Sẽ xã hội hóa sản xuất thẻ căn cước công dân

21/10/2016 06:30 GMT+7

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đề nghị xã hội hóa việc sản xuất thẻ căn cước công dân để tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tại hội thảo về thẻ căn cước công dân do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức ngày 20.10, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã đề nghị Chính phủ và Bộ Công an xã hội hóa việc sản xuất thẻ căn cước công dân (thẻ căn cước) để tiết kiệm và tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Theo TS Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, hiện nay toàn bộ việc đầu tư máy móc, lắp đặt, vận hành sản xuất thẻ căn cước đều được thực hiện tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành đã bộc lộ nhiều nhược điểm lớn như đầu tư các máy móc thiết bị ban đầu rất lớn, chưa kể vật tư tiêu hao và các linh kiện thay thế. Nếu theo quy định pháp luật đến năm 2020, cả nước sẽ phủ sóng toàn bộ thẻ căn cước công dân thì ngân sách sẽ bị tốn cho khoản đầu tư ban đầu 745 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận hành, bảo trì, linh kiện và vật tư hằng năm. “Theo tính toán của chúng tôi, với quy mô dân số như nước ta hiện nay sau khi người dân đã được cấp thẻ căn cước công dân thì bình quân mỗi năm có nhu cầu cấp mới hoặc đổi 5 triệu thẻ. Hệ thống máy móc thiết bị đã đầu tư chỉ làm việc trong 2 tháng là xong, còn lại bỏ không rất lãng phí”, ông Thắng cho hay.
Tại hội thảo, đại diện các công ty FPT, MK Smart… cho biết hoàn toàn có thể đảm bảo được các yếu tố về bảo mật và chất lượng. Ông Nguyễn Đức Toan, Giám đốc Công ty MK Smart, ước tính nếu để xã hội hóa thì giá thành sản xuất một chiếc thẻ sẽ giảm từ 20 - 30% so với hiện nay, tức 1 chiếc thẻ căn cước hiện nay sản xuất có giá thành khoảng 50.000 đồng sẽ giảm xuống còn 35.000 đồng.
Đồng tình với các đề xuất này, trung tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho biết: “Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công an sẽ tổng hợp, đánh giá lại toàn bộ quá trình cấp thẻ căn cước để chỉ rõ những mặt ưu và nhược điểm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.