Sai lầm cốt tử trong chống ngập

Giữa lúc lãnh đạo TP.HCM đang bức xúc vì tình trạng ngập nước, giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc chống ngập của TP.

Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội do UBND TP.HCM tổ chức vào hôm qua 29.8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tất cả thường trực ủy ban phải đi chống ngập. Theo đánh giá của ông Phong, trận mưa vào chiều 26.8 có lượng mưa không quá lớn, triều cường cũng không dâng cao, nhưng ngập nặng trên nhiều khu vực là một điều bất thường.
Bài toán triệt để giải quyết ngập lụt khu vực TP.HCM là bài toán hệ thống giải quyết tổng hợp các yếu tố mưa, lũ, triều; hệ thống kênh mương, cống phải tiêu được nước và hệ thống đê bao không để nước tràn vào phải được làm đồng bộ...
TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam

“Chuyện này anh Công phải báo cáo”
Khi đề cập đến nỗi cực khổ của người dân vì phải “sống chung” với nước ngập, điển hình nhất là tầng hầm để xe của nhiều tòa nhà trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) trở thành hồ chứa nước chỉ sau một cơn mưa, ông Phong truy trách nhiệm: “Chuyện này thì anh Công (ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP) phải báo cáo”.
Được “mời” lên báo cáo giải trình, ông Công cho biết: “Sáng nay, lãnh đạo TP khi đọc bài viết Chương trình chống ngập gây ngập trên Báo Thanh Niên, đã gọi điện yêu cầu tôi báo cáo lý do vì sao lại tréo ngoe như thế. Tôi đang làm báo cáo để gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP”.
Ông Công khẳng định không có tiêu cực trong thi công dự án thoát nước. Vấn đề “ngập vẫn hoàn ngập” ở các dự án chống ngập do bị vướng nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, dự án chống ngập đường An Dương Vương (qua địa bàn Q.Bình Tân và Q.8) thi công hệ thống cống dài 3 km, nhưng chỉ mới làm được 300 m thì đụng đường ống cấp nước sạch và suốt 6 tháng qua chưa di dời được. Đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) ngập do nâng nền đường quá cao so với nhà dân và TP đang tính toán lại cao trình. Đường Nguyễn Văn Quá đã thi công xong hệ thống cống, nhưng không có cửa xả vì vướng đền bù giải tỏa một hộ dân, 3 tháng nay chưa giải quyết xong. Đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) ngập lai láng do miệng thu nước bị “khuyết tật” vì kích thước quá nhỏ và hiện đang sửa chữa mở rộng...
Riêng vấn đề ngập tràn vào sân bay Tân Sơn Nhất đe dọa đến an toàn bay, ông Công cho biết nước trong sân bay lâu nay thoát ra ngoài theo kênh A41, kênh Hy Vọng và kênh Nhật Bản, trong đó kênh Hy Vọng đã được hoàn thành, tiến hành nạo vét, nhưng các kênh còn lại vẫn đang dang dở.
UBND TP.HCM hôm qua cũng công bố quyết định bổ nhiệm các ủy viên UBND TP là giám đốc các sở ngành nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định mới của luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19.6.2015. Theo đó, có 14 người được bổ nhiệm giữ chức vụ trong 5 năm, gồm: Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở KH-ĐT Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung, Trưởng ban Dân tộc Ngô Văn Triển.
Bốn giám đốc sở được bổ nhiệm giữ chức vụ cho đến lúc nghỉ hưu theo chế độ, gồm các ông: Lê Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ; Nguyễn Long Truyền, Chánh thanh tra TP; Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT; Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế. Hai giám đốc sở không được bổ nhiệm là Giám đốc Sở VH-TT Phan Nguyễn Như Khuê và Giám đốc Sở Du lịch Văn Thị Bạch Tuyết vì trước đó đã được chuyển sang Đoàn ĐBQH TP giữ cương vị phó trưởng đoàn.
Tân Phú

