Siết chặt quản lý xe phân khối lớn

02/02/2016 08:47 GMT+7

Vụ nhiều xe phân khối lớn (PKL) bất chấp pháp luật vừa qua cho thấy sự bốc đồng của một số dân chơi khiến phong trào mang tiếng xấu.

Vụ nhiều xe phân khối lớn (PKL) bất chấp pháp luật vừa qua cho thấy sự bốc đồng của một số dân chơi khiến phong trào mang tiếng xấu.

9 xe PKL vi phạm bị PC67 Công an TP.Đà Nẵng đưa về đồn - Ảnh: Nguyễn Tú9 xe PKL vi phạm bị PC67 Công an TP.Đà Nẵng đưa về đồn - Ảnh: Nguyễn Tú
Chiều 17.1, xuất hiện đoàn xe PKL hàng chục chiếc, có dấu hiệu vi phạm nên Phòng CSGT (PC67, Công an TP.Đà Nẵng) ngăn chặn, tạm giữ 9 xe phạm lỗi chạy thành đoàn gây cản trở giao thông và cung cấp thông tin cho các báo.
PC67 khẳng định ngoài lỗi cản trở giao thông, còn có 7 xe bị tạm giữ 1 tuần, phạt 400 - 840.000 đồng/xe về lỗi không biển số, không mang bằng lái, giấy tờ, không đăng ký, gắn BS giả, không gương. Các chủ xe đã ký biên bản nhận lỗi, nộp phạt, riêng xe 59A3 - 014.90 vẫn bị tạm giữ do chủ xe không đến giải quyết, PC67 nghi vấn nguồn gốc nên cho giám định.
Sau khi Thanh Niên đăng tin, ông Phạm Minh Thắng (Giám đốc Công ty CP Thành Phú Thịnh), người tham gia đoàn xe trên nhắn tin “dạy” phóng viên phải “viết có tầm và có tâm”, “tin bắt xe không đúng sự thật”, “chỉ để câu view lấy like, tạo cái nhìn phản cảm cho cả cộng đồng” và dọa phóng viên “cái nợ này đến lúc em phải trả”. Là người chơi mô tô PKL lâu năm, lẽ ra ông Thắng nên chấn chỉnh thành viên. Ngược lại, ông này vừa xúc phạm phóng viên, vừa làm xấu hình ảnh người chơi xe PKL.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ nhiệm CLB Mô tô ba bánh thể thao Đà Nẵng, một số người còn nhờ xin lấy xe ra sớm nhưng ông khẳng định phạm luật thì phải bị xử lý và CSGT cần làm nghiêm để phong trào chơi xe có nề nếp. Theo ông Lê Ngọc Tú, Chủ nhiệm CLB Mô tô Đà Nẵng, đó cũng là nỗi lo khi xe PKL ngày càng nhiều.
“Trước đây bằng A2 rất khó, phải vào CLB cấp giấy giới thiệu. Nhờ tiêu chuẩn khắt khe mà hội viên được rèn luyện để hiểu cách chơi, nắm luật, lái xe an toàn, nay bỏ quy định nên nhiều người không cần vào CLB, không biết văn hóa chơi xe. Trong đó, nhiều người có tiền, ngồi lên xe là vênh mặt chứ không hiểu biết, rất máu chạy ngoài đường, nhưng lơ tơ mơ nguy hiểm vô cùng”, ông Lê Ngọc Tú nói.
Siết chặt xe PKL
“Nguyên nhân, học bằng A2 có dạy đạo đức người lái xe, nhưng một số trung tâm và cả người học ít quan tâm. Cần nâng thời gian đào tạo bằng A2, kèm điều kiện kiểm tra hồ sơ vi phạm giao thông, số km an toàn, quy định độ tuổi, kinh nghiệm, quy định bằng cao hơn A2 dành cho xe phân khối cực lớn”, Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng PC67 đề nghị.
Theo ông Lê Ngọc Tú, người chơi xe PKL chân chính không chỉ chơi, mà còn cống hiến với tôn chỉ phải làm gương chấp hành luật giao thông, hoạt động từ thiện và phục vụ các sự kiện toàn quốc. Còn ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng nêu ý kiến: “Ngoài CLB Mô tô thể thao Đà Nẵng do sở quản lý từ 1987 đến nay hoạt động rất uy tín, thì các đội nhóm tự phát bên ngoài sở không nắm được. Xe PKL mức độ nguy hiểm càng cao thì người lái phải có thái độ đúng”.
Trung tá Phan Văn Thương cho biết thêm sau vụ 9 xe PKL vi phạm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo PC67 xử nghiêm, nếu xe gian phải điều tra làm rõ không để vấn đề này làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch, trật tự an toàn giao thông. Ngay sau đó, PC67 yêu cầu toàn lực lượng tổng rà soát mô tô PKL, kiểm tra bằng lái, giấy tờ xe trong năm 2016 và hiện tại số thanh niên bốc đồng chạy xe PKL giảm hẳn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.