Tháo hết quảng cáo nguy hiểm trên cao tốc

Cả các chuyên gia và cơ quan quản lý đều yêu cầu phải sớm xử lý, tháo hết những biển quảng cáo gây nguy hiểm trên đường cao tốc, đặc biệt là tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nguy hiểm như nhắn tin khi lái xe
Quy định pháp luật thì đất công trình giao thông đường bộ chỉ để xây dựng những hạng mục phục vụ công tác giao thông. Mà trong danh mục công trình giao thông thì không có cái nào gọi là “biển quảng cáo” cả
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (thuộc Tổng cục Đường bộ VN)
Kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, Việt kiều Đức nói thẳng, đường cao tốc thì không được đặt biển quảng cáo. Ở các quốc gia như Mỹ, Đức, đường cao tốc chỉ có biển hướng dẫn giao thông. Thậm chí, ngay cả các tuyến quốc lộ cũng chỉ cho đặt các trạm xăng dầu, chứ không cho đặt biển quảng cáo. Theo ông Đồng, việc đặt biển quảng cáo dày đặc như hiện nay trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có thể nói nguy hiểm như nhắn tin điện thoại khi lái xe. Lúc đó, chữ trên biển quảng cáo càng nhỏ thì người lái xe càng có tâm lý cố đọc.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Đại học Bách khoa TP.HCM chỉ ra nghịch lý: "Ở nước ngoài không đặt biển quảng cáo trên đường cao tốc mà chỉ đặt biển tín hiệu giao thông. Ngược lại, đường cao tốc của VN thì rất ít biển hướng dẫn mà dày đặc biển quảng cáo. Trong khi đó, thông tin về giao thông của tuyến đường như khoảng cách đến trạm xăng, giao lộ, lộ trình... lại rất ít".
Ở khía cạnh kỹ thuật, PGS-TS Phạm Xuân Mai cho biết hầu hết biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc ở VN đặt bên góc đường, còn ở các nước thì biển chỉ dẫn đặt giữa đường cao tốc, rất dễ quan sát khi lái xe. Tương tự, ở các nước, biển quảng cáo chỉ đặt ở khu vực trạm dừng chân vì không ảnh hưởng đến giao thông, đồng thời hiệu quả quảng cáo cũng cao hơn.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh đề nghị, nếu các biển quảng cáo nằm ngoài hành lang đường bộ cao tốc, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm tiến hành thực nghiệm cụ thể từng tình huống khi lái xe, kết hợp các biển quảng cáo, khoảng cách, màu sắc... để đi đến kết luận có đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông hay không. Từ đó, mới xem xét cho phép hay cấm đặt các biển quảng cáo bên ngoài hành lang cao tốc.
Rà soát, tháo dỡ...
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, kinh nghiệm quốc tế lẫn quy chuẩn VN đều có những tính toán chi tiết, khoa học về kích thước, số chữ, cỡ chữ của biển quảng cáo tương ứng với tốc độ lưu thông phổ biến của mỗi tuyến đường. Thế nhưng, về tổng thể, đối với các tuyến đường cao tốc thì không nên duy trì hệ thống biển quảng cáo bởi tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (thuộc Tổng cục đường bộ), cho hay Cục Quản lý đường bộ cao tốc đã trực tiếp làm việc với VEC về vấn đề những biển quảng cáo sai quy định trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. “Lãnh đạo VEC cho biết đã yêu cầu các công ty con - đơn vị trực tiếp quản lý tuyến phải rà soát, tháo dỡ những biển trái phép và tổng công ty sẽ có báo cáo về cơ quan quản lý trong tuần tới”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện nay quy định không ghi là “cấm” quảng cáo đối với dải phân cách trên các đường quốc lộ, cao tốc nhưng phải nên hiểu là cấm. “Quy định pháp luật thì đất công trình giao thông đường bộ chỉ để xây dựng những hạng mục phục vụ công tác giao thông. Mà trong danh mục công trình giao thông thì không có cái nào gọi là “biển quảng cáo” cả”, vị phó cục trưởng giải thích.
Ông Tuấn cũng cho hay, cơ quan này sẽ tiến hành rà soát với những tuyến đường khác và tùy vào phân cấp quản lý sẽ kiến nghị loại bỏ hết những hạng mục không phục vụ cho việc lưu thông được an toàn và tiện lợi. Quan điểm của Cục là những biển này phải tháo hết. phải đảm bảo an toàn giao thông
Cũng hôm qua, trả lời câu hỏi của Thanh Niên, đại diện VEC cho rằng các biển quảng cáo này trước đây được lắp lên chủ yếu để phục vụ mục đích tuyên truyền an toàn giao thông hoặc các ngày lễ lớn, tương tự như ở trên cầu Thăng Long hay cầu Nhật Tân ở Hà Nội.
“Đơn vị quảng cáo nói những biển này được địa phương cấp phép theo luật Quảng cáo, song quan điểm của VEC là việc này cần phải chịu điều chỉnh của luật Giao thông đường bộ. Cho nên, cái nào trong phạm vi công trình mà VEC quản lý thì chúng tôi sẽ cho tháo dỡ. Những cái thuộc những phần đường đã giao cho địa phương hay cơ quan khác thì chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với địa phương”, vị này cam kết.
Đại diện VEC cho biết thêm, từ năm 2007, Thủ tướng đã có Quyết định 1202 cho phép VEC được thí điểm đầu tư khai thác một số dịch vụ dọc tuyến cao tốc mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư như trạm xăng dầu, trạm dừng xe, quảng cáo... để duy tu bảo dưỡng đường và tiền thu được sẽ được tính vào hiệu quả đầu tư của dự án. “Tuy nhiên trong văn bản nội bộ, tổng công ty đều yêu cầu các công ty con trực tiếp vận hành và khai thác như VEC OM hay VEC E phải tuân thủ các quy định về đảm bảo hành lang an toàn giao thông”, ông nói thêm.
Sai vẫn cãi chày, cãi cối
Trước đó, theo đại diện Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E, đơn vị ký hợp đồng với công ty quảng cáo về việc cho thuê đặt các biển quảng cáo), việc lắp đặt các biển tuyên truyền về an toàn giao thông kết hợp quảng cáo là đúng quy định tại mục 5, điều 2, Quyết định số 1202 ngày 10.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này cho phép Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, chuyên gia Phạm Sanh khẳng định, Quyết định 1202 có lưu ý “phải đảm bảo đúng pháp luật”. Nghĩa là việc thí điểm này phải đảm bảo tuân thủ luật Giao thông đường bộ như Nghị định số 11 ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đối chiếu với các quy định có hiệu lực pháp lý cao hơn, thì việc cho thuê quảng cáo trong đất đường bộ là không đúng về vấn đề an toàn giao thông.
Trả lời Thanh Niên ngày 9.9, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng trách nhiệm của Tổng công ty VEC là phải kiểm tra, xử lý. Bởi Nghị định số 11 của Chính phủ đã quy định rõ không được đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường cao tốc. Còn với trường hợp các biển quảng cáo trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay, thì thuộc đất của đường bộ hẳn hoi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.