Tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa giảm

26/01/2016 06:41 GMT+7

Ông Lê Trung Trực - Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phong, cho biết tổ công tác của huyện vẫn phát hiện nhà máy chở xỉ và than bằng xe ben.

Ông Lê Trung Trực - Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phong, cho biết tổ công tác của huyện vẫn phát hiện nhà máy chở xỉ và than bằng xe ben.

Sáng 25.1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa, dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh này kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định về môi trường tại các nhà máy ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận).
Gió bụi mù mịt tại công trường Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân trưa ngày 25.1 - Ảnh: Quế Hà
Tham gia đoàn công tác còn có Giám đốc Sở TN-MT Hồ Lâm, đại diện Công an tỉnh và các ban, ngành liên quan. Đoàn đến quan sát tại bãi xỉ than (64 ha) của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Lúc này, gió ở khu vực ven biển Vĩnh Tân rất mạnh, nên dù được tưới nước liên tục nhưng bãi xỉ vẫn có khói bụi mịt mù.


Bộ Công thương và Chính phủ đã đồng ý trong trường hợp nếu bộ tĩnh điện hút bụi của nhà máy bị hư hỏng, có sự cố về môi trường thì nhà máy có thể tự ngưng hoạt động, dù mỗi lần khởi động có thể tốn hàng tỉ đồng 


Ông Thiên Thanh Sơn - Phó giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2



Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, xỉ than được trộn với nước và vận chuyển đến bãi xỉ bằng xe chuyên dụng. Tuy nhiên, tại cuộc họp với các nhà máy trưa hôm qua, ông Lê Trung Trực - Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phong, cho biết tổ công tác của huyện vẫn phát hiện nhà máy chở xỉ và than bằng xe ben.
Tại công trình cảng tổng hợp Vĩnh Tân (Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư), đoàn công tác xuống tận bãi lấn biển để kiểm tra. Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt (9 giờ 30 cùng ngày) gió rất lớn, khói bụi mù mịt nhưng chủ dự án không hề tưới nước xuống công trường. Ông Nguyễn Đức Hòa chất vấn đại diện chủ đầu tư vì sao không tưới nước, thì họ cho biết “cứ mỗi tiếng chúng em tưới một xe”. Nhưng thực tế thì công trường của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân khói bụi vẫn mù mịt.
Tại công trường Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (nơi các nhà thầu Trung Quốc đang thi công), đoàn công tác vào sâu tận bên trong công trường, giáp với mặt biển để kiểm tra. Theo chủ đầu tư dự án Nhà máy Vĩnh Tân 1, do còn một bãi đất rộng trên 20 ha sát biển chưa sử dụng, không thể tưới nước phủ kín, nên vẫn còn nhiều khói bụi.
Xe chuyên dụng dùng để vận chuyển xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Ảnh: Quế Hà
Lấy nước phân tích mức độ ô nhiễm
Báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh ngay tại công trường, Phó chủ tịch UBND H.Tuy Phong Lê Trung Trực, cho biết huyện cử một tổ công tác đặc biệt “cắm” 24/24 giờ tại khu vực nhà máy. “Mấy ngày nay gió cực mạnh, cả ngày lẫn đêm. Bà con lo ngại bụi than từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phát tán vào khu dân cư. Chúng tôi cũng lo ngại vì còn 6 điểm công trường đang thi công gây ô nhiễm nặng, đặc biệt là bãi xỉ than”, ông Trực nói.
Cũng theo ông Trực, hiện nay bãi xỉ giáp chân núi (mới chỉ được phủ bạt ngày 24.1) nếu chỉ ngưng một buổi không tưới nước thì tro xỉ sẽ gây ô nhiễm ngay. “Đề nghị nhà máy phải thường xuyên tưới nước. Chứ không phải thấy có đoàn của tỉnh ra kiểm tra thì mới tưới, khi đoàn công tác về rồi lại ngưng. Bãi than của Vĩnh Tân 2 đã đầy rồi, mai mốt còn 3 nhà máy nữa thì lượng than sẽ nhiều đến chừng nào, chúng tôi rất không yên tâm”, ông Trực lo lắng.
Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, ông Hồ Lâm thì “điểm mặt” một số vị trí đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất nặng, đó là: Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, bãi xỉ than của Nhà máy Vĩnh Tân 2, khu san gạt của Vinacomin (do Công ty Đông Bắc thi công) và mỏ đá của Công ty Bắc Hà. Ông Hồ Lâm cũng cho biết hiện Sở TN-MT đang lấy mẫu nước ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để đem đi phân tích mức độ ô nhiễm, dự kiến cuối tháng 1 sẽ có kết quả.
Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng các biện pháp của nhà thầu hiện chưa hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tôi yêu cầu các nhà thầu phải tưới nước thường xuyên. Nếu trong trường hợp gió quá mạnh thì phải ngưng thi công. Ngoài ra, yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, cùng với Công an tỉnh và UBND H.Tuy Phong phải giám sát chặt diễn biến môi trường tại các nhà máy và có báo cáo hằng ngày cho UBND tỉnh. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Quyết không để tình trạng ô nhiễm xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, ông Hòa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.