Rất nhiều chuyên gia chỉ ra những điều không bình thường, sai lệch nghiêm trọng trong Báo cáo tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Mặt ruộng nứt nẻ do khô hạn hoành hành ở ĐBSCL - Ảnh: Tây Hồ |
Những phân tích, đánh giá được đưa ra tại Hội thảo khoa học tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, do Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) phối hợp Trung tâm phát triển sáng tạo xanh - GreenID (Hà Nội) tổ chức ngày 4.3.
|
Theo các chuyên gia, Báo cáo tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (MDS) là công trình nghiên cứu cấp quốc gia do Bộ TN-MT, Ủy ban sông Mê Kông VN chủ trì thuê tư vấn nước ngoài thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện 4,3 triệu USD (tương đương gần 100 tỉ đồng), trong thời gian 30 tháng. Đơn vị thực hiện là Công ty DHI của Đan Mạch và HDR của Mỹ.
Mô hình nghiên cứu như chơi game
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nhận xét: "Ở VN tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu khoa học nào có kinh phí khổng lồ như thế. Chỉ đáng tiếc là chúng ta bỏ ra một số tiền quá lớn mà chất lượng nghiên cứu lại rất kém". Yếu kém, theo GS Trân, ngay từ yếu tố cơ bản, đầu tiên và quan trọng nhất là “mục tiêu nghiên cứu” liên tục thay đổi thứ tự. Điều này thể hiện sự không nghiêm túc trong công tác nghiên cứu khoa học. Phương pháp luận không đầy đủ, một chiều, thiếu tính hệ thống.
Bên cạnh đó, số liệu đầu vào không chính xác dẫn đến sai sót mang tính hệ thống. Những tác động được các chuyên gia thực hiện MDS tính toán chỉ theo thời điểm nhất định mà không theo quá trình tích lũy thời gian... “Trong tài liệu họ dẫn ra những tiêu chuẩn quốc tế trong nghiên cứu khoa học, nhưng trong thực tế thực hiện không làm theo các tiêu chuẩn ban đầu đó. Còn việc sử dụng số liệu không chính xác rồi đem số liệu đó đi chạy mô hình thì chúng ta có thể hình dung nó giống như một trò chơi game trên máy tính vì thiếu việc đối chiếu thực tế. Hiểu biết về ĐBSCL là điểm yếu cơ bản của nhóm nghiên cứu này”, GS Trân kết luận.
Cụ thể hơn, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện chỉ rõ: MDS nói mũi Cà Mau hiện nay đang vươn ra 20 - 100 m/năm là không đúng với thực tế. Hay kết luận về tổn thất kinh tế tổng cộng 2,2% GDP cho ĐBSCL và 0,3% GDP cả nước, tương đương 85 triệu USD do giảm xuất khẩu gạo... không dựa trên kết quả tính toán cụ thể có tính thuyết phục. Đối với nông nghiệp, MDS chọn đối tượng chính là cây lúa và cây bắp cũng không hợp lý, vì giá trị kinh tế chính ở đây phải là lúa và cây ăn trái. “Báo cáo thiên về đơn giản hóa vấn đề và đánh giá thiếu, thấp các tác động đối với ĐBSCL”, ông Thiện lo lắng.
Nhiều dòng sông ở ĐBSCL đang giảm mực nước trông thấy - Ảnh: Đình Tuyển
|
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), bổ sung: “Số liệu về phù sa của MDS thấp hơn 10 lần so với số liệu được công bố chính thức của Ủy hội sông Mê Kông. Trong phần tính toán của mình, MDS sử dụng bảng số liệu 8 điểm, đến khi đưa lên sơ đồ địa hình ĐBSCL lại ra 11 điểm và kết quả đầu ra đến... 13 điểm. Trong phần đánh giá tác động từ thượng nguồn phía Trung Quốc, MDS chỉ xem xét 6 - 7 đập trong khi Trung Quốc có tổng cộng tới 14 đập và dự án thủy điện”.
TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), nhận xét: “Các kết quả trong báo cáo này nhỏ hơn rất nhiều, nhỏ hơn một cách lạ lùng so với những gì đã nghiên cứu. Ví dụ: Bộ NN-PTNT công bố thiệt hại do hạn - mặn có thể lên đến 340.000 ha, tương đương 1,7 triệu tấn lúa nhưng theo MDS, sản lượng gạo chỉ giảm 500.000 tấn, trong một phần khác thì báo cáo lại nói sản lượng lúa ảnh hưởng không đáng kể”.
“Tự mua đá đập vào đầu mình”
Theo TS Ni, MDS là công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước; nó không chỉ là cơ sở khoa học được dùng để chúng ta đi “nói chuyện” với bạn bè quốc tế mà nó còn là cơ sở pháp lý. “Các bộ ngành sẽ dựa vào nghiên cứu này để lập các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ở góc độ rộng hơn, giả sử sau này Lào xây dựng các đập thủy điện gây thiệt hại nghiêm trọng đến VN, chúng ta đi kiện thì họ sẽ dựa vào MDS này để chứng minh với thế giới là thủy điện của họ không gây thiệt hại gì đáng kể cho ĐBSCL. Vì MDS - cơ sở khoa học chính thức đã chỉ ra thiệt hại lớn nhất của chúng ta chỉ là 500.000 tấn lúa. Có chăng họ chỉ bồi thường thiệt hại cho mình chừng ấy thôi. Mình tự đặt mình vào thế khó”, TS Ni nói. Còn ông Thiện thì chua chát: “Tôi có cảm giác chúng ta bỏ ra một số tiền rất lớn để mua một cục đá thật to, rồi tự đập vào đầu mình”.
Lý giải về việc MDS đã được Bộ TN-MT nghiệm thu cách đây hơn một tháng nhưng giờ mới hội thảo góp ý, TS Ni bức xúc: “Chúng tôi chủ động tham gia góp ý dự án này ngay từ đầu với tâm thế là những nhà khoa học có am hiểu về ĐBSCL và là một người dân VN sống ở ĐBSCL. Nhưng từ những cái đầu tiên đến những bản báo cáo cuối cùng đều không thấy tiếp thu, chỉnh sửa. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ TN-MT, Ủy ban sông Mê Kông VN cho phép chúng tôi gặp nhóm chuyên gia quốc tế để trao đổi thảo luận trực tiếp nhưng đều không được đáp ứng. Họ cũng “bí mật” những nghiên cứu này và những tài liệu mà chúng tôi có đều phải “đi cửa sau”, tận dụng các mối quan hệ mới có được và khi đó cũng là lúc đề tài đã nghiệm thu”.
“Thậm chí, chúng tôi gửi văn bản góp ý cho họ nhưng ròng rã cả 10 tháng trời cũng không thấy hồi âm. Họ chỉ tổ chức 2 lần tham vấn trực tiếp, một lần ở Hà Nội kéo dài 3 tiếng đồng hồ và một lần ở TP.HCM kéo dài 3 tiếng rưỡi. Trong khi đó, tài liệu dày cả ngàn trang họ chỉ gửi cho chúng tôi trước 1 tuần để đọc. Điều quan trọng là trong những dịp đó khi chúng tôi góp ý thì họ không có thái độ cầu thị, tiếp thu”, GS Trân bổ sung và kiến nghị Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phải yêu cầu Bộ TN-MT giải trình về MDS.
Theo TS Lê Anh Tuấn, nếu MDS này được thông qua thì về lâu dài nó sẽ tác hại vô cùng lớn với ĐBSCL và VN.
Bình luận (0)