'Robinson' trên đảo Hòn Hải

27/12/2015 10:50 GMT+7

Nửa năm chờ đợi và 3 lần ra TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng phải hoãn lại vì thời tiết, cuối cùng chúng tôi cũng được theo tàu 375 của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ (Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) rời cảng Cam Ranh, ra với đảo Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận).

Nửa năm chờ đợi và 3 lần ra TP.Nha Trang (Khánh Hòa), nhưng phải hoãn lại vì thời tiết, cuối cùng chúng tôi cũng được theo tàu 375 của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải nam Trung bộ (Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) rời cảng Cam Ranh, ra với đảo Hòn Hải (Phú Quý, Bình Thuận).

Chuẩn bị tiếp cận đảoChuẩn bị tiếp cận đảo
Giám đốc Công ty Bùi Đức Thắng - người nhiều năm gắn bó với hải đăng Trường Sa, tiễn tôi ra tận cầu cảng, bảo: “Phải đi ngay lúc biển êm, nếu không sẽ mất tết!” và khẳng định: “Hòn Hải vất vả hơn Trường Sa nhiều!”...
“Hiếm có, khó tìm”
Tàu 375 của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) nam Trung bộ trọng tải 50 tấn, sản xuất từ năm 1974 và là tàu không số của Đoàn 125 - Quân chủng Hải quân. Bé tí và cũ kỹ. Thuyền trưởng Văn sau hồi tính toán trên hải đồ, dặn tôi: “Tàu chỉ chạy được tối đa 12 km/giờ. Nếu xuôi sóng thế này, khoảng 12 tiếng sau sẽ tới Hòn Hải!”.
4 giờ, thủy thủ Huy kéo áo tôi: “Sắp đến rồi!” và chỉ ra phía trước: Trong màn đêm đen đặc, đều đặn lóe lên những tia sáng hình rẻ quạt, lưng lửng biển và trời. Cả tàu nhộn nhạo, người leo lên nóc bật đèn pha, tốp gò lưng mở hầm hàng chuyển đồ tiếp tế lên boong, nhóm tập trung thả neo, quăng dây níu tàu lên cầu cảng chính... 
Thuyền trưởng Văn, mắt thâm quầng vì mất ngủ, giải thích: “Hải lưu quanh đảo rất bất thường. Chỉ vào gần trong vài phút, xong phải lùi ra tránh sóng. Nếu dí mũi, tàu sẽ bị ép chặt vào bờ đá, vỡ tan tành!”. 
Gần 1 tiếng đồng hồ lao vào, lùi ra trong những tiếng thét lạc cả giọng, sóng trùm lên mũi tàu khiến ai nấy ướt sũng, gần 100 bao gói thùng hàng bọc mấy lần túi ni lông bảo quản cũng được buộc dây thừng kéo lên. Đến lượt tôi, các thuyền viên chụp cho áo phao, quàng mũ bảo hiểm, thắt chặt quai dép nhựa. Thuyền trưởng Văn gào lên: “Tàu lao thẳng mũi lên đỉnh sóng, ngang cầu cảng thì nhảy ngay!”. 
“Uỳnh!” - Mũi tàu vừa đâm vào cầu cảng, ngóc lên đỉnh sóng, các thủy thủ đẩy lưng tôi: “Nhảy!”. Co chân vọt lên cầu cảng ướt sũng, những công nhân hải đăng ở trên nhoài người kéo vào tấm bạt chống trượt, lôi tuột vào trong tránh cơn sóng gần chục mét đập vào ù tai. Ngoái nhìn lại: tàu 375 thoắt cái đã bị sóng đẩy ra xa cả chục mét và càng thấm thía câu nói của giám đốc Thắng: “Hiếm người biết tới Hòn Hải, cũng vì... đường đi!”.
Kỳ tích Công binh
Trạm trưởng hải đăng Hòn Hải Đinh Công Tuấn da đen cháy, tóc dài ngang vai đẩy tôi qua 2 tầng nhà, lên tận hành lang trên cùng của cấu kiện nửa nhà ở nửa lô cốt đúc bằng bê tông dày vài gang tay, nép bên rìa núi, giọng gấp gáp: “Anh chỉ có 1 tiếng đồng hồ ở trên đảo vì sau đó nâng cấp sóng, tàu phải rời ngay khỏi vùng biển này!” và gọi công nhân Bùi Thanh Nam (sinh năm 1979, quê Quảng Ngãi) mở cửa đường hầm đưa tôi lên điểm cao nhất của đảo, nơi đặt ngọn hải đăng.
Mặt chính của đảo Hòn Hải - Ảnh: Mai Thanh HảiMặt chính của đảo Hòn Hải - Ảnh: Mai Thanh Hải
Nam là một trong những người gắn bó nhiều năm với đảo Hòn Hải nên rất rành mạch: Đảo dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển. Trước năm 2000, đảo hoang vu do không ai trèo lên nổi và ngư dân, khi ra đánh cá mùa biển lặng, cũng chỉ ngước nhìn khối đá khổng lồ giữa biển, không có nước ngọt, cây cối và kể với nhau về “hòn đá khổng lồ” là nơi sinh sống của các loài chim biển, đông đến nỗi chỉ vỗ tay cũng bay túa lên, đen đặc vùng trời...
Năm 1999, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh công binh khảo sát và xây dựng hạ tầng trên đảo Hòn Hải. Đoàn công tác của công binh, Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân) ra Hòn Hải phải bơi vào đảo và căng bạt, làm lán trại để thực hiện nhiệm vụ. “Để lên mặt đảo, bộ đội phải đóng cọc sắt vào vách núi và bám tay trèo lên!” - Nam thán phục kể.
