Đó là thực trạng được đề cập tại Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng do Viện KSND tối cao tổ chức vào ngày 6.7 ở TP.HCM.
Một số bài báo của Thanh Niên về các vụ án tham nhũng - Ảnh: T.L
|
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Viện KSND tối cao; lãnh đạo các Viện KSND tỉnh, thành; đại diện lãnh đạo Bộ Công an...
60% vụ thay đổi tội danh
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM, bộ luật Hình sự quy định rất nhiều tội danh như lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm; tội cố ý làm trái; tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng… nhưng mô tả hành vi phạm tội thì gần giống nhau. Điều này gây khó khăn cho người áp dụng, dẫn đến nhiều vụ án cơ quan khởi tố, truy tố đã xác định tội danh nhưng khi chuyển sang tòa án thì tòa trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung, thay đổi tội danh khác.
Khó khăn lớn khác là quy định hiện chưa rõ ràng về mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xử lý đúng người, đúng tội.
Ông Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng Viện KSND TP.Hà Nội, cũng “than” việc xử lý án tham nhũng bị kéo dài do gặp rất nhiều vướng mắc. Tại Hà Nội ít có vụ án tham nhũng nào được giải quyết trong thời hạn quy định 12 tháng vì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nguyên nhân là về tội danh để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì quan điểm xử lý của cơ quan tố tụng có lúc cũng còn khác nhau bởi cách hiểu về các khái niệm như thế nào là cơ quan, tổ chức có tài sản nhà nước, như thế nào là người có chức vụ, quyền hạn… chưa thống nhất. Tại Hà Nội có đến 60% vụ án tham nhũng phải thay đổi tội danh, thường là từ tội tham nhũng chuyển sang tội chiếm đoạt tài sản mà ít có chiều ngược lại. “Đây là một nghịch lý và nếu không giải quyết thống nhất thì gây khó khăn cho việc xử lý án tham nhũng”, ông Thành nói và đề xuất nếu tài sản nhà nước trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ trên 51% thì xử lý về tội tham ô, dưới 51% xử lý về tội chiếm đoạt.
Địa phương báo không có án nhưng trung ương quá tải
Tại hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính T.Ư, cho biết từ năm 2013 số án tham nhũng do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo là 24 vụ, đến nay mới giải quyết dứt điểm 5 vụ, còn 19 vụ đang tiếp tục xử lý. Án do Ban Nội chính T.Ư theo dõi có 15 vụ, đến nay mới giải quyết xong 5 vụ, còn 10 vụ, chưa kể mới bổ sung thêm 7 vụ. Án do các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo có 40 vụ, đến nay mới giải quyết xong 17 vụ, còn 23 vụ và mới bổ sung thêm 17 vụ khác. Trong các vụ đã xét xử sơ thẩm có đến 8 án tử hình với 7 đối tượng (có đối tượng bị tuyên 2 án tử hình); 9 án chung thân; 4 án 30 năm tù; nhiều mức án 20 năm tù; án treo rất ít, chỉ có vài đối tượng.
Tuy nhiên, ông Trạc cho rằng tiến độ xử lý án tham nhũng còn chậm; trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, có vụ Viện KSND trả 4 lần, tòa án trả 2 lần; rất nhiều vụ án khởi tố từ năm 2012 nhưng hiện vẫn chưa kết thúc việc xử lý. Có tình trạng cấp trên điều tra nhưng bị cấp dưới trả hồ sơ, có khi trả 2 - 3 lần. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất nên mời tòa án tham gia ngay từ khâu điều tra vì kết quả cuối cùng do tòa án xét xử. “Tôi nghĩ án này là án công khai, không có gì bí mật hết. Chỉ trừ trường hợp có ý đồ gì đấy mà không có công khai", ông Trạc nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao, nhìn nhận sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng “cơ bản thì tốt nhưng trục trặc vẫn còn”. Ông khẳng định: “Chúng ta đang có một thực tế không hợp lý lắm là các địa phương có xu hướng án tham nhũng giảm, trong khi tình hình tham nhũng phức tạp. Các địa phương đều báo cáo giảm 50%, có địa phương không có án tham nhũng nhưng ở T.Ư thì quá tải”.
Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Viện KSND tối cao, tình hình tội phạm tham nhũng trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành. Từ 1.12.2014 đến 31.5.2015, toàn ngành đã kiểm sát khởi tố mới 99 vụ với 248 bị can về tội tham nhũng, trong đó có 70 vụ án được khởi tố qua công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong kỳ, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng đã phát hiện, khởi tố điều tra 3 vụ tham ô tài sản với số tiền chiếm đoạt lớn, điển hình như vụ Nguyễn Đức Hoàn, Trưởng phòng, Xí nghiệp 45, Công ty Hà Thành, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội tham ô 17 tỉ đồng; vụ Mai Viết Hải, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên bán hàng thuộc Xí nghiệp 406, Công ty TNHH một thành viên 622, Quân khu 9 tham ô hơn 4 tỉ đồng...
|
Bình luận (0)