Anh Nhứt cho biết, ban đầu nghe đài báo hướng đi của bão số 1 là tây tây bắc, không ngờ sau đó bão thay đổi hướng đi, nên thay vì chạy tránh bão thì cả đoàn tàu lại lao vào gần tâm bão hơn. Tàu chạy 2 ngày 2 đêm đến một hòn đảo ngầm trong vùng biển Hoàng Sa thì tấp vào tránh. Tàu ĐN 90325 chạy trước tìm chỗ tránh gió liền bị mắc cạn. Rất may, sau một hồi xử lý, tàu này thoát được. Biết không thể tránh bão tại đảo ngầm này, đoàn tàu tiếp tục lao về phía trước. Khi ấy gió giật cỡ cấp 10, từng đợt sóng to đổ ập xuống tàu.
|
Thật may, sau 3 ngày chỉ nhai mì tôm sống, tốp 8 tàu đều thoát hiểm nhờ hướng đi của bão lại thay đổi. Lúc này, cả tốp đang nằm tại vùng biển... Quy Nhơn.
***
Đến bây giờ, khi đã bình yên trở về gặp vợ con, anh Nguyễn Văn Thanh (Hòa Minh, Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ chiếc tàu DNA 90090 vẫn chưa hết thảng thốt, bàng hoàng khi nhắc đến những gì anh đã trải qua vào cái ngày 17 kinh hoàng ấy - khi con tàu của anh chống chọi với cơn bão số 1.
Cơn bão ập đến thuyền anh sớm hơn những ngư dân bị nạn nửa ngày. Mặc dù đã lo chặt giàn, vứt thúng và tất cả đồ đạc xuống biển trước khi bão đến nhưng con thuyền như muốn lật úp trước mỗi đợt sóng. "Từ 6 giờ sáng 17.5, chúng tôi đã chịu ảnh hưởng trực tiếp, sóng lớn lắm. Anh em thủy thủ thay nhau bơm, tát nước tràn ra khỏi thuyền, rồi đổ dầu và luyn quanh thuyền cho bớt sóng". Đợt ra khơi này, tàu của anh đi cùng tàu của người cha ruột DNA90269. Trên hai thuyền có tổng cộng hơn 40 lao động, trong đó có đến 12 người là bà con trong nhà với anh Thanh. Mưa xối xả, sóng lớn cao hơn thuyền cả ba, bốn mét, hai tàu chỉ cách nhau 1 hải lý nhưng không thể nhìn thấy. Chị Mót vợ anh tâm sự: "Lúc đó, mẹ con tui chỉ biết ôm nhau khóc thôi vì qua máy ICOM, tui nghe được tiếng ảnh khóc, dặn dò với vợ con". "Bây giờ chạy vào đất liền cũng bị, mà đứng một chỗ cũng bị, thôi thì còn nước còn tát, anh em trên người lúc đó chỉ còn duy nhất một chiếc quần đùi, mọi người đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái can nhựa sẵn đề phòng nếu thuyền có chìm...", anh Thanh nhớ lại.
Cả người và thuyền thi nhau vật lộn với sóng gió. May mắn là đến 5 giờ chiều, bão bắt đầu tan. Ngày 19.5, tàu của cha con anh trở về trong niềm vui sướng tột cùng của gia đình và những người thân dù đã mất hết của...
***
Suốt từ tảng sáng hôm qua 20.5, gia đình ngư dân Nguyễn Văn Thu (42 tuổi) liên tục có khách đến chúc mừng. Anh Thu cùng con trai Nguyễn Văn Vũ (20 tuổi) là hai trong số 4 người ở Bình Hải thoát chết trong cơn bão số 1 vừa trở về nhà lúc 22 giờ ngày 19.5. Họ đi trên tàu ĐNA-90037 của chủ tàu tên Tuấn ở 11B Phan Bội Châu, Đà Nẵng. Anh Thu nhớ lại: "Lúc đó, ngày 17.5, tàu ĐNA-90037 nằm ngay trung tâm bão. Khi gió xoáy mạnh, chúng tôi chặt giàn, vứt thúng chai rồi chạy. Cứ nhắm hướng Việt Nam mà chạy đại, sống về, chết thôi, ai thoát được thì thoát!".
