Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: không di chuyển trạm Cai Lậy

17/08/2017 18:11 GMT+7

Dù thừa nhận nhiều bất cập, nhưng tại cuộc họp báo về trạm thu phí Cai Lậy chiều nay 17.8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ không di chuyển vị trí trạm.

Tại cuộc họp, PV các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Người dân bức xúc vì vị trị đặt trạm Cai Lậy bất hợp lý, Bộ Giao thông vận tải có tính tới việc di chuyển trạm?
Ông Nguyễn Ngọc Đông: Việc đặt trạm thu phí có cả quá trình diễn ra lâu, trạm Cai Lậy đặt trên phạm vi dự án, đã lấy ý kiến các bộ liên quan và địa phương như Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội. Mục tiêu tối cao là hài hòa lợi ích và có đường tốt hơn để đi, nhà đầu tư cũng phải có lợi nhuận thì mới đầu tư, người cấp vốn cũng phải thấy khả thi.
Theo luật Đầu tư và Nghị định 108 phạm vi áp dụng dự án BOT đều có cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa những tuyến đường hiện có. Việc tăng cường mặt đường, bảo trì đường bộ hàng năm chỉ vá, sửa chữa chứ không nâng cấp cải tạo được. Đối với dự án Cai Lậy có hợp phần nâng cấp cải tạo mặt đường trên quốc lộ 1, cải tạo, nâng cấp các cầu trên quốc lộ 1 rất quan trọng và làm tuyến tránh Cai Lậy. Trạm nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển vị trí trạm.
Có ý kiến mức phí Cai Lậy cao hơn cao tốc Trung Lương, thực tế thế nào thưa ông? Bộ Giao thông vận tải có tính tới việc mua lại trạm Cai Lậy?
Hai phương án thu phí khác nhau, cao tốc Trung Lương thu phí kín, hiện đại, đảm bảo công bằng nhất, không hạn chế thời gian hoàn vốn. Trạm Cai Lậy thu phí lượt, căn cứ vào phương án tài chính và có khả thi hay không, hài hòa lợi ích của các bên.
Các trạm BOT tuyến tránh tương tự Cai Lậy, đường một nơi trạm một nẻo tới đây Bộ Giao thông vận tải sẽ giải quyết như thế nào? Tại sao nhiều dự án BOT chỉ thảm lại mặt đường vẫn được thu phí?
Dự án trải thảm mấy lớp, cải tạo nâng cấp cầu, cải tạo nâng cấp mặt đường. Hai đoạn này trên quốc lộ 1 khi xem xét đều đã thấy xuống cấp nên mới đưa vào phạm vi dự án Cai Lậy.
Việc thu hút vốn bằng hình thức PPP đã có từ lâu ở Việt Nam. Đã có những chỗ này chỗ kia chưa được sự đồng thuận của người sử dụng, người trả phí đã được xử lý. Hiện bộ đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát tất các trạm BOT để điều chỉnh như mức phí, thời gian…

Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm Cai Lậy chắc không có, chúng tôi đang nợ nhiều lắm, ứng rồi nhưng giờ chưa trả.

Về nguyên tắc người dân được lựa chọn đi hoặc không đi tuyến đường BOT, nhưng nhiều dự án BOT khiến người dân “không có lối thoát"?
Thực tế do nguồn ngân sách quá ít, chúng tôi cũng lo ngại trong tương lai với mức ngân sách này thì việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ sẽ rất khó khăn. Nên việc cải tạo, nhượng quyền khai thác trên tuyến đường cũ cũng là một giải pháp. Bây giờ các dự án BOT chỉ được làm tuyến mới.
Thực tế ai cũng mong muốn được đi lại không mất phí, chỉ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phải thu hút vốn từ kênh tư nhân để đầu tư, gần như bức tranh chung trên thế giới. Như vậy mới có hệ thống đường sá tốt hơn. Nhà nước có đủ tiền bỏ ra làm hết thì quá tốt nhưng ngân sách Nhà nước không đủ.
Đối với kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 vốn cho ngành giao thông chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu đặt ra, 70% thì chỉ kỳ vọng vào tư nhân, nhưng với điều kiện này sẽ hết sức khó khăn trong giai đoạn tới.
Năm nay Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ 39.000 tỉ đồng, BOT là kênh thu hút vốn nhưng có bất cập, phát sinh thì phải cùng nhau xử lý. Việc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại các trạm BOT thì chắc không có.
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải như thế nào với các bất cập tại dự án BOT?
Trong hợp đồng BOT đều có quy định xử lý các vấn đề phát sinh, nhà đầu tư đứng đầu, sau đó đến Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý Nhà nước trong quá trình khai thác, và đến trách nhiệm của địa phương. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xử lý, không thể xử lý bằng quyết định hành chính vì ký hợp đồng với các bên, Bộ ký với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký với ngân hàng, sẽ phải có sự tham gia xem xét của các bên. Sai đến đâu xử lý đến đó, thậm chí nếu sai phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý, nhưng hiện tại chưa phát hiện sai phạm gì.
Vì sao dự án chỉ định thầu?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư PPP, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định pháp luật thì có nhiều dự án để có những hình thức đấu thầu khác nhau như chỉ định thầu, đấu thầu. Dự án Cai Lậy lập phương án từ 2009, thị xã Cai Lậy ùn tắc nghiêm trọng, để giảm ùn tác, đảm bảo an toàn giao thông nên đã xin ý kiến Chính phủ để chỉ định thầu. Trong phương án năm 2009 chỉ làm tuyến tránh thị xã Cai Lậy, nhưng năm 2013 đưa thêm hợp phần cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 vào.Trong quá trình làm việc với các cơ quan và xem xét của tỉnh Tiền Giang thì quốc lộ 1 cũng xuống cấp, hơn nữa trong quá trình làm việc của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đưa vào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.