của bà. Anh quyết định vay mượn để đóng lại tàu mới: “Con phải đi ra đó thăm ba, ổng ở Cát Vàng chắc lạnh lẽo lắm...”.
Anh Đại phải thuyết phục cán bộ ngân hàng về tài sản là ngôi nhà tranh và được thông cảm cho vay 25 triệu đồng để đóng tàu. Con tàu mới lớn hơn tàu của cha anh, công suất máy 45 mã lực, dài 13,5 m. Tàu chở các ngư dân ở Tam Quang tiếp tục ra Hoàng Sa câu mực khơi.
Mỗi khi tàu nhổ neo, bà Trần Thị Thu lại chuẩn bị chuối, bánh, hương đèn đặt lên tàu và dặn “ra đó cúng cha, để ổng đỡ lạnh lẽo rồi quở trách”. Tàu ra khơi, bà thắp hương khấn vái, báo chừng với ông Biểu rằng, con trai đang ra đó, ông cố gắng phù hộ nó nghe ông.
Công nghệ cách đây hơn 20 năm còn lạc hậu, các ngư dân ra biển không có máy thông tin, chỉ có một chiếc đài cũ kỹ để nắm thông tin dự báo thời tiết của Đài tiếng nói VN. Sóng yếu nên lúc nghe lúc không. Có khi nghe được đoạn đầu thì mất đoạn giữa. Hồi đó các tàu cá khi gặp nhau ở Hoàng Sa thì cố cập lại gần để “khớp nối” thông tin nghe được để có một bản tin dự báo thời tiết hoàn chỉnh. Chính cách nắm thông tin phập phù như vậy đã khiến con tàu tiếp tục bị dính bão 2 lần nữa ở đảo Bom Bay. Đến năm 1999, anh Đại phải bán tàu, vì máy tàu quá cũ nên tàu ra biển hay hư hỏng khiến đi chuyến lỗ nhiều hơn chuyến có dư, rồi riết vướng phải nợ nần.
Từ thuyền trưởng trở thành thợ câu mực và đi bạn. Không phải là người quyết định hành trình, anh theo tàu xuôi ngược ra Trường Sa, thỉnh thoảng mới quay trở lại Hoàng Sa thăm cha. Đến khi gom góp được ít vốn, anh và cậu con trai là Nguyễn Tấn Sơn lại sắm con tàu nhỏ để làm nghề đi câu và tiếp tục trở lại Hoàng Sa. Anh Đại chia sẻ: “Tàu cá của con trai đang đi câu ở Hoàng Sa cũng còn rất nhỏ, chỉ dài 12,5 m. Chỉ mong được đóng tàu thép để tiếp tục bám biển Hoàng Sa...”.
Hơn 20 năm với câu chuyện Hoàng Sa, bà Thu, vợ lão ngư Nguyễn Biểu đã về già. Mùa đông gió lạnh, bà lại sốt ruột mong ngày lặng sóng để con cháu ra thăm cha. Giờ thì có khi không phải nhờ con trai nữa, một thế hệ của gia đình lại tiếp nối truyền thống nhưng cũng chính là giữ gìn hương khói cho người đã khuất. Mỗi lần tàu đi câu cá hố, bà gửi theo hương đèn để cháu cúng ông nội. Bây giờ ở trong đất liền Quảng Nam, bà Thu đã có thể nghe rõ lời đứa cháu, thuyền trưởng Nguyễn Tấn Sơn thỉnh thoảng từ Hoàng Sa nhắn qua máy Icom về nhà: “Bà nội ơi, bà vái ông phù hộ cho luồng cá tốt nha bà...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.