Sẵn sàng giao đất quốc phòng để địa phương phát triển kinh tế

13/07/2017 06:50 GMT+7

Đó là khẳng định của đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tại buổi kiểm tra, làm việc ở Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TP.HCM) hôm qua 12.7.

Buổi làm việc có sự tham dự của 2 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và thượng tướng Trần Đơn; chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông...
Quân đội làm kinh tế là chủ trương đúng đắn
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, cuộc làm việc có sự tham dự của 3 lãnh đạo Thường vụ Quân ủy T.Ư cho thấy Bộ Quốc phòng hết sức quan tâm đến việc các doanh nghiệp (DN) quân đội tham gia làm kinh tế. Ông Lịch giải đáp những thắc mắc về chủ trương quân đội làm kinh tế, việc sử dụng đất quốc phòng.
Bản thân tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi trên đường phố TP.HCM thấy rất sốt ruột vì đường tắc. Nếu như phần đất nào liên quan đến quốc phòng mà ở vị trí phòng thủ quốc phòng thì các đồng chí thông cảm, còn không sẽ ưu tiên cho giao thông, không để ách tắc như vừa qua
Đại tướng Ngô Xuân Lịch
Ông Lịch cho biết kết hợp quốc phòng với kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng. “Có thể khẳng định mục tiêu quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế chính là củng cố bộ mặt, tiềm lực quốc phòng của cả nước, góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia, củng cố vị thế độc lập, tự chủ của đất nước và công nghiệp quốc phòng trang bị vũ khí, khí tài hiện đại cho quân đội”, ông Lịch nói và cho rằng thực tiễn hơn 70 năm qua, quân đội tham gia sản xuất kinh tế và những năm gần đây tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và hình thành nên thế vũ khí chiến lược, đặc biệt suốt dọc tuyến biên giới từ bắc vào nam. Đơn vị quân đội bố trí ở những địa bàn hết sức trọng yếu với điều kiện hết sức khó khăn, thậm chí có những nơi chỉ có quân đội mới làm nổi, đưa dân lên để bố trí, hình thành thế phên giậu của đất nước.
“Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, DN quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển. Các thương hiệu như Viettel, Tân Cảng, Công ty trực thăng, Ngân hàng Quân đội... rất có uy tín trong và ngoài nước. Thành công của các thương hiệu kinh tế của quân đội minh chứng việc xây dựng, phát triển kinh tế quân đội là chủ trương đúng đắn”, ông Lịch nhấn mạnh.
Quyết tâm sắp xếp lại DN quân đội
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho hay Bộ Quốc phòng sẽ triển khai, thực hiện nghiêm túc đề án đổi mới, phát triển DN quân đội đã trình Chính phủ phê duyệt. Quan điểm nhất quán của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí giải thể các DN kinh tế, thương mại thuần túy. “Tôi nhắc lại là kinh tế thương mại thuần túy không hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng. Phải sắp xếp lại DN quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và phù hợp với thế bố trí chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, nếu như trước đây quân đội có 300 DN rồi rút xuống còn 88 DN thì trong đề án, Quân ủy T.Ư trình Chính phủ rút còn 17 DN 100% vốn nhà nước. Chính phủ đánh giá rất cao quyết tâm đổi mới, sắp xếp lại DN quân đội.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định Bộ Quốc phòng sẽ xử lý nghiêm những sai phạm trong việc chấp hành các quy định sử dụng đất quốc phòng và sai phạm trong làm kinh tế. Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy định, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc và đã xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm. “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, soát xét kỹ để làm sao quân đội tham gia làm kinh tế phải là tấm gương để cho các lực lượng làm kinh tế bên ngoài học tập noi theo, để chính quyền và người dân tin tưởng”, ông Lịch nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng khẳng định sẵn sàng thu hồi sân golf để phục vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất khi Chính phủ yêu cầu Ảnh: Độc Lập
Sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất
Một thông điệp đáng lưu ý mà đại tướng Ngô Xuân Lịch đưa ra là Bộ Quốc phòng chỉ đạo, rà soát và có thể bàn giao cho địa phương diện tích đất quốc phòng chưa sử dụng để phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều năm qua, Bộ bàn giao hàng ngàn héc ta đất để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Tại TP.HCM, từ năm 2004 - 2017, Bộ Quốc phòng bàn giao 177,3 ha cho TP phát triển kinh tế. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2007 - 2017, Bộ Quốc phòng 4 lần điều chỉnh quy hoạch và bàn giao 98,7 ha cho Bộ GTVT để xây dựng đường băng, sân đỗ, khu vực bảo đảm kỹ thuật hàng không, trong đó riêng năm 2017 bàn giao 21 ha. Ngoài ra, từ năm 2004 - 2017, Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 10,5 ha đất quốc phòng cho TP để mở rộng giao thông, đô thị. Bộ luôn nhất quán phải tạo điều kiện tốt nhất để TP phát triển kinh tế, xã hội.
“Chúng tôi nhận được công văn của TP.HCM đề nghị mở thêm một số tuyến đường như Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa với diện tích khoảng 6,6 ha. Chúng tôi xác định chủ trương sẽ giao đất để TP mở những tuyến đường trên. Thường vụ Quân ủy T.Ư thống nhất bàn giao tiếp 14 ha để Bộ GTVT mở rộng đường băng, sân ga ở phía nam sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Lịch nói và khẳng định Bộ Quốc phòng đáp ứng tối đa mọi yêu cầu của Bộ GTVT và TP.HCM trong việc mở rộng sân bay, giải quyết ùn tắc giao thông. “Bản thân tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi trên đường phố TP.HCM thấy rất sốt ruột vì đường tắc. Nếu như phần đất nào liên quan đến quốc phòng mà ở vị trí phòng thủ quốc phòng thì các đồng chí thông cảm, còn không sẽ ưu tiên cho giao thông, không để ách tắc như vừa qua”, ông Lịch khẳng định.
Đối với hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên, ông Lịch cho hay ngay từ đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động xây dựng ở hai sân golf này như nhà hàng, khách sạn, khu biệt thư, căn hộ cho thuê... Bộ sẵn sàng thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu để mở rộng sân bay.
“Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị việc thu hồi phải đúng theo trình tự pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ và phục vụ công nghiệp quốc phòng. Chúng ta phải tính đến lợi ích chính đáng của DN đã đầu tư vào đây. Khi đã thu hồi thì không cho bất cứ DN nào khác đầu tư vào đây nữa”, ông Lịch nói.
Đẩy nhanh cổ phần các công ty thành viên
Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết qua 28 năm phát triển, đến nay Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trở thành nhà khai thác container, logistics lớn nhất VN, đứng trong số 25 cảng lớn và hiện đại nhất thế giới. 6 tháng đầu năm 2017, tổng công ty tăng trưởng 20%; dự kiến doanh thu năm 2017 hơn 20.000 tỉ đồng và đạt lợi nhuận 2.100 tỉ đồng. Hiện tổng công ty chiếm gần 50% số container xuất khẩu của VN, chiếm 92% thị phần container ở TP.HCM.
Ông Nghiêm cho hay tổng công ty đang nghiên cứu thoái vốn, đưa các công ty “cháu” (công ty con của Tân Cảng đầu tư hơn 50% vốn, hiện Tân Cảng có 38 công ty “cháu” - PV) dưới 5% vốn không lấy thương hiệu Tân Cảng.
6 tháng đầu năm, tổng công ty giải thể hai công ty con do không hiệu quả. Tổng công ty chỉ xin duy trì 3 công ty 100% vốn nhà nước, còn lại cổ phần hóa công ty thành viên, đăng ký lên sàn chứng khoán theo lộ trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.