Sớm công khai kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ Formosa

22/12/2016 06:00 GMT+7

Ngày 21.12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã làm việc với Bộ TN-MT.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ông vừa có chuyến thực tế tại một số tỉnh miền Trung, chứng kiến sự cố do Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Đặc biệt, Hà Tĩnh và Quảng Bình chịu nhiều thiệt hại lớn, phải hỗ trợ người dân nhiều. “Hàng trăm tấn cá đã bị tiêu hủy vì không đảm bảo chất lượng, hàng nghìn tấn cá sạch không có độc tố nhưng do để lâu ngày, kho bảo quản chuyên dùng không tốt đã ảnh hưởng đến yêu cầu về thực phẩm. Đoàn công tác khi xuống đó thấy thương tâm vô cùng. Cá không đủ nhiệt độ -20 độ, chảy máu, bầm dập, bắt đầu phân hủy… Đấy là điều rất đáng tiếc”, ông Dũng nói.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu hàng loạt vấn đề liên quan đến cấp sổ đỏ cho dân, đặc biệt là những chi phí không chính thức gây khó cho người dân... Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn ở cấp địa phương, nhất là trong việc dồn ô đổi thửa, điều chỉnh cấp lại giấy chứng nhận sử dụng đất, trong khi người dân rất cần sổ đỏ. Lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết trong năm 2017 sẽ cố gắng tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến sổ đỏ, hạn chế nảy sinh khiếu nại, tố cáo.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao Bộ TN-MT xem xét đánh giá các tổ chức, cá nhân liên quan đến cấp phép, xả thải, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), quy trình xử lý trách nhiệm liên quan đến sự cố môi trường này. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã hứa với Quốc hội và các thành viên Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá, kiểm điểm các lỗi vi phạm và công bố công khai trên báo chí. Vì vậy, Bộ TN-MT phải sớm hoàn tất, công khai việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, cá nhân liên quan đến vụ việc Formosa xả thải gây ra thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. “Công luận, dư luận rất quan tâm, đồng chí Bộ trưởng đã hứa với QH, đã hứa mà không làm là không được. Đề nghị Bộ trưởng sớm thực hiện, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết đã sớm triển khai mọi công việc cần thiết từ khi xảy ra sự cố. Đến nay, Bộ TN-MT đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xác định các dấu hiệu vi phạm. Sau đó, sẽ căn cứ vào kết quả của Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xử lý. Bộ TN-MT sẽ thực hiện đúng quy trình xử lý để đảm bảo dân chủ, chính xác và nghiêm minh. Hiện tiến độ công việc này đang rất khẩn trương.
Nếu làm nghiêm, 90% Doanh nghiệp vi phạm môi trường
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết thêm, sau vụ việc Formosa xả thải, Bộ TN-MT đã thanh kiểm tra 336 doanh nghiệp có nguồn thải lớn từ 500 m3/ngày đêm. Đến nay, đã hoàn thiện kết luận thanh tra và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng về tình hình thực trạng tại các khu công nghiệp, kinh tế…, đồng thời kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp để có lộ trình giải quyết. “Nếu hiện nay làm nghiêm theo quy định của luật Môi trường thì 90% các doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ quy định. Thực tế, các nguồn thải khí thải, nước thải, chất thải rắn chưa kiểm soát được, đặc biệt ở các làng nghề, cụm công nghiệp đang thải trực tiếp ra môi trường…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến môi trường của doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài khá phức tạp, liên quan trách nhiệm của cơ quan nhà nước từ cấp T.Ư đến địa phương, điển hình như vụ Nhà máy giấy Lee&Man ở Hậu Giang. “Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và chờ ý kiến của Chính phủ rồi thống nhất lộ trình giải quyết là yêu cầu họ làm lại từ đầu, từ ĐTM cho đến xem xét lại công nghệ đầu tư, quy hoạch, phê duyệt quy hoạch nhà máy bột giấy… Có thể xem xét chỉ cho đầu tư nhà máy giấy chứ không cho đầu tư nhà máy bột giấy để giảm thiểu tác động đến sông Hậu. Đến nay, Chính phủ chưa có cuộc họp để thống nhất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tập hợp để báo cáo Thủ tướng về việc chồng chéo trong quản lý, phối hợp giữa các ngành trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, những việc cần làm trước mắt là Đề án quan trắc biển miền Trung, các chính sách liên quan đến bồi thường, môi trường biển, chất lượng cá biển...
Không được giải ngân chậm tiền đền bù sự cố môi trường biển
Chiều 21.12, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Phó thủ tướng cho rằng các chủ trương đều được thống nhất, lấy ý kiến từ địa phương và do địa phương đưa lên nhưng hiện vẫn còn ý kiến khác nhau dẫn đến tình hình giải ngân của các địa phương cho bà con bị thiệt hại còn chậm. Phó thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần ghi nhận những phản ánh của người dân để tìm giải pháp, nhưng không vì thế mà làm chậm việc giải ngân cho người bị thiệt hại. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cùng với đền bù cần định hướng người dân vươn tới tinh thần khởi nghiệp mới, chuyển đổi tập quán làm ăn nhỏ lẻ sang làm ăn lớn và cho biết nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân đóng tàu lớn để vươn khơi, chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả.
Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.