Giám đốc Bùi Đức Thắng lắc đầu: “Chỉ có bộ đội công binh mới chinh phục được Hòn Hải!” và liệt kê những khó khăn trong quá trình thi công: Năm 2001 phải nghỉ thi công 5 tháng vì sóng; năm 2002, việc thi công đình trệ trong 4 tháng; hết quý 1/2003 mới đưa được công binh lên đảo và 2 tháng mới bốc được một chuyến hàng; năm 2002, gần 540 tấn vật tư các loại bị sóng cuốn xuống biển và 1 trụ neo tàu bị phá hủy; hàng chục công nhân bị thương, suýt bị cuốn trôi... 
Gần 5 năm, những người lính đã hoàn thành căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng và nhất là đường hầm lên đảo. Ban đầu, công binh định làm đường chạy thẳng lên đảo, tuy nhiên do vách núi dựng đứng nên phải chuyển sang phương án đào hầm. Ròng rã khoan đá, ăn ngủ trong lòng núi với những phương pháp thi công “độc nhất vô nhị”, con đường hầm dài 170 m đã trổ lên mặt đảo và tiếp tục được gia cố bằng bê tông cốt thép có mái vòm chống đá rơi. Ngay sau đó, từng xẻng cát, viên gạch, bao xi măng, can nước ngọt cũng được gùi cõng trên lưng bộ đội, lên xây dựng con đường bê tông trên mặt đảo dài 107 m và các công trình phục vụ ngọn hải đăng có kết cấu bền vững, cao vút...
Thắp ánh sáng, giữ mốc chủ quyền
Cuối năm 2004, Trạm hải đăng đảo Hòn Hải hoàn tất và được bàn giao cho BĐATHH quản lý, vận hành. Anh Nguyễn Ngọc Anh, trạm trưởng kể với tôi: “Lần đầu tiên ra Hòn Hải, khi bị gọi dậy chuẩn bị lên trạm, cứ ngỡ đảo là... một tàu hàng nào đó. Liên lạc về bờ chỉ qua bộ đàm và chiều, cả trạm dắt nhau lên đỉnh núi ngóng về phía đông!” và trầm giọng: “Giờ nhiều anh em trẻ cũng có tâm trạng nhưng đều nguôi ngoai bởi trạm xem được ti vi, có trạm tiếp sóng Viettel và nhất là đều ý thức: Mình không chỉ là gác đèn biển mà còn canh giữ mốc chủ quyền trên Biển Đông của Tổ quốc!”.
Gọi là “đỡ hơn hồi trước”, chứ cuộc sống của các công nhân hải đăng Hòn Hải vất vả hơn cả ngoài Trường Sa.
Hiện tại, biên chế của trạm là 5 người và cứ 4 tháng mới có tàu chở người khác ra thay, đồng thời cũng tiếp tế từ lương thực - thực phẩm, nước ngọt cho đến các vật dụng sinh hoạt. Tuy nhiên, do thời tiết địa hình khu vực biển phức tạp, nên việc tàu không cập được đảo, công nhân phải kéo dài thời gian phục vụ 1 - 2 tháng và tiết kiệm, dè sẻn từng ca nước - lon gạo là bình thường.
Chỉ tôi xem khoảnh rộng quây bằng những viên đá trên nóc đảo, công nhân Nguyễn Minh Tuấn tỉ mỉ: Mang đất, phân bón, hạt giống từ đất liền ra trồng rau nhưng bị gió mặn làm chết phần lớn. Thực phẩm tươi chỉ dùng trong một tuần vì không có điện chạy tủ lạnh. Thức ăn hằng ngày là thịt hộp, cá khô. Không dám nuôi nhiều gia súc gia cầm vì gió độc làm chết và nhất là... không đủ cơm gạo cho ăn.
“Những ngày biển động, sóng trùm lên nhà, phải chui lên đường hầm ăn ở có khi cả tuần liền. Cứ ra khỏi nhà là phải đội mũ bảo hiểm tránh đá rơi. Từ tháng 4 đến tháng 7, chim biển kéo về kín đặc, đậu chênh vênh trên sườn núi làm đá rơi rào rào!” - công nhân Võ Trường Sơn (sinh năm 1992, quê Hà Tĩnh) kể vậy và cười: “Gian khổ, mãi rồi cũng quen!”.
Suốt hải trình 2 ngày đêm từ đảo Hòn Hải về Phú Quý, rồi cập bờ TP.Nha Trang, tôi ở cạnh Sơn, chứng kiến cậu thanh niên hết nhiệm kỳ công tác về bờ, vật vã say sóng, nhưng ý chí nghị lực còn hơn cả thép (đã 3 lần bám trụ với cột mốc Hòn Hải), nghe chuyện: 5 công nhân Trạm hải đăng Hòn Hải đều tình nguyện ở lại thêm qua tết và tò mò: “Không phải người lính, nhưng sao chấp nhận gian khổ hy sinh, như những người lính tuyến đầu?”. Cả anh Tuấn, Sơn, Nam và những công nhân BĐATHH đều cười: “Ai cũng toan tính, sợ khổ thì còn gì cương vực Tổ quốc?”, khiến tôi trở thành xấu hổ trước những “Robinson” ngoài Hòn Hải, xa xôi...
Đảo Hòn Hải được ghi tên trên hải đồ quốc tế là Poulo Sapate (Sapata, Sepate) cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) 60 km về phía đông nam, là điểm A6 (tọa độ 09⁰58'26,5" N - 109⁰05'03,8" E), đường cơ sở để tính lãnh hải VN, điểm xa nhất của đường viền nội thủy của nước ta ở vùng nam Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.