Quy định về sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô ghi rõ, khi xe chạy quá tốc độ thì tín hiệu cảnh báo gồm đèn hiệu và âm thanh sẽ phát ra, nhưng nhiều tài xế đã phớt lờ, dẫn đến những tai nạn giao thông thảm khốc.
Hiện trường vụ tai nạn làm 4 người chết ở Trà Vinh - Ảnh: Vũ Lê
|
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc trên tuyến QL53 (tỉnh Trà Vinh) khiến 4 người chết vào ngày 7.5, dù sự việc đang được điều tra nhưng bước đầu cơ quan chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp (DN) và tài xế.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 8.5, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết việc cả 2 xe khách cùng lưu thông với tốc độ rất cao, trên 110 km/giờ được ghi nhận qua thiết bị giám sát hành trình nhưng không được ngăn chặn hay cảnh báo, chứng tỏ DN và tài xế đã có dấu hiệu vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải.
“Theo quy định pháp luật, cụ thể tại Thông tư 23/2013 của Bộ GTVT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô quy định rõ, khi xe chạy quá tốc độ thì tín hiệu cảnh báo gồm đèn hiệu và âm thanh sẽ phát ra, nhưng tài xế đã phớt lờ. Mặt khác, DN vận tải phải có bộ phận giám sát an toàn hoạt động 24/24, nghĩa là khi có thông tin từ thiết bị giám sát hành trình gửi về thì DN phải nhắc nhở, cảnh báo tài xế nhưng trong vụ việc ở Trà Vinh DN không làm”, ông Hùng nói.
Theo một DN cung cấp thiết bị hành trình tại Hà Nội, chiếu theo quy chuẩn của Bộ GTVT, khi phương tiện có dấu hiệu vi phạm về an toàn như vượt quá tốc độ thì thiết bị trên xe sẽ phát ra âm thanh có cường độ rất chói tai, không chỉ tài xế mà mọi người trên xe đều nhận biết.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia), bên cạnh việc khắc phục hậu quả, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm quản lý của 2 DN vận tải trong vụ tai nạn ở Trà Vinh. “Căn cứ các dấu hiệu vi phạm, tùy theo mức độ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tước phù hiệu, giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc các biện pháp xử lý khác”, ông Hùng cho biết.
|
“1 biên chế theo dõi tín hiệu cũng không có”
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, từ các vụ tai nạn thảm khốc ở Trà Vinh, vụ tai nạn xe khách làm chết 7 người ở Đà Nẵng và các vụ xảy ra thời gian qua cho thấy nguyên nhân là do các tài xế phóng nhanh vượt ẩu. Những biểu hiện vi phạm đã được thể hiện rõ trên thiết bị giám sát hành trình.
Tại Tổng cục Đường bộ VN có Trung tâm quản lý dữ liệu phương tiện. Theo đó, tất cả các phương tiện có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ gửi các dữ liệu hành trình đến trung tâm, trong trường hợp phương tiện chạy quá tốc độ hoặc vi phạm về các an toàn khác thì tín hiệu sẽ chuyển sang màu đỏ cảnh báo nguy hiểm.
Vì sao nhận biết được tín hiệu mất an toàn mà không ngăn chặn được, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết do sự kết nối giữa các cơ quan chức năng rất hạn chế.
“Số lượng phương tiện rất lớn, nhưng chúng tôi ngay cả 1 biên chế theo dõi tín hiệu cũng không có nên chỉ khai thác thông tin định kỳ hằng tháng rồi chuyển cho Ủy ban ATGT quốc gia, các sở GTVT xử lý theo kiểu hậu kiểm còn xử lý tức thời là không có”, ông Quyền nói và cho biết theo quy định pháp luật hiện hành thì cơ chế theo dõi và cảnh báo tức thời là do DN vận tải: “Các chủ DN khi nhận được tín hiệu thì phải gọi cho tài xế chấn chỉnh”.
Ông Khuất Việt Hùng cũng nhìn nhận việc giám sát của các cơ quan chức năng từ thiết bị giám sát hành trình đang gặp nhiều hạn chế; việc xử lý theo kiểu hậu kiểm hoặc lúc nào xảy ra việc mới chạy đi kiểm tra không giải quyết được tận gốc tình hình tai nạn giao thông: “Kể cả việc giao trách nhiệm cho DN như hiện nay cũng gặp nhiều bất ổn bởi họ do lợi nhuận sẽ tìm nhiều lý do để đối phó”.
Để khắc phục, ông Hùng cho biết Ủy ban ATGT quốc gia đang hoàn thiện đề án Ứng dụng thông tin về ATGT. Với ứng dụng này, khi xảy ra những yếu tố mất an toàn trên phương tiện đang lưu thông, hệ thống giám sát hành trình sẽ tự động gửi tín hiệu cảnh báo về các Sở GTVT (nơi cấp giấy phép lái xe và cả nơi phương tiện đi qua); đồng thời gửi đến lực lượng CSGT tại các địa phương này để xử lý ngăn chặn ngay lập tức, tránh hậu quả xấu như vụ tai nạn ở Trà Vinh.
“Hiện nay dữ liệu từ các cơ quan có thẩm quyền rất rời rạc, bên đăng kiểm quản lý một dữ liệu, CSGT quản lý một dữ liệu, y tế cũng một dữ liệu. Phải làm sao để kết nối thành cùng một hệ thống và chia sẻ dùng chung. Chúng tôi đang tính toán đến cơ chế gửi thông tin cảnh báo để ngăn chặn, gửi trực tiếp cho trưởng phòng CSGT hay lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, qua hệ thống tin nhắn hay là trang bị điện thoại kết nối internet. Những việc này đang được làm rất gấp rút”, ông Hùng nói.
Xử lý nghiêm tài xế chạy quá tốc độ Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Chín Nghĩa (đơn vị có xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM và nhiều tỉnh, thành) cho biết tất cả xe của công ty đều được gắn thiết bị giám sát hành trình nên mọi hoạt động của mỗi xe đều được công ty theo dõi và kiểm soát. Vì vậy, khi các tài xế cho xe vượt quá tốc độ cho phép sẽ bị công ty xử lý. Cụ thể, nếu tài xế vi phạm tốc độ lần 1 sẽ bị Phòng điều độ của công ty lập biên bản nhắc nhở, lần thứ 2 tài xế bị cảnh cáo và đình chỉ lái xe 1 tháng, còn lần thứ 3 sẽ bị đình chỉ lái thời hạn dài hơn để răn đe. Tuy nhiên, có những trường hợp tài xế vi phạm tốc độ lần 2, lần 3 nhưng có tính chất nghiêm trọng như đoạn đường quy định tốc độ tối đa chỉ 60 - 70 km/giờ mà chạy 100 km/giờ thì công ty đình chỉ lái vĩnh viễn hoặc cho nghỉ việc. Đình Mười |
Bình luận (0)