Kết luận cuộc họp, ông Phong yêu cầu từ nay đến tháng 9.2016, Văn phòng UBND TP phải xếp lịch cho thường trực UBND TP đi cơ sở để tham gia chống ngập. Chỉ trừ Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu, còn lại bản thân ông và các phó chủ tịch gồm: ông Lê Văn Khoa, ông Trần Vĩnh Tuyến, ông Huỳnh Cách Mạng và ông Lê Thanh Liêm đều phải xuống các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo. “Không thể tiếp diễn tình trạng như thời gian qua. Suốt mấy tháng trời đọc báo cáo vẫn thấy 9/68 cửa xả bị lấn chiếm, không có vị trí nào được giải quyết hết”, ông Phong bức xúc.
Dự báo quá kém
Trả lời Thanh Niên việc TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng xây dựng hệ thống cống lớn ở khu vực nội thị nhưng vẫn không thoát ngập, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, từng cho biết theo Quy hoạch 752, hệ thống tại TP.HCM gồm cống cấp 1 chỉ chịu được lượng mưa phù hợp là 85,36 mm, cống nhỏ hơn chịu lượng mưa là 75,88 mm trong 3 giờ. Nhưng những năm gần đây, TP thường xuyên xuất hiện các trận mưa trên 120 mm, thậm chí có trận mưa lên đến 180 - 200 mm.
PGS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho rằng quy hoạch hệ thống thoát nước mưa của TP sai lầm ngay từ đầu nên dẫn đến thiết kế sai.
Đáng lẽ ngay từ đầu, cần phải dự báo tần suất mưa cho chu kỳ 40 - 50 năm để xây dựng hệ thống cống lớn thì mới chịu được lượng mưa theo tính toán phù hợp với chu kỳ. Đô thị của TP.HCM phát triển theo kiểu “vết dầu loang” theo sự gia tăng dân số, chứ không phải theo một quy hoạch ngay từ đầu. Thế nên, hệ thống cống thoát nước cũng phải phát triển theo dạng nối dài chứ không được mở rộng khẩu độ, tiết diện. Đây cũng là một sai lầm lớn. Chưa kể, cống thoát nước thải và cống thoát nước mưa phải được thiết kế riêng, nhưng lại thiết kế chung.
Ngoài ra, theo PGS-TS Lê Huy Bá, các cơ quan nhà nước, nhà dân thi nhau san lấp kênh rạch. Theo tính toán, có 15 - 17% diện tích kênh rạch thoát nước tự nhiên của TP.HCM bị san lấp; 100% tuyến kênh, rạch tại TP bị tác động. Ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trước năm 1975, kênh rạch “còn trống trơn” nhưng nay nhà cửa san sát, chặn hết đường thoát nước.
Quy chuẩn lạc hậu
Chuyên gia Phạm Sanh thì đánh giá ngập ở TP.HCM có phần lỗ hổng từ quy chuẩn tiêu chuẩn thoát nước đô thị quá lạc hậu. TCVN 7957 - 2008 chỉ sử dụng được cho các đô thị cỡ vài trăm nghìn dân, không ảnh hưởng triều, địa hình không thấp trũng. Trong khi TP.HCM đã cả chục triệu dân, triều cường... Nhưng nhiều năm qua, Bộ Xây dựng không có các nghiên cứu sâu về mô hình mưa, quan hệ IDF, chu kỳ tràn cống cho đô thị đặc biệt, hồ điều hòa... Chống ngập đô thị tại các địa phương lại giao cho ngành thủy lợi, “thiếu cả thầy lẫn thuốc” thì ngập là đương nhiên.
TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, bổ sung thêm một nguyên nhân dẫn đến ngập nặng tại TP.HCM. Đó là tình trạng các nhà thầu đã thi công thiếu trách nhiệm, chặn dòng thoát nước để thi công dự án thoát nước nhưng không xây dựng hệ thống dẫn dòng thay thế như quy định. Rồi việc phá cống cũ nhưng chưa đấu nối cống mới, bít chặn cửa xả dọc kênh khi chưa có cửa xả thay thế, bơm nước có lẫn bùn đất từ các công trình vào hố ga làm tắc nghẽn hệ thống cống, khi tái lập mặt đường thì lấp luôn miệng hố ga thu nước...

“Bài toán triệt để giải quyết ngập lụt khu vực TP.HCM là bài toán hệ thống giải quyết tổng hợp các yếu tố mưa, lũ, triều; hệ thống kênh mương, cống phải tiêu được nước và hệ thống đê bao không để nước tràn vào phải được làm đồng bộ. Đồng thời, phải có phương án bố trí máy bơm cho các lưu vực cục bộ, nơi dự kiến xây dựng hệ thống công trình thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu tiêu nước, nhất là vào thời đoạn xảy ra mưa lúc triều cường”, ông Trường lưu ý.
Chưa xác định được nguyên nhân phát tán mùi hôi ở Q.7
Liên quan đến mùi hôi phát tán ở khu vực Q.7, trong đó có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng thời gian gần đây, tại buổi họp báo vào trưa cùng ngày, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định hiện “chưa thể nói gì, chưa đủ cơ sở kết luận đâu là nguyên nhân vì khu vực này có nhiều đơn vị làm nhiệm vụ xử lý chất thải”. UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện liên quan kiểm tra toàn bộ khu vực; ngoài việc lập đoàn kiểm tra, quan trọng nhất phải tổ chức quan trắc môi trường một cách chặt chẽ, khoa học để xác định nguyên nhân chính xác.
Về vấn đề cây xanh liên tiếp ngã đổ gây thương vong người đi đường, ông Hoan cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP tổng kiểm tra, rà soát hiện trạng cây xanh trên địa bàn TP, đánh giá chặt chẽ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp.
Tân Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.