Vụ rơi thanh dầm thép nặng 140 tấn trong lúc vận chuyển đến điểm thi công cầu vượt Hoàng Minh Giám (Hà Nội) một lần nữa làm dấy lên nỗi lo sợ về mất an toàn của những công trình nghìn tỉ giữa thủ đô.
Ảnh: Anh Đan |
Khoảng 0 giờ ngày 11.3, tại công trường xây dựng cầu vượt bằng thép nối đường Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám, giao với đường Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), một thanh dầm thép khổng lồ dài 60 m, rộng 5,5 m, nặng 140 tấn được chuyển đến địa điểm thi công cầu vượt đã bị rơi nghiêng xuống chắn ngang đường Trần Duy Hưng (ảnh). Ngay sau sự cố, lực lượng chức năng điều 3 xe cẩu trọng tải lớn đến hiện trường giải tỏa, di chuyển thanh thép khỏi chắn ngang mặt đường. Đến hơn 2 giờ cùng ngày, dầm thép đã được di chuyển khỏi hiện trường. Rất may, vụ việc không gây thiệt hại về người.
Theo lý giải của Tổng công ty Thăng Long (nhà thầu phụ chỉ định thi công trụ cầu), khi dầm được chuyển đến công trường, do xe chở đứng ở vị trí khó khăn nên bị nghiêng mâm quay làm dầm nghiêng xuống mặt đường.
Vụ rơi thanh dầm khổng lồ trên vẫn có thể xem là một vụ “nhỏ” nếu so với hàng loạt sự cố mất an toàn trong thi công tại các công trình giao thông lớn tại Hà Nội. Trước đó, tháng 8.2013 trong quá trình thi công cầu vượt Daewoo (Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã) do lỗi kỹ thuật, đơn vị thi công đã làm rơi một dầm cầu bằng thép dài hàng chục mét xuống đường, khiến một chiếc xe cẩu bị hư hỏng.
Giữ kỷ lục trong số công trình có số vụ mất an toàn lao động là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, từ việc rơi vữa bắn vào người đi đường, thanh thép văng ngang đường tới mẩu thép rơi xiên vào xe ô tô, sập giàn giáo thi công… Đến ngày 6.11.2014, tại đây, khi đơn vị thi công là Xí nghiệp cầu 17 đang cẩu sắt phục vụ thi công thì đứt cáp, nhiều thanh sắt rơi xuống dòng người đang di chuyển khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Công nhân phổ thông làm thay công nhân kỹ thuật
Các sự cố trên đều xuất phát từ lỗi chủ quan, sơ suất trong thi công, đồng thời đặt một dấu hỏi cho vấn đề kiểm soát quy trình an toàn trong thi công của nhà thầu.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, chủ đầu tư của dự án Cát Linh - Hà Đông cho biết số lượng nhà thầu phụ của dự án rất lớn. Hiện tại, ban quản lý đang yêu cầu rà soát lại số lượng nhân công… Nhà thầu phụ một gói thầu của Cát Linh - Hà Đông cũng đã thôi việc 2 tổ trưởng và một nhóm thợ do không đảm bảo các quy trình về an toàn lao động.
Theo một doanh nghiệp trong ngành giao thông, trên thực tế chủ đầu tư thường chỉ kiểm soát được nhà thầu chính, nhà thầu chính lại thuê các thầu phụ khác để thi công các hạng mục nhỏ. Đáng chú ý do khối lượng công việc rất lớn, nên ngoại trừ một số công nhân kỹ thuật cao, đa số nhà thầu phụ đều sử dụng lao động thời vụ thông qua một tổ trưởng được đại diện ủy quyền. Phần lớn những lao động phổ thông này làm các công việc như phụ hồ, bưng cốp pha… và không được ký hợp đồng lao động. Vì khi thi công, nhà thầu phụ cho phép các tổ trưởng cơ chế “linh hoạt”, cụ thể, nhà thầu khoán cho tổ trưởng số lượng kinh phí và khống chế về mặt thời gian, việc thuê bao nhiêu lao động thời vụ là do tổ trưởng quyết, miễn đảm bảo tiến độ và trong giới hạn kinh phí. Vì vậy, trên thực tế có lao động phổ thông được thuê làm nhưng thiếu kỹ năng hoặc thiếu bảo hộ lao động.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, việc tuyển công nhân phổ thông vào làm công việc của công nhân kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình xây dựng. Ông Hùng đưa ra con số đáng báo động khi chỉ có khoảng 20% công nhân kỹ thuật được học hành, còn lại đa số là lao động tự do.
Ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, tình trạng “vơ” lao động tự do vào thi công lại đang diễn ra khá phổ biến ở VN, không chỉ riêng công trường đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Điều này phần nào cho thấy sự thiếu vắng vai trò quản lý giám sát của cơ quan chức năng, của chủ đầu tư cũng như thanh tra lao động tại các dự án.
Bình luận (0)