Nhiều nông dân canh tác ở những cánh đồng biên giới Tây Nam đang giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc cũng đồng nghĩa với bảo vệ mảnh vườn, thửa ruộng của nhà mình.
Ngoại giao... đồng áng
Ông Nguyễn Thanh Tân (ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, H.Giang Thành, Kiên Giang) được thừa kế 4 ha đất ruộng ở ấp Hòa Khánh. Chạy dài theo diện tích này là 200 m đường biên giới giáp ranh với xã Prây Crớ, H.Kampong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia. Nếm trải bao nhiêu thăng trầm của người dân vùng biên, ông tự hào rằng bao đời nay, dòng họ nhà ông vẫn giữ gìn nguyên vẹn ruộng đất của tổ tiên để lại từ thời mới khai khẩn. Ngay cả trong thời loạn lạc, giặc Pol Pot tràn sang tàn phá xóm làng, cha con ông Tân cũng không bỏ đất đi lập nghiệp nơi khác.
Gặp chúng tôi bên bờ sông Giang Thành, nơi ông đang chờ chuyến phà qua bên kia thăm lúa, ông Tân khoe vừa được một mùa bội thu trên cánh đồng biên giới. Ông nói không chỉ có ông, nhiều nông dân khác làm lúa ở vùng giáp ranh cũng trúng mùa. Càng vui hơn khi không chỉ nông dân Việt Nam, mà những người bạn Campuchia làm ruộng liền kề ở bên kia biên giới cũng trúng “lây”. Ruộng ông Tân giáp ranh với đất ông Um, ông Cà Dol bên phía Campuchia. Điều kiện canh tác giống nhau, nhưng trước đây vì nông dân bạn quen tập quán làm lúa mùa, ít chăm sóc nên sản lượng thấp hơn ruộng của dân Việt Nam. Thấy nông dân Việt Nam làm ăn hiệu quả, ông Um, ông Cà Dol sang hỏi bí quyết trồng lúa hai vụ. Ông Tân nói, nông dân Việt luôn vui vẻ truyền đạt kinh nghiệm, từ chọn giống, cách gieo sạ, đến dùng phân, thuốc trị bệnh lúa… cho người dân bên kia. Từ đó, nhiều nông dân Campuchia giáp ranh Việt Nam cũng chuyển sang làm lúa hai vụ, năng suất được cải thiện rất nhiều so với làm lúa mùa truyền thống.
“Sống với nhau bằng tấm lòng” như thế, nông dân hai bên luôn chung cảnh hòa thuận. Ruộng đất nhà ai nấy làm, không có cảnh xâm canh, xâm cư, đồng nghĩa với đường biên giới giữa hai nước luôn được giữ bình yên, trước tiên là từ những cánh đồng, thửa ruộng của nông dân hai nước.
Có mặt tại vùng giáp ranh này, chúng tôi bắt gặp không ít người dân Campuchia đạp xe sang Việt Nam qua cửa khẩu Giang Thành để xin cỏ về cho bò ăn. Anh Ken Chum, người dân ở Prây Crớ nói mùa này ở vùng đồi núi bên kia biên giới rất khan hiếm cỏ, nếu các bạn Việt Nam không cho vào đồng cắt cỏ có lẽ nhiều đàn gia súc sẽ gặp nguy. Mùa nước nổi cũng vậy, khi một vùng đồng đất phía thượng nguồn bị nhấn chìm thì nông dân Campuchia cũng phải nhờ đến nông dân Việt Nam.
Tổ quốc từ cánh đồng nhà
Ông Nguyễn Thanh Tân là một trong số trên 100 nông dân ở khu vực biên giới H.Giang Thành (Kiên Giang) tham gia phong trào “tự quản đường biên cột mốc” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động. Do sinh sống và canh tác ở những vị trí đặc biệt, người dân ở đây tham gia ký kết bảo vệ đường biên cột mốc cũng chính là bảo vệ đất đai, đồng lúa, phên dậu nhà mình. Văn bản có chính quyền địa phương và đồn biên phòng cùng ký. Sau đó sẽ tiến hành bàn giao cột mốc, đoạn biên giới cho từng ấp, từng hộ gia đình để quản lý phạm vi và các công trình đã tham gia ký kết.
Gần nhà ông Tân, người ta nhắc nhiều đến nông dân Huỳnh Hữu Tá, người cùng tham gia phong trào trên. Từ khi có cam kết với Đồn biên phòng 969 (H.Giang Thành) tham gia coi sóc, giám sát cột mốc chủ quyền số 302 cùng 3 km biên giới gần thửa ruộng, ông và người nhà xem đó là nhiệm vụ đầy tự hào. Trong nhiều năm, ông Tá cùng người dân trong vùng đã phát hiện, cung cấp thông tin cho đồn biên phòng hàng chục vụ vi phạm đường biên, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, nhắc nhở người dân hai bên xuất, nhập biên đúng luật, không đi tắt về ngang.
Trung tá Trần Văn Hưng, Chính trị viên Đồn biên phòng Vĩnh Điều (H.Giang Thành), cho biết từ khi có cuộc phát động, tình hình vi phạm, xâm phạm đường biên, cột mốc giảm đến 80% so với trước. Đồn Vĩnh Điều được giao nhiệm vụ bảo vệ 13,7 km biên giới. Từ năm 2008 đến nay, đã phát hiện 18 trường hợp vi phạm biên giới Việt Nam, nhưng với hành vi, tính chất ít nghiêm trọng. Thường các trường hợp đều được xử lý bằng cách giáo dục cho công dân nước bạn biết pháp luật Việt Nam, sau đó mời chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới của bạn sang bàn giao để họ xử lý. Hầu hết các trường hợp đều không tái phạm.
Tiến Trình
Bình luận (0)