Sáng nay (17.2), Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 45. Sau phiên khai mạc, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Thường vụ Quốc hội không cho lùi trình luật Biểu tình |
Tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội khóa 13 thông qua dự án luật Đấu giá tài sản; dự án luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; dự án luật Hành chính công…
Đặc biệt, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình của Chính phủ mới được ký ngày 16.2 về việc xin lùi thời gian trình luật Biểu tình ra Quốc hội. Dự án luật Biểu tình từng được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị ban hành, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo dự án luật Biểu tình. Bộ Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch… “Tại phiên họp thường kỳ tháng 1.2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung dự thảo luật”, ông Cường nói.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”. Chủ tịch nhấn mạnh: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Ủy ban chưa biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng, "cần đảm bảo thời gian trình luật Biểu tình. Bởi quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945. Không thể cứ lùi đi lùi lại mãi, thậm chí còn không có lợi về mặt chính trị”.
Bình luận (0)