(TNO) Thời gian gần đây, tình trạng rắn lục đuôi đỏ cắn người khi thu hoạch cà phê, tiêu tăng lên khiến nông dân lo ngại.
Một bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn sưng tấy bàn tay đang điều trị tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk. |
Khi phát hiện một con rắn màu xanh, đuôi đỏ đang đu đưa trên cành cà phê, bà Mai mới biết mình bị rắn cắn, sau đó bà được đưa vào BVĐK tỉnh trong tình trạng bàn tay bị sưng tấy, bầm tím. Theo các bác sĩ, bà Mai phải chữa trị tại bệnh viện khoảng 3 - 4 ngày.
Cũng trong vườn cà phê, bà Vũ Thị Mỵ, ở thị trấn Đức An, H.Đắk Song (Đắk Nông), khi đang cúi người nhặt trái cà phê dưới đất thì bị một con rắn lục đuôi đỏ mổ vào đầu, may là có mái tóc dày che chắn nên vết rắn cắn không sâu, không gây sưng tấy lớn. Người nhà đưa bà Mỵ đến BVĐK huyện nhưng ở đây không có huyết thanh điều trị nên bà phải chuyển viện đến BVĐK tỉnh Đắk Lắk.
Người dân được khuyến cáo phòng ngừa rắn cắn khi thu hái cà phê
|
Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BVĐK tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, cứ đến mùa vụ thu hoạch cà phê, tiêu trên địa bàn tỉnh là số lượng bệnh nhân do rắn cắn phải vào điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tăng đột biến. Hơn một tháng qua (trùng với thời gian vào vụ thu hái cà phê), bình quân mỗi ngày có 2 - 3 bệnh nhân nhập viện, cao điểm có ngày tới 5 - 6 ca .
Trong một công trình nghiên cứu về phòng ngừa và chữa trị rắn cắn của mình, bác sĩ Nhựt cho rằng Đắk Lắk có diện tích cà phê hơn 200.000 ha, tiêu 16.000 ha là môi trường sinh sống ưa thích và rộng lớn cho loại rắn chuyên leo cây như rắn lục đuôi đỏ.
Bác sĩ Nhựt nhận định để tránh hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó, nhưng người dân có thể áp dụng các biện pháp để giảm nguy cơ bị rắn cắn. Đó là phải có hiểu biết về loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp để cảnh giác; đặc biệt thời điểm rắn dễ xuất hiện như sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, thu hoạch mùa màng, hoặc thời gian ban đêm…
Người dân cần cố gắng đi ủng, giày cao cổ, mặc quần dài khi đi trong đêm tối, đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc rẫy, khu vực nhiều cây cỏ; dùng đèn nếu ở trong bóng tối hoặc vào ban đêm. Không nên để trẻ em chơi ở khu vực có rắn; đặc biệt không cho trẻ em chơi các đồ chơi bằng rắn giả vì dễ dẫn đến nguy cơ các em ngộ nhận, không phân biệt được rắn thật và rắn giả…
“Theo kinh nghiệm của nhà nông chúng tôi thu thập được, để an toàn sản xuất, tránh rắn cắn, trước khi thu hoạch cà phê vài ngày, người dân nên phun thuốc khử côn trùng vườn cây bằng chế phẩm sinh học để tiêu diệt, xua đuổi côn trùng và cũng khiến rắn bỏ đi”, bác sĩ Nhựt chia sẻ.
Sơ cứu rất quan trọng
Theo bác sĩ Nhựt, sau khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần được sơ cứu ngay trước khi chuyển đến bệnh viện. Người khác cần động viên bệnh nhân yên tâm, tránh lo lắng; không để bệnh nhân tự đi lại, chạy nhảy. Phải cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị rắn cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
Áp dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm xuất hiện triệu chứng liệt khi bị một số loài rắn hổ cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ…
|
Chưa lý giải được rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều
Ông Đỗ Ngọc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ quan, tổ chức khoa học nào chuyên nghiên cứu đánh giá về đời sống, tập tính sinh sản của các loài bò sát, kể cả rắn lục đuôi đỏ, nên chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân loài rắn này xuất hiện nhiều ở các vườn rẫy. Theo ông Dũng, vì chưa có nghiên cứu nên cũng chưa thể khẳng định đúng về thông tin cho rằng rừng tự nhiên bị thu hẹp, khiến các loài động vật hoang dã khác là “thiên địch” của rắn như chồn không còn đất sống khiến rắn phát triển mạnh.
“Tuy nhiên, trong tự nhiên luôn có sự cân bằng sinh thái, nếu vì tránh bị cắn mà chúng ta tận diệt loài rắn lục đuôi đỏ thì biết đâu có các loài động vật khác như chuột lại sinh sôi nhiều hơn, gây hại lớn hơn cho đời sống, sản xuất của con người”, ông Dũng nói.
|
Bình luận (0)