Kinh nghiệm 13 năm đi biển và "chạm mặt" lần thứ hai với cơn bão có sức gió giật trên cấp 12 khiến anh Thu bình tĩnh hơn nhiều ngư dân khác. Chạy suốt 24/24, ròng rã 2 ngày 2 đêm với tốc độ 7-9 hải lý/giờ, mãi đến khi thoát khỏi vùng biển gần đảo Hải Nam anh mới biết mình còn sống. Tàu cập Thanh Bồ, Đà Nẵng hồi 9 giờ sáng 19.5, cả 21 người tái nhợt mặt cắt không còn giọt máu. Anh Thu và con trai, 2 người ở xã Bình Hải (cùng 38 tuổi) Hà Minh Lai - Nguyễn Tấn Cường, 3 người ở xã Bình Dương, 14 người ở xã Bình Minh (Thăng Bình-Quảng Nam) sau khi tính toán tiền công chỉ vừa bù chi phí chuyến đi đã thuê chuyến xe về ngay trong đêm. "Vác được xác về là mừng. Nhưng sẽ lại đi biển chớ, sinh nghề tử nghiệp mà !" - anh Thu quả quyết. Riêng con trai của anh mới 2 chuyến đi biển trong đời đã kinh hoàng, về đến nhà là vứt tất cả dụng cụ đi biển, cương quyết đi học nghề mới trên cạn...
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chia buồn với đồng bào bị nạn Ngày 21.5, được tin cơn bão số 1 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của ngư dân ở một số tỉnh miền Trung, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện chia buồn tới Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. toàn văn như sau: Kính gửi: Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi Tôi rất xúc động khi được tin vừa qua cơn bão số 1 đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản của ngư dân ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi gửi lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc đến Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, đến gia đình và thân nhân người bị nạn. Tôi đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện tốt điện của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tìm kiếm cứu nạn của trung ương, bộ đội biên phòng để tìm mọi biện pháp tiếp tục tìm kiếm những người còn bị mất tích, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc cứu trợ, cứu nạn. Đồng thời tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên giúp đỡ các gia đình bị nạn, tổ chức chu đáo việc mai táng những người bị chết. Tôi mong Đảng bộ và nhân dân các tỉnh, thành phố sớm vượt qua tổn thất, mất mát này, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2006 của cả nước. Nông Đức Mạnh |
Đoàn tàu tham gia cứu nạn bắt đầu quay về Theo một số nguồn tin mới nhất, đoàn tàu ngư dân Thanh Khê thoát nạn trong cơn bão Chanchu đã chuyển hướng quay về. Trên 3 con tàu của các tài công quê Đà Nẵng gồm Cu Đen, Tèo Ròn, Sinh Xoài có số đuôi 45, 99, 89 là 17 thi thể và 6 bạn nghề được cứu trong bão biển - chưa kể 3 người sống sót khác đã bàn giao sang tàu Quảng Ngãi. Trên tàu có số đuôi 27 của tài công quê Thăng Bình, xuất phát trễ hơn có 3 thi thể khác. Như vậy sau mấy ngày đêm tìm kiếm, hơn 20 tàu ngư dân tham gia cứu nạn chỉ vớt được 20 ngư dân xấu số và 9 bạn nghề may mắn. Chúng tôi đã nỗ lực liên lạc với các tàu nhưng chỉ rõ họ tên mỗi anh Phạm Văn Hoa, 19 người còn lại phải chờ người thân nhận diện khi về đến đất liền. Về một số nguồn tin trích dẫn cho rằng tàu nước ngoài đã phát hiện và cứu sống 97 rồi 300 và 570 ngư dân Việt Nam trong bão Chanchu, theo các nhà tàu tại Thanh Khê, rất có thể do họ tính gộp toàn bộ số người trên các tàu được lệnh ở lại tham gia cứu nạn và sau đó họ gặp trên biển, có giúp đỡ một ít nhiên liệu, thuốc men và thuốc khử mùi. Trả lời Thanh Niên qua ICOM, một số tài công tham gia cuộc tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện dòng hải lưu chảy lên hướng Bắc trong khi đoàn tàu ngư dân đang xuôi xuống hướng Nam nên việc tiếp tục phát hiện các thi thể là rất khó khăn. Tuy nhiên trong số hơn 200 ngư dân ghi nhận mất tích, họ hy vọng vẫn còn khá nhiều người còn sống do dạt vào một số hòn đảo xa nào đó, đặc biệt đối với số người trên 4 con tàu đến nay vẫn chưa tìm ra dấu vết xác tàu. Đặng Ngọc Khoa
Tổng hợp tình hình thiệt hại (đến 21.5.2006): Chưa liên lạc được với 229 ngư dân Phương tiện bị chìm: 1- Tàu DNa 90079: Chủ tàu Ngô Tấn Nhất, gồm 24 lao động (Đà Nẵng 2 người, Quảng Nam 22 người). 2- Tàu DNa 90093: Ngô Văn Chiếu, gồm 19 lao động (Đà Nẵng 15, Quảng Nam 4). 3- Tàu DNa 90053: Lê Thị Huệ, gồm 32 lao động (Đà Nẵng 3, Quảng Nam 28, Quảng Ngãi 1). 4- Tàu DNa 90154: Nguyễn Thị Phượng, gồm 26 lao động (Đà Nẵng 7, Quảng Nam 19). 5- Tàu DNa 90199: Phạm Văn Xinh, gồm 21 lao động (Đà Nẵng 6, Quảng Nam 13, Huế 1, Tiền Giang 1). 6- DNa 90321: Trần Văn Ý, gồm 21 lao động (Đà Nẵng 15, Quảng Nam 5, Huế 1) 7- DNa 90190: Trương Văn Minh, gồm 26 lao động (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 24). (Tổng cộng 169 lao động, trong đó Đà Nẵng 50 người, Quảng Nam 115 người, Quảng Ngãi 1 người, Thừa Thiên - Huế 2 người, Tiền Giang 1 người). Phương tiện mất liên lạc (nghi đã bị chìm): 1- DNa 90247: Chủ tàu Nguyễn Văn Ánh, gồm 19 lao động (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 15, Quảng Ngãi 1, Thừa Thiên - Huế 1). 2- DNa 6126: Đỗ Văn Đường, gồm 21 lao động (Đà Nẵng 10, Quảng Nam 11). 3- DNa 6018: Bùi Văn Vịnh, gồm 20 lao động (Đà Nẵng 19, Bình Định 1). (Tổng cộng 60 lao động, trong đó Đà Nẵng 31 người, Quảng Nam 26 người, Quảng Ngãi 1 người, Huế 1 người, Bình Định 1 người). Ba tàu đang trên đường vào Đà Nẵng (đến trưa ngày 21.5 đã ở tọa độ 19 độ 10 Bắc - 114 độ 25 Đông): 1- DNa 90345: Lê Thị Huệ, gồm 28 lao động. 2- DNa 90299: Lê Thị Huệ, gồm 32 lao động. 3- DNa 90389: Nguyễn Văn Cử, gồm 27 lao động. (Tổng cộng 104 người, trong đó có 81 người của 3 tàu trên, 6 người được cứu và 17 người chết). Như vậy, tổng số lao động đi trên các phương tiện đã bị chìm và các phương tiện mất liên lạc (nghi đã bị chìm) là 229 người. Số thi thể vớt được cho đến chiều 21.5 vẫn chưa có thông tin chính xác về số lượng và tàu nào chở. Ngoài ra, theo các tàu gọi về, đã có 4 ngư dân và 1 xác quê ở Bình Định đã được trao cho tàu đánh cá thuộc tỉnh Bình Định ngay ngoài biển. 15 tàu đang tham gia cứu hộ tại khu vực biển gần Đài Loan gồm các tàu DNa 90261, 90151, 90342, 90307, 90111, 90152, 90019, 90354, 90369, 90244, 90351, 90370 và 3 tàu đang tiến hành đưa nạn nhân vào bờ. Huỳnh Thu (ghi) |
Hữu Trà - Phương Thảo - Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)