Thủy thủ Việt 'chống' cướp biển bằng... súng gỗ và hình nộm

10/12/2014 13:35 GMT+7

(TNO) Trước nạn cướp biển hoành hành , thủy thủ Việt đã có những cách đối phó 'lạ kỳ' nhưng hữu hiệu.

Dây thép gai quấn quanh thân tàu để chống cướp biển tiếp cận

Dây thép gai quấn quanh thân tàu để chống cướp biển tiếp cận
Dây thép gai quấn quanh thân tàu để chống cướp biển tiếp cận

Điểm nóng trên vùng biển Đông Nam Á

Những vụ tàu chở hàng bị cướp biển tấn công liên tiếp xảy ra trong thời gian qua trên vùng biển Đông Nam Á khiến giới hàng hải trong nước lo ngại.

Ông Lê Thanh Sơn, nguyên giảng viên khoa Hàng hải (Trường đại học Hàng hải Việt Nam), có kinh nghiệm 25 năm làm thuyền trưởng tàu viễn dương, cho biết trên thế giới có 3 điểm nóng về nạn cướp biển là vùng biển Đông Nam Á, Tây Phi và vịnh Aden - nơi cướp biển Somalia hoành hành. Theo ông Sơn, khác với cướp biển Somalia thường khống chế tàu để đòi tiền chuộc, cướp biển ở vùng Đông Nam Á thường cướp tài sản rồi rút.

Lần đầu tiên ông Sơn và thủy thủ đoàn đối mặt với cướp biển là vào năm 1990. Khi ấy ông là thuyền trưởng tàu Thanh Hóa 1 của Công ty Vận tải biển Thanh Hóa. Tàu chở 1.200 tấn gạo, bị cướp biển tấn công ở vịnh Jakarta (Indonesia).

“Lúc đó, cướp biển chỉ có những con dao rất dài, sáng loáng, chúng trói thủy thủ và cướp một số thiết bị máy móc. Nhưng về sau này thì cướp biển càng trở nên nguy hiểm khi trang bị cả tàu thuyền, vũ khí hiện đại”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, ở vùng biển Đông Nam Á, ngoài eo biển Malacca, còn có một khu vực được Văn phòng thông tin chống cướp biển quốc tế (có trụ sở ở Kuala Lumpur, Malaysia) cảnh báo là nơi trú ngụ của những toán cướp biển: cụm đảo Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia.

Chính vì vậy, ông Sơn thường cho tàu đi với tốc độ 16 - 17 hải lý/giờ và cách xa khoảng 20 - 25 hải lý khi đi qua cụm đảo trên. “Theo dõi vụ tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công cũng ở gần khu vực này tôi thấy có một số nguyên nhân chính đó là tàu chạy cách cụm đảo này dưới 10 hải lý, chạy với tốc độ 6 - 7 hải lý/giờ là quá chậm...”, ông Sơn nói.

"Chống" cướp biển bằng súng gỗ và hình nộm

Trong cuốn giáo trình An toàn hàng hải do ông Sơn biên soạn, có một mục đi sâu phân tích công tác chuẩn bị phòng chống cướp biển. Theo đó, sự chuẩn bị chu đáo quyết định đến 95% sự an toàn khi đối mặt với loại tội phạm nguy hiểm này.

Ông Sơn nhận định trong giáo trình: Bên cạnh việc tăng cường cảnh giới thì tàu phải có ít nhất 3 vòi rồng cứu hỏa đặt ở các vị trí sau lái và hông tàu. Khi thấy tàu của cướp biển tiến tới gần thì phải sử dụng các vòi rồng chĩa thẳng về phía đối phương để ngăn chặn. Tuy nhiên, phải xem xét đến việc cướp biển có trang bị súng hay không, nếu có thì chỉ thực hiện việc phun nước khi trên tàu có khu vực chắn được đạn.

Vào ban đêm, nghiêm cấm những người không có nhiệm vụ đi ra ngoài cabin. Lối cầu thang phía ngoài cabin thông lên buồng lái phải được chặn lại bằng cách buộc dây cáp, dây thép hay sử dụng các vật cản khác. Hệ thống đèn thắp sáng phải bật và khi cần phải chiếu thẳng ánh sáng về phía cướp biển để làm lóa mắt, trong khi đó thuyền viên thực hiện các biện pháp phòng chống.

“Khi gặp cướp biển thì nên có thái độ điềm tĩnh để làm dịu tình hình, không nên nóng nảy dùng các biện pháp vũ lực, tuyệt đối không để thuyền viên bị thương tích”, ông Sơn chia sẻ. Ông cho biết thêm, phải tăng hết tốc độ tàu, không nên chạy vào gần bờ, chạy càng ra xa bờ càng tốt.

Ông Sơn cho rằng tâm lý của cướp biển giống như những tên ăn trộm, khi mình chuẩn bị kỹ càng để phòng chống thì chúng sẽ không thể đột nhập được. Khi làm thuyền trưởng cho tàu Nord Venus của Nhật Bản, ông đã yêu cầu các thủy thủ trên tàu thực hiện một số biện pháp phòng chống khá 'lạ kỳ'.

Ngoài việc sử dụng dây thép gai quấn quanh mạn tàu, ông Sơn còn nghĩ ra cách đặt tấm biển cảnh báo giả ghi tiếng Ả rập ở vị trí dễ trông thấy với nội dung: “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”.

Khi đi qua vịnh Aden, nhiều tàu chở hàng có giá trị lớn, đặc biệt là dầu mỏ, thường phải thuê dịch vụ bảo vệ có vũ trang của Sri Lanka với giá rất đắt. Ông Sơn nghĩ ra cách dùng hình nộm đội mũ bảo hộ và chế súng gỗ sơn đen để chơi “đòn tâm lý” với cướp biển. Biện pháp này đã phát huy tác dụng trong chuyến đối mặt cướp biển Somalia hồi tháng 2.2012.

“Hôm đó, tàu quân sự hộ tống khoảng 5 chiếc tàu chở hàng đi qua vịnh Aden vào tới biển Đỏ là họ rút. Hai tàu cướp biển Somalia lúc này mới xuất hiện, chúng tiến về tàu của tôi nên tôi đã phát tín hiệu báo động an ninh. Khi cách chừng 500 m, chúng tôi cầm súng giả để đánh lừa chúng và bắt đầu phun vòi rồng nên chúng chuyển hướng tấn công sang tàu khác. Bốn tàu này đều thuê bảo vệ có vũ trang nên cướp biển không tấn công được, đành phải rút lui”, ông Sơn kể.

Hệ thống dây thép gai nhìn từ phía trên
Hệ thống dây thép gai nhìn từ phía trên

Một thủy thủ làm hình nộm
Một thủy thủ làm hình nộm

Hình nộm đội mũ bảo hộ và có súng để “đánh đòn tâm lý” với cướp biển
Hình nộm đội mũ bảo hộ và có súng để “đánh đòn tâm lý” với cướp biển

Thủy thủ đứng cảnh giới nhưng có thêm súng...gỗ để đánh lừa cướp biển
Thủy thủ đứng cảnh giới nhưng có thêm súng... gỗ để đánh lừa cướp biển

Tấm biển cảnh báo giả ghi tiếng Ả rập có nội dung: “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”
Tấm biển cảnh báo giả ghi tiếng Ả rập có nội dung: “Điện áp cao, nguy hiểm chết người”

Tàu quân sự hộ tống tàu Nord Venus do ông Sơn làm thuyền trưởng qua vịnh Aden
Tàu quân sự hộ tống tàu Nord Venus do ông Sơn làm thuyền trưởng qua vịnh Aden

Vũ Ngọc Khánh
Ảnh do ông Lê Thanh Sơn cung cấp

>> Cướp biển bùng phát ở Đông Nam Á
>> Cướp biển bắn chết 1 thuyền viên tàu hàng VN
>> Thuyền viên người Việt bị cướp biển bắn ngoài khơi Singapore đã chết
>> Thuyền viên người Việt bị cướp biển bắn ngoài khơi Singapore
>> Cách Trung Quốc cướp Biển Đông làm của riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.