Chiều ngày 11.10, có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến cả cánh rừng thông hơn 50 năm tuổi, rộng hàng chục héc ta bị xâm hại nghiêm trọng. Tại các khoảnh 2, 3 (do Công ty nhựa Khang Thịnh quản lý) và 4, 5, 6 (do Công ty Hà Phong quản lý) đang có nhiều vạt rừng, với hàng trăm cây thông trên 50 năm tuổi đang chết đứng vì bị ken gốc, đốt gốc, khoan lỗ đổ hóa chất.
Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban lâm nghiệp xã Lộc Ngãi, cho biết tình trạng ken đổ hóa chất để lấn rừng lấy đất sản xuất tại khu vực nói trên diễn ra âm ỉ từ nhiều năm qua và từ đầu tháng 9.2016 đến nay, khu vực này lại trở thành “điểm nóng” phá rừng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Hà Phong chưa cung cấp đầy đủ diện tích rừng bị lấn chiếm. Tuy nhiên, trong tháng 9.2016, UBND xã đã phát hiện một vụ ken thông đổ hóa chất với diện tích rừng bị xâm hại là 7.078 m2, có trữ lượng gỗ là 71,292 m3. Đến nay, Công ty Hà Phong cũng chưa cung cấp được các phương án sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, PCCC và thực hiện dự án. Tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng đang diễn ra hết sức phức tạp tại lâm phần do Công ty nhựa Khang Thịnh quản lý, bảo vệ. Phần lớn diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm đều do người dân trồng cà phê, bơ… thực hiện.
Cũng theo ông Gắn, khu rừng trên là rừng trồng đã được Công ty Hà Phong và Công ty Nhựa Khang Thịnh nhận quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Mặc dù xã đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất với UBND huyện có những biện pháp mạnh buộc các công ty tăng cường công tác quản lý nhưng các công ty này vẫn không chấp hành. Các vụ vi phạm xảy ra vào ban đêm nên rất khó để ngăn chặn. Ngoài tiểu khu 614, tình trạng ken, đốt, khoan thân đổ hóa chất để cây chết dần còn diễn ra tại nhiều tiểu khu khác trên địa bàn như các tiểu khu 444, 445, 460.
Một trong hàng trăm cây thông bị khoan lỗ đổ hóa chất
Hiện UBND xã Lộc Ngãi đã báo cáo, đề nghị UBND huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện xem xét kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép của Công ty nhựa Khang Thịnh với lý do không thực hiện các phương án mà UBND tỉnh đã phê duyệt và để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Đề nghị UBND huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện xem xét xử lý Công ty Cổ phần Hà Phong đã không thực hiện dự án, buông lỏng quản lý và để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng thường xuyên…
Một cây thông vừa bị ken gốc đang ứa nhựa
Bình luận